Chính sách

Dự kiến sau 2020 không để lại tiền thu phí, lệ phí cho cơ quan quản lý hành chính nhà nước

Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí đã triển khai trong thực tế được gần 2 năm, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số phát sinh trong thực tế, đặc biệt là “ứng xử” với khoản phí, lệ phí thu về, đang đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung quy định.

Chủ trương đã được thống nhất

Thời gian qua, một số cơ quan có nguồn thu từ phí, lệ phí lớn đã xin Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, trong đó, có sử dụng nguồn tiền phí để lại. Một số cơ quan nhà nước như Cục Tần số, Cục Viễn thông, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông cũng trình Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế tài chính đặc thù như đơn vị sự nghiệp và có để lại tiền phí thu được cho chi đầu tư.

Trong khi đó, pháp luật về đầu tư công có sự thay đổi. Cụ thể: tại khoản 21 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2014 quy định “Vốn đầu tư công bao gồm: vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước”. Còn theo quy định tại Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm thì “tiền phí để lại cho cơ quan nhà nước thuộc vốn đầu tư công”, hay nói cách khác là vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN.

Ngày 13/9/2018, Chính phủ đã bãi bỏ quy định “tiền phí để lại cho cơ quan nhà nước thuộc vốn đầu tư công”. Như vậy, kể từ ngày 13/9/2018, tiền phí để lại cho cơ quan nhà nước (thu phí) không thuộc nguồn vốn để chi đầu tư công nữa.

Bộ Tài chính nhận thấy, cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị tạo ra sự chênh lệch thu nhập giữa các vị trí công việc tương đương giữa các đơn vị trong cùng một bộ, ngành (giữa đơn vị được hưởng cơ chế và đơn vị không được hưởng cơ chế); giữa các cơ quan, đơn vị cùng thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Thực tế cho thấy, nhiều vị trí công việc quan trọng trong các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là những đơn vị làm công tác hoạch định chính sách nhưng không có nguồn thu, không được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị nên không có thu nhập tăng thêm; trong khi đó cán bộ trong các cơ quan được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù đơn vị lại được hưởng thu nhập, tiền lương cao hơn mặc dù tính chất công việc có thể không phức tạp và quan trọng bằng vị trí công việc tại đơn vị hoạch định chính sách. Ngay trong cùng đơn vị, việc cho phép hưởng tiền lương, thu nhập tăng thêm áp dụng chung cho toàn bộ cán bộ, công chức mang tính cào bằng, bình quân chủ nghĩa, làm giảm tác động khuyến khích người lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các cơ quan được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù đến hết năm 2020 để tạo điều kiện cho các cơ quan này có thêm thời gian hoàn thiện quy định về chế độ công chức, công vụ và biên chế. Sau năm 2020 sẽ áp dụng thống nhất cơ chế tài chính đối với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có thu phí theo Luật Phí và lệ phí thì nộp toàn bộ số phí thu được vào NSNN; được NSNN cân đối, bảo đảm kinh phí hoạt động. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước vừa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước thì cần rà soát để xác định rõ mô hình hoạt động của cơ quan với cơ chế tài chính phù hợp; trong đó bảo đảm nguyên tắc nếu có thu phí theo Luật Phí và lệ phí thì nộp toàn bộ số phí thu được vào NSNN và được NSNN cân đối, đảm bảo kinh phí hoạt động. Quan điểm này đã được thể hiện trong dự thảo Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đã được đa số thành viên Chính phủ đồng thuận.

Thu nộp toàn bộ vào NSNN

Từ những chủ trương nói trên, Bộ Tài chính đang soạn thảo nội dung sửa đổi Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí với đề xuất rất cụ thể về để lại tiền phí cho cơ quan nhà nước thu.

Cụ thể, sửa đổi khoản 1 Điều 4 Nghị định 120 như sau: Cơ quan nhà nước thu phí nộp toàn bộ tiền phí vào NSNN, NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động. Riêng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại (nếu có) nộp NSNN.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được để lại tiền phí với lý do là trong điều kiện chi NSNN cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn chưa đảm bảo cơ bản cho công tác đối ngoại… do đó số tiền phí được để lại đã đóng vai trò là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; bổ sung thu nhập cho cán bộ công chức viên chức, người lao động. Nhờ nguồn thu được để lại, Cơ quan đại diện ở nước ngoài đã có thể chủ động, kịp thời có kinh phí để đảm bảo các điều kiện làm việc cho cán bộ trong môi trường đối ngoại; cải thiện đáng kể bộ mặt của quốc gia trên trường quốc tế; đồng thời thực hiện được cơ bản các chế độ chính sách cho CBCC, viên chức người lao động, hạn chế chảy máu chất xám, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, hoàn thành được các nhiệm vụ chính trị giao, đặc biệt là đối với những trường hợp đột xuất, cấp bách phát sinh ngoài dự toán. Vì vậy, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù (trong đó, có sử dụng tiền phí được để lại) theo Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19/10/2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động đối ngoại.

Cùng với đó, để đảm bảo minh bạch chính sách, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung quy định tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp thuế (TNDN, GTGT) theo quy định pháp luật đối với số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí. Vì theo Bộ Tài chính, tiền phí được để lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu của doanh nghiệp nên tại các văn bản thu phí đã quy định số tiền được để lại hạch toán vào doanh thu chung của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện khai, nộp thuế TNDN (nếu có). Nếu không quy định số tiền được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí thì tổ chức thu phí phải hạch toán riêng khoản thu này và cơ quan nhà nước phải thực hiện quy trình lập, giao dự toán, quyết toán tiền phí được để lại tương tự như cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Điều này không phù hợp với cơ chế tài chính của doanh nghiệp. Thực chất đây là khoản tiền Nhà nước trả cho doanh nghiệp để tổ chức thực hiện thu phí (thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP) nên quy định khoản tiền này là doanh thu của doanh nghiệp là phù hợp.

Hồng Vân

Nguồn. Báo Hải quan

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More