Mất khoảng 1 giờ đi ô-tô từ trung tâm thành phố về phía Nam, qua đường 354 và 212, du khách sẽ đến với điểm khởi đầu cho tua du lịch tâm linh ven sông Văn Úc (một nhánh của sông Thái Bình) ở huyện Tiên Lãng. Điểm dừng chân đầu tiên là đền Gắm. Đền tọa lạc trên bán đảo cửa sông Văn Úc, thuộc địa phận thôn Cẩm Khê (xã Toàn Thắng), được xây dựng từ thời vua Lý Cao Tông, để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng Ngô Lý Tín. Đền hiện vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý thời Nguyễn như cuốn thư, hoành phi, câu đối, cửa võng chạm “lưỡng long chầu nguyệt”, y môn, ngai rồng, án hương, bát bửu, chuông đồng và một số đồ thờ tự khác. Phía sau hậu cung, du khách còn được chiêm ngưỡng cây nhãn cổ hơn 600 năm tuổi được vinh danh là Cây di sản Việt Nam cuối năm 2017.
Cây gạo cổ thụ ở chùa Thắng Phúc.
Ngay gần đền Gắm là chùa Thắng Phúc, ở xã Tiên Thắng. Ngôi cổ tự này được xây dựng từ thời nhà Lý cách đây hơn 800 năm lịch sử. Tại đây có rất nhiều các bậc cao tăng trụ trì và hành đạo. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, theo tiếng gọi non sông, chùa có 5 vị sư cởi áo cà sa khoác chiến bào ra đi chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước và hy sinh anh dũng. Ở đây cũng còn cây gạo hơn 500 năm tuổi được công nhận Cây di sản Việt Nam
Rời chùa Thắng Phúc, du khách ngược dòng lên thượng nguồn sông Văn Úc, ngắm cảnh hùng vĩ của dòng sông với màu xanh bạt ngàn của cây trái ven sông để đến xã Đại Thắng đắm mình trong hương nồng của sản vật nơi đây với rượu nếp cái hoa vàng. Hãy dừng bước tại bến Mía (xã Đại Thắng) đi bộ 1 km đến vãn cảnh di tích lịch sử cấp thành phố đền Để Xuyên. Đền được suy tôn là đền cả trong “ngũ linh từ” của huyện Tiên Lãng thờ Trang Định Công.
Từ đền Để Xuyên, ngược dòng quay lại, du khách rẽ sang sông Mới thuộc địa phận 2 xã Tự Cường, Tiên Cường để đến điểm di tích Khu tưởng niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, tại thôn Đại Độ, xã Tiên Cường. Khu tưởng niệm mặt hướng ra sông Văn Úc, quanh năm nghe tiếng sóng sẽ thấy lòng mình thanh thản.
Tiếp đến, từ Khu di tích đền, xuôi theo sông Văn Úc du khách đến địa phận xã Kiến Thiết, địa phương nổi tiếng với sản vật thuốc lào tiến vua. Tại đây, có di tích nổi tiếng là đình Đông nơi thờ tiến sĩ thượng thư Nhữ Văn Lan (ông ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), người “khai quang bảng nhãn” đầu tiên cho truyền thống hiếu học của đất Tiên Lãng xưa.
Từ đây, du khách có thể đến xã Đoàn Lập, địa phương có 2 ngôi đền nằm trong “ngũ linh từ”. Nằm tọa lạc cạnh đầm Bì rộng mênh mông là đền Canh Sơn và đền Bì. Ngoài di chuyển bằng đường bộ, du khách có thể ngồi thuyền trên đầm Bì để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên đậm chất làng quê Bắc Bộ.
Điểm dừng chân cuối cùng là đền Hà Đới, thuộc xã Tiên Thanh. Đền thờ Trần Quốc Thành, vị tướng đời Trần lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên thế kỷ 13. Ngôi đền lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thế kỷ 17 có giá trị
Nguyễn Dương – Báo Hải Phòng ngày 25/06/2018