Du lịch Việt Nam: hai thập niên thoát khỏi ‘thời bao cấp’

Trong số các ngành kinh tế, thì du lịch Việt Nam thoát khỏi dấu ấn thời bao cấp thuộc hàng muộn nhất, nhưng lại ghi dấu ấn tư nhân mạnh mẽ nhất.

Ký ức thời bao cấp

Những người Việt Nam sinh ra trong các thập kỷ từ năm 1960 đến 1980 sẽ có một ký ức rất riêng về “du lịch biển” so với những thế hệ sau. Bờ biển của họ vắng hơn, tuềnh toàng hơn. Đó là nơi cả gia đình sẽ cùng chụp một tấm ảnh chung nhờ người chụp ảnh dạo trên bãi biển. Những bức ảnh có chú thích: “Kỷ niệm Sầm Sơn/Đồ Sơn… mùa hè năm…”.

Biển Bãi Cháy hoang sơ với lác đác vài khách sạn. Ảnh: tư liệu.

Và trên những bãi biển ấy, thứ đặc trưng nhất, chính là hệ thống các “nhà khách”, “nhà nghỉ” của khối cơ quan công. Khách sạn Công đoàn, Nhà khách Bộ Xây dựng, Khách sạn Lâm nghiệp,… Trong những thập kỷ 80-90, thì cơ sở lưu trú đồ sộ nhất, đắc địa nhất, sang trọng nhất, và gần như là duy nhất trên các bãi biển khắp Việt Nam là của các cơ quan nhà nước.

Đến tận đầu thập kỷ 90, chức năng chủ yếu của các “nhà khách” vẫn là để phục vụ cán bộ nghỉ dưỡng. Ngành du lịch chưa hình thành. Tư nhân chưa được khuyến khích tham gia.

Cho đến năm 1993, thứ mà bây giờ gọi là “ngành dịch vụ lưu trú” (hospitality) vẫn được gọi là “nghề cho thuê ngủ trọ”. Trong một nghị định thời đó, “nghề cho thuê ngủ trọ” được xếp vào nhóm nghề đặc biệt, có liên quan đến an ninh quốc gia, cần được công an cấp phép. Nghề cho thuê ngủ trọ nằm cùng nhóm với nghề sản xuất súng, nghề liên quan đến chất phóng xạ.

Đến tận năm 1994, chính phủ mới định hướng lại. Khi đó, ngành du lịch được gọi tên, được xác định là có tiềm năng kinh tế lớn. Các nhà khách, nhà nghỉ của các cơ quan nhà nước được yêu cầu phải lên phương án kinh doanh – tức là tìm cách tăng nguồn thu từ khách du lịch chứ không chỉ phục vụ công tác nghỉ dưỡng của cán bộ nữa.

“Nghề cho thuê ngủ trọ” chỉ thực sự lên một tầm cao mới trong những năm 2000, với sự xuất hiện của các nhà đầu tư tư nhân – những người chuyên nghiệp.

Các bờ biển ở Thanh Hóa, và gần đây là những resort cao cấp mọc lên ở Hải Phòng, dần xóa đi những ký ức về “thời bao cấp” ở các bãi biển Việt Nam.

Cuộc cất cánh muộn

Ngành dịch vụ lưu trú nói chung và ngành du lịch nói riêng của Việt Nam phát triển muộn; như một đặc trưng của một nền kinh tế mở cửa muộn.

Cho đến những năm 2000, khi các khách sạn 4-5 sao bắt đầu lác đác xuất hiện nhờ vào các nhà đầu tư tư nhân tại Việt Nam, và những “resort” đầu tiên hình thành, thì ở các quốc gia trong khu vực, ngành lưu trú đã phát triển rực rỡ. Tại Thái Lan, Indonesia hay Malpes, những khu nghỉ dưỡng cao cấp đã hình thành từ thập kỷ 80 và thiên niên kỷ mới là lúc họ đang hốt bạc, làm thương hiệu toàn cầu.

Tại Hạ Long, danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới không thay đổi được bức tranh “thời bao cấp” khi tỉnh Quảng Ninh vẫn xác định “vàng đen” là nguồn lợi kinh tế chính.

Năm 2014, tức là 20 năm sau khi Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (1994), lượng khách đến Hạ Long mới chỉ cán mốc 2,5 -2,7 triệu lượt. Thế nhưng từ 2015, sau khi Sun Group cải tạo bãi tắm Bãi Cháy, thắp sáng cầu Bãi Cháy hàng đêm, đầu tư tổ hợp Sun World Halong Complex… du lịch Hạ Long mới bừng tỉnh.

Sun World Halong Complex.

Năm 2018, Quảng Ninh đón 12,2 triệu lượt khách du lịch và hầu hết lượng khách đều đến Hạ Long, tăng 6 lần chỉ trong vòng 4 năm. Hơn 48.000 tỉ đồng là tổng số vốn đầu tư tư nhân mà tỉnh này đã huy động được trong khoảng 4 năm đó.

Nhiều địa phương tại Việt Nam trong thời kỳ này, như Nha Trang, Đà Nẵng đã chọn một con đường khôn ngoan. Thay vì tiếp tục khuyến khích phát triển các cơ sở lưu trú nhỏ, họ tạo hành lang cho những nhà đầu tư lớn với các dự án lớn.

Con đường ven biển của Đà Nẵng, với những nhà đầu tư cả quốc tế lẫn trong nước lớn, tạo thành một chuỗi resort “tỉ đô” là một ví dụ điển hình. Sự hình thành của những dự án vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng như Bà Nà Hills hay InterContinental Danang Sun Peninsula Resort trên bán đảo Sơn Trà, thay vì những tổ hợp lưu trú nhỏ theo thông lệ của các “khu du lịch”, cũng được chỉ ra là những quyết định đúng đắn.

Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019.

Các nhà đầu tư như Sun Group đã khiến cho du lịch đi xa hơn rất nhiều so với “ngủ trọ”. Không chỉ là lưu trú, Đà Nẵng đang trở thành tâm điểm du lịch quốc gia nhờ vào đầu tư cho các trải nghiệm, từ Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng cho đến carnival đường phố và những hoạt động nghệ thuật trình diễn quy mô trên đỉnh Bà Nà.

Tuy nhiên, cuộc cất cánh muộn khiến cho hạ tầng du lịch ở Việt Nam đến lúc này vẫn được nhận định là thiếu, so với tiềm năng của quốc gia. Ngay cả các đại diện của ngành du lịch cũng tự nhìn nhận rằng du lịch Việt Nam đang “quá đơn điệu”.

Mặt khác, theo xếp hạng gần đây của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 67/136 quốc gia về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, trong đó chỉ số về nguồn nhân lực và thị trường lao động được xếp hạng 37, trên nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (40), Philippines (50), Indonesia (64), Lào (65) Campuchia (110).

Nguồn: Báo Thanh niên

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

Thiệt hại 1,5ha rừng do cháy rừng tại núi Mã Chàng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên)

Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…

20/12/2024

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More