Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, sau 4 tháng phát động cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT) về thành phố với chủ đề “Hải Phòng-khát vọng vươn lên”, Ban tổ chức mới tiếp nhận 95 tác phẩm của 89 tác giả trong và ngoài thành phố gửi về tham dự. Theo đánh giá sơ bộ, trong số tác phẩm gửi về, ít tác phẩm đạt giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, khó đạt yêu cầu, mong muốn Ban tổ chức cuộc thi đặt ra.
Trong ảnh: Cầu vượt Nguyễn Văn Linh sau ngày thông xe. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
Văn nghệ sĩ kêu “khó”
Kể từ khi tham dự lễ phát động cuộc thi sáng tác VHNT về thành phố với chủ đề “Hải Phòng khát vọng vươn lên” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức tháng 11- 2018, các hội chuyên ngành trực thuộc Hội VHNT thành phố tích cực vận động hội viên và bạn bè văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố tham gia.
Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hải Phòng tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác. Một số tay máy “có tiếng” trong giới nhiếp ảnh cả nước và thành phố như các NSNA: Vũ Dũng, Nguyễn Viết Rừng, Nguyễn Đức Nghĩa, Thanh Tùng, Đức Biên, Trọng Luân… thường xuyên tổ chức nhóm đi thực tế sáng tác để “săn lùng” khoảnh khắc đẹp về thành phố. Theo NSNA Nguyễn Đức Nghĩa, người thường xuyên bám sát quá trình xây dựng các công trình lớn của thành phố và khá “chịu chơi” đầu tư thiết bị chụp ảnh hiện đại: Thể lệ cuộc thi quy định mỗi tác giả chỉ được gửi một tác phẩm tham dự khiến tôi phải cân nhắc, đắn đo để chọn ra tác phẩm đẹp về nghệ thuật, cô đọng về nội dung để gửi tham gia”. Là người trăn trở khá nhiều với cuộc thi, NSNA Vũ Dũng cho biết: “Là những người con của Hải Phòng, tôi và một số tác giả đặt mục tiêu phải có tác phẩm tham gia và đoạt giải vì đó là danh dự, là tình cảm, là khát khao thực hiện ảnh/bộ ảnh về sự phát triển đột phá của thành phố. Tuy nhiên, để có bức ảnh đẹp rất khó vì nếu chỉ phản ánh đơn thuần các công trình, cầu đường nguy nga hoành tráng, khó đạt yêu cầu về tư tưởng và nghệ thuật, đủ đáp ứng tiêu chí Ban tổ chức, giới chuyên môn và được chính người dân thành phố đánh giá cao”.
Với loại hình mỹ thuật, họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố cũng cho rằng, nếu thời gian nhận tác phẩm như quy định hiện nay, Ban Tổ chức khó thu được tác phẩm đẹp, xuất sắc. Theo anh, các cuộc thi thường niên của Hội được phát động hằng năm trời, thậm chí triển lãm toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam 5 năm mới tổ chức một lần. Chưa kể, đề tài các cuộc thi đều là đề tài tự do, chứ không cụ thể như cuộc thi này. Cá nhân anh một năm vẽ vài chục bức tranh về phong cảnh, con người Hải Phòng, nhưng để chọn tác phẩm ưng ý nhất tham gia cuộc thi, anh phải “đặt lên, hạ xuống” nhiều lần. Theo thông tin chung về các hội viên của Hội anh nắm được, đến nay chưa có tác giả nào có tác phẩm xuất sắc dự thi.
Sẽ đề xuất thay đổi, bổ sung thể lệ cuộc thi
Trước những khó khăn phát sinh, Ban tổ chức cuộc thi họp các thành viên và gặp gỡ một số hội chuyên ngành để nghe đề xuất, góp ý.
Theo đại diện lãnh đạo một số cơ quan thông tin đại chúng thành phố, để thu hút được nhiều tác phẩm dự thi, từ đó chọn ra tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm như mong muốn của lãnh đạo thành phố và tương xứng giá trị giải thưởng, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, thể lệ cuộc thi. Đồng thời, kéo dài thời gian tiếp nhận tác phẩm so với dự kiến; thực hiện cơ chế “đặt hàng” các văn nghệ sĩ có tên tuổi của trung ương, các tỉnh, thành phố cùng tham dự; tạo niềm hứng khởi tâm huyết, say mê sáng tác của văn nghệ sĩ thành phố.
Về tình hình số lượng tác phẩm gửi về có sự chênh lệch lớn giữa các loại hình, thiếu vắng tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhất là chưa có tác phẩm thuộc loại hình sân khấu và điện ảnh, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đặng Tiến đề nghị Ban tổ chức sửa đổi, bổ sung thể lệ cuộc thi, với mỗi loại hình nên giới hạn thời gian tiếp nhận tác phẩm riêng. Ví dụ như với loại hình văn học, nhiếp ảnh có thể thời gian nhận tác phẩm ngắn hơn, nhưng với mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh cần nhiều thời gian hơn. Mặt khác, mở rộng tiêu chí tiếp nhận tác phẩm, nhất là loại hình sân khấu, điện ảnh có thể xem xét tiếp nhận thêm kịch bản. Ban tổ chức nên mời gọi các nghệ sĩ ở trung ương tham gia, mở trại sáng tác tập trung hoặc tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác để họ có điều kiện thâm nhập thực tế, có cảm xúc để vẽ, viết, chụp ảnh về Hải Phòng.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Ban tổ chức cũng như đại diện văn nghệ sĩ thành phố, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Hữu Doãn cho biết sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến cụ thể về việc kéo dài thời gian tiếp nhận tác phẩm; bổ sung thể lệ cuộc thi; đẩy mạnh tuyên truyền, mời gọi văn nghệ sĩ tên tuổi ở trung ương tham gia; tạo điều kiện để văn nghệ sĩ tham gia các chuyến đi thực tế sáng tác… Ban Tổ chức sẽ nỗ lực hết sức để đạt mục đích cuộc thi đề ra, tìm ra được tác phẩm đỉnh cao, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh khí thế, tốc độ phát triển mạnh mẽ của thành phố; đồng thời có sức sống bền lâu, được đông đảo nhân dân đón nhận”.
ĐÔNG HẢI – baohaiphong