Tính đến tháng 9/2021, 412 cơ sở lưu trú trên tổng số 541 cơ sở lưu trú của thành phố Hải Phòng phải đóng cửa trong khi số cơ sở lưu trú còn lại chỉ đạt công suất trung bình là 30%.
Dịch COVID-19 tác động nặng nề đến du lịch Hải Phòng. Để vực dậy sự phát triển của du lịch thành phố cảng, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thành phố cần phát huy mạnh mẽ vai trò của “nhạc trưởng“, các doanh nghiệp phải thích ứng, linh động hơn trong nắm bắt nhu cầu của khách hàng.
Đóng cửa hoặc phát triển cầm chừng
Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, cho biết từ tháng 1/2021 đến nay, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của Hải Phòng đã tạm dừng hoạt động hoàn toàn trong gần 7 tháng. Lực lượng lao động thuộc lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc khoảng 10.410 người. Số lao động còn làm việc hoặc làm việc bán thời gian là 5.430 người, chỉ bằng 34% so với tổng lao động tại thời điểm năm 2019 (khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, ngành du lịch Hải Phòng đạt mục tiêu 9 triệu lượt khách du lịch).
Tính đến tháng 9/2021, 412 cơ sở lưu trú trên tổng số 541 cơ sở lưu trú của thành phố phải đóng cửa. Số cơ sở lưu trú còn lại chỉ đạt công suất trung bình là 30%, bao gồm cả hoạt động phục vụ lưu trú của chuyên gia, người lao động đang làm việc tại thành phố Hải Phòng và phục vụ cách ly y tế. Dự báo công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố cả năm chỉ đạt trung bình 15%.
Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 17 doanh nghiệp thực hiện thu hồi giấy phép, chiếm 25% trên tổng số 67 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. 3 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ chuyển từ hoạt động quốc tế sang nội địa.
150 tàu thủy lưu trú du lịch, tàu vận chuyển khách du lịch tham quan của 91 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Lan Hạ (Cát Bà) và đảo Dấu (Đồ Sơn) đều dừng hoạt động do các khu du lịch đóng cửa theo chỉ đạo của thành phố về phòng, chống dịch.
Bị “đóng băng” quá lâu, nhiều doanh nghiệp chật vật tái khởi động. Ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu, cho biết những giai đoạn cao điểm, doanh nghiệp có trên 200 lao động làm việc thường xuyên. Gần 1 năm qua, chỉ có khoảng 40 người thường xuyên làm việc tại doanh nghiệp. Chi phí chi trung bình của doanh nghiệp từ khoảng 200 triệu đến 400 triệu đồng mỗi tháng. Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, doanh nghiệp sẽ không biết cầm cự theo cách nào.
Ngoài gánh nặng về chi phí, khi tái khởi động, các doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong tìm kiếm nguồn nhân lực, bởi lực lượng này đã chủ động đi tìm kiếm việc làm mới và ngại quay lại với ngành du lịch do tính bấp bênh của công việc.
Giải pháp để doanh nghiệp du lịch Hải Phòng phục hồi
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Hoàng Tuấn Anh cho biết đặc thù của ngành du lịch chính là sức bật mạnh. Minh chứng rõ ràng nhất là những đợt mở cửa sau khi khống chế tốt dịch COVID-19, hoạt động du lịch lại diễn ra bình thường.
Cùng với đó, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch chính là sự trải nghiệm nên bất cứ điểm du lịch nào cũng đều có lợi thế cạnh tranh và đón du khách tới thăm quan, trải nghiệm. Vì vậy, cơ hội vẫn luôn chờ các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có dấu ấn, sức hấp dẫn riêng và cần một “nhạc trưởng” để liên kết các doanh nghiệp.
Theo phân tích của ông Hoàng Tuấn Anh, trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chủ yếu tự xoay xở từ xây dựng doanh nghiệp, phát triển sản phẩm đến tìm kiếm khách hàng. Nếu tiếp tục cách làm này, du lịch Hải Phòng sẽ không có sức bật.
Ví dụ, quần đảo Cát Bà có nhiều điểm nổi bật như có những khu vực bãi tắm hoang sơ, có rừng trên biển, có những chứng tích lịch sử như Di chỉ Cái Bèo (di chỉ khảo cổ học có giá trị quan trọng nhất hiện nay ở vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam), tuy nhiên, chỉ từng đơn vị riêng lẻ làm sẽ không thể tạo nên điểm nhấn trong tổ chức, quảng bá sản phẩm.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai, có rất nhiều vấn đề vướng mắc cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch mới có thể tháo gỡ.
Đánh giá cao vai trò của liên kết du lịch, ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho rằng thời gian tới, ngành du lịch thành phố ưu tiên phát triển thị trường du lịch nội địa. Các doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt hơn trong nắm bắt nhu cầu của khách hàng.
Khách du lịch sẽ chú trọng hơn tới yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, tránh tiếp xúc đông người, thay vì ưu tiên về giá cả, khách du lịch ưu tiên tính an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Xu hướng du lịch biển và thiên nhiên sẽ tăng lên nhanh chóng, du khách lựa chọn đi ngắn ngày, gần nơi sinh sống.
Do đó, trước mắt, du lịch thành phố sẽ tập trung thu hút khách du lịch nội địa thông qua việc xây dựng nhiều gói sản phẩm du lịch mới hấp dẫn cả về giá cũng như chất lượng dịch vụ nhằm tăng giá trị cho du khách, tăng sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch đến với Hải Phòng.
Để làm được điều này, cần sự liên kết, chung tay của các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như vận tải, lữ hành, lưu trú và các dịch vụ bổ trợ.
Hải Phòng sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong xây dựng sản phẩm mới và kết nối, trao đổi khách du lịch với các trọng điểm du lịch và các địa phương trong vùng như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, các địa phương có đường bay thẳng tới Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.
Ngành du lịch Hải Phòng đưa ra một số giải pháp khác để phục hồi du lịch sau đại dịch như đề nghị thành phố ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch.
Ngành du lịch đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền du lịch với thông điệp “Hải Phòng – điểm đến an toàn“; tiếp tục đề xuất ban hành chương trình kích cầu du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp.
Để bổ sung lực lượng lao động, Sở Du lịch Hải Phòng sẽ tăng cường mở các khóa đào tạo ngắn hạn trong thời gian tới./.
Minh Thu (TTXVN/Vietnam+)