Print Thứ Sáu, 06/12/2019 13:49 Gốc

Tháng 10 vừa qua, tại Bến du thuyền Ana Marina (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), trong khuôn khổ Liên hoan ẩm thực toàn quốc – Nha Trang 2019, gian hàng ẩm thực của Hải Phòng thu hút đông đảo khách du lịch bốn phương tới thưởng thức những món ăn đặc trưng của thành phố Cảng. Song, ngoài ẩm thực, Hải Phòng còn nhiều địa chỉ cần được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch.

Nét riêng ẩm thực…

Liên hoan ẩm thực toàn quốc tại Nha Trang là hoạt động nằm trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2019 do Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, với 60 gian hàng đến từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những sản phẩm ẩm thực du lịch đặc trưng của Hải Phòng tham gia Liên hoan lần này được Sở Du lịch thành phố giới thiệu đến du khách là những món ăn đặc trưng của đất Cảng như bánh đa cua, bánh mỳ cay, dừa dầm, thạch găng, chả chìa Hạ Lũng… Nhưng chính ẩm thực đất Cảng lại thu hút khách du lịch tới thưởng thức và nghe miêu tả về quy trình làm các món ăn đặc trưng này. Không khó để tìm thấy những bài viết hay thông tin phản hồi tích cực từ khách du lịch trên mạng Internet về các món ăn đặc trưng của Hải Phòng. Đặc biệt, nhiều khách du lịch nước ngoài cũng ấn tượng đặc biệt với những món ăn riêng có của Hải Phòng. Như mới đây, vào tháng 8-2019, một chương trình du lịch nổi tiếng của Đài EBS Hàn Quốc dành thời lượng vàng giới thiệu điểm dừng chân của chương trình tại Hải Phòng. Họ chọn món bánh đa cua bình dân để giới thiệu trong tập 4 của chương trình. Theo lời mô tả của Đài EBS, món bánh đa cua là một trong những món ăn đại diện cho ẩm thực Hải Phòng. Đặc trưng của món ăn là phần nước dùng được nấu từ hải sản ngon ngọt và phần bánh đa có màu nâu đỏ lạ mắt. Ê-kíp làm chương trình này không vào nhà hàng sang trọng mà chọn một quán bánh đa cua nhỏ ngay bên đường để thực hiện. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của ẩm thực đất Cảng đến từ sự chân thật, gần gũi và đời thường. Và từ chính hương vị đặc trưng riêng chỉ Hải Phòng mới có.

Nghỉ đêm trên Vịnh là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá mới đang rất được ưa chuộng trong mùa thấp điểm của du lịch Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Hồng Phong.

Chưa nằm trong tốp đầu

Không chỉ hấp dẫn du khách từ những món ẩm thực mang nét riêng, Hải Phòng còn có nhiều lợi thế với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi và hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, địa chỉ kiến trúc cổ trong lòng đô thị. Đáng tiếc là, lượng khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch của Hải Phòng so với các địa phương bạn đang nằm ở tốp cuối. Tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2019 Cụm Thi đua các Sở Du lịch khu vực phía Bắc diễn ra ở huyện đảo Cát Hải ngày 12- 11 mới đây, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền thông tin, trong năm 2019, Hải Phòng ước đón hơn 9 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 3.500 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng thời gian này, Hà Nội ước đón gần 29 triệu lượt khách, doanh thu đạt 103.807 tỷ đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế đón khoảng 4,8 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 4.900 tỷ đồng. Còn tỉnh “hàng xóm” Quảng Ninh ước đón 14 triệu lượt khách với doanh thu du lịch đạt 27.000 tỷ đồng. Các tỉnh xa hơn như Nghệ An ước đón 6,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 4,5 tỷ đồng; Ninh Bình ước đón 7,5 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 3.500 tỷ đồng; Quảng Bình ước đón hơn 4,3 triệu lượt khách, đạt 5.117 tỷ đồng. Nhìn vào số liệu cho thấy, du lịch Hải Phòng không nằm trong tốp đầu của các tỉnh, thành phố phía Bắc. Thậm chí, doanh thu từ du lịch còn ít nhất bảng cùng với Ninh Bình.

Khai thác hiệu quả các địa chỉ du lịch

Theo đó, thành phố yêu cầu các ngành chủ quản cần cụ thể hóa giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích đã được xếp hạng. Đến năm 2020 hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Đầu tư mua cổ vật, di vật, bảo quản và phục vụ nghiên cứu, trưng bày, nâng cấp Bảo tàng thành phố nhằm thu hút khách tham quan, du lịch. Cùng với đó, sắp xếp hệ thống lại các công trình, dự án văn hóa cần tu bổ, tôn tạo theo thứ tự di tích xếp hạng quốc gia và di tích cấp thành phố. Quy hoạch các lễ hội cấp vùng và thành phố trong đó có Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Chiến thắng Bạch Đằng (Tràng Kênh, Thủy Nguyên), Lễ hội Hoa Phượng Đỏ… Đồng thời cần làm mới mình bằng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn nữa. Tất cả những nội dung liên quan đến quy hoạch lễ hội, quản lý và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, hiện vật bảo tàng đều góp phần tạo nên chuỗi các địa chỉ du lịch của Hải Phòng. Song, để khai thác được hiệu quả hệ thống địa chỉ này, ngành Du lịch cần chuyển động mạnh mẽ hơn. Có như vậy, mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố mới hy vọng đạt được để góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao

Từ cuối năm 2016, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết Quy hoạch tổng thể phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu phát triển ngành, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch vùng Duyên hải Bắc bộ, trong đó tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Đức Minh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Du lịch Hải Phòng: Cần “làm mới” mình
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác