Từ ngày 28-8 đến 4-9, nhận lời mời của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Xẩm Hải Thành có chuyến công du tới đất nước “mặt trời mọc”. Tại đây, những làn điệu “Xẩm thập ân”, “Tứ hải giao tình”…ngân rung, mở ra cơ hội hợp tác, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Nhật Bản và các nước khác.
“Sứ giả” kết nối văn hóa
Vừa trở về Việt Nam sau chuyến công tác tại Nhật Bản, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh lập tức triển khai chương trình biểu diễn hát Xẩm phục vụ hơn 10 du khách Nhật Bản (diễn ra ngày 13-9) tại địa điểm biểu diễn quen thuộc ở phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân). Anh Linh cho biết: “Chương trình biểu diễn có những tiết mục hát Xẩm đặc sắc do các thành viên CLB Xẩm Hải Thành biểu diễn, trong đó, không thể thiếu các tác phẩm ca ngợi quê hương, đất nước. Thông qua chương trình biểu diễn Xẩm, tôi muốn mang tới cho du khách ngày trải nghiệm thú vị khi ở Việt Nam. Trong đó, các bạn Nhật Bản được sống trong không gian nghệ thuật đầy chất mộc mạc, tinh tế, khám phá sự gần gũi cũng như khác biệt trong văn hóa của nhân dân hai nước”.
Được biết, chương trình biểu diễn này là sự kiện tiếp nối và là “quả ngọt” đầu tiên mà nghệ nhân Đào Bạch Linh thu được sau chuyến công du biểu diễn tại thành phố Fukuo (Nhật Bản), nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và 10 năm thành lập Tổng lãnh sự quán Việt Nam. Trong những ngày lưu diễn tại đất nước “mặt trời mọc”, nghệ nhân Đào Bạch Linh và một số nghệ sĩ khác của Việt Nam trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như hầu đồng, hát xẩm, ca trù…. Trong đó, nghệ thuật Xẩm được coi là “sứ giả” đặc biệt để kết nối văn hóa giữa các quốc gia. Tại đây, nghệ nhân Đào Bạch Linh trình diễn các tiết mục Xẩm đặc sắc, như: “Theo Đảng trọn đời”, Xẩm Thập ân”, “Trí hải giao tình”… “Bạn thử tưởng tượng, trong không khí trang trọng của những nghi lễ nhà nước nhưng đầy ấm cúng, thân tình, ấm tình hữu nghị, hơn 100 đại biểu, khách mời đến từ hàng chục Đại sứ quán các nước ngồi chật kín khu vực giao lưu, thưởng thức trà, cà phê Việt Nam, xem và tìm hiểu về hát Xẩm, mới cảm nhận hết sự vinh dự, tự hào. Điều thú vị là dù không hiểu tiếng Việt, nhưng họ cảm nhận nét văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam qua trang phục, phong cách trình diễn, cách sử dụng nhạc cụ. Vì thế, sau mỗi tiết mục, khách mời vỗ tay tán thưởng, một số người tiến gần phía tôi hỏi tên loại hình nghệ thuật, học cách chơi nhạc cụ, cách hát” – nghệ nhân Đào Bạch Linh cho biết.
Thúc đẩy bảo tồn và quảng bá nghệ thuật hát Xẩm
Nhằm đưa nghệ thuật hát Xẩm vươn ra thế giới, ngoài chương trình biểu diễn tại nước ngoài, nghệ nhân Đào Bạch Linh và một số nghệ sĩ như Đức Tám, Đinh Thủy thường xuyên tham gia trình diễn phục vụ du khách Ô-xtrây-li-a, Tây Ban Nha, Pháp tại Hà Nội. Nhóm biểu diễn các thể loại chính như: “Xẩm nhà trò”, “Xẩm Huê tình”, “Xẩm tàu điện”… và giới thiệu tới du khách các nhạc cụ dùng trong hát Xẩm: nhị, trống mảnh, sênh, phách bàn…và một số nhạc cụ dân gian khác, như: đàn nguyệt, đàn tranh, sáo… Nhiều chương trình biểu diễn khác phục vụ khách du lịch tại Hà Nội do Hội đình làng Việt tổ chức, các thành viên Câu lạc bộ Xẩm Hải Thành cũng tích cực tham gia, góp phần đưa nghệ thuật hát Xẩm từ đường hè lên sân khấu.
Song song với các hoạt động ở Thủ đô, tại thành phố quê hương, CLB Xẩm Hải Thành có nhiều chương trình biểu diễn, hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Nhà nghiên cứu Phạm Văn Thi (Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng) nhận xét: “Những năm gần đây, vào ngày 22-2 và 22-8 âm lịch hằng năm, thầy và trò nhà Xẩm đều tổ chức giỗ Tổ nghề và giao lưu hát Xẩm tại đình Niệm Nghĩa hoặc đình Hào Khê, với sự tham dự của nhiều nghệ nhân hát Xẩm đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… Đồng thời, CLB chủ trương thành lập các nhóm nhỏ, phụ trách hướng dẫn chuyên môn, cách duy trì chiếu xẩm tại một số đơn vị, trường học. Tôi cho rằng đó là hoạt động tích cực của CLB trong việc giữ gìn, phát triển và quảng bá nghệ thuật hát Xẩm đến với người dân và du khách”.
Đáng nói, từ hơn hai tháng nay, các thành viên CLB Xẩm Hải Thành biểu diễn gần 10 buổi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại khu phố đi bộ Tam Bạc (gần đền Tam Kỳ) vào tối thứ 7 hằng tuần, ngày rằm, mồng một âm lịch hằng tháng. Tuy hoạt động tự phát, nhưng chiếu Xẩm tại khu phố Tam Bạc được người nghe, người xem hưởng ứng nồng nhiệt. Nhiều du khách nước ngoài khi đi qua, dừng lại thưởng thức những làn điệu Xẩm bày tỏ sự ngưỡng mộ qua các tràng pháo tay, những tấm ảnh chụp kỷ niệm. “Tôi mong muốn sớm được cơ quan chức năng chính thức cấp phép biểu diễn tại phố đi bộ Tam Bạc để ngày càng có nhiều người trong và ngoài nước biết đến, yêu và thích hát Xẩm hơn”, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh bày tỏ.
Đông Hải. Nguồn: Báo Hải Phòng