Theo Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú, dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7 công nghệ VAR sẽ triển khai được tại V-League 2019.
Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
– Thưa ông, giải hạng Nhất quốc gia đã trải qua 2 vòng, ông đánh giá thế nào về chất lượng chuyên môn và tín hiệu đáng mừng từ các cầu thủ trẻ?
Mọi người đều thấy sự đóng góp của các cầu thủ trẻ trong đội tuyển U23. Các cầu thủ trẻ muốn trưởng thành thì đều khởi đầu từ hạng Nhì, hạng Nhất, sau đó mới lên V.Legaue. Như Quang Hải, trước đây đá hạng Nhất Hà Nội, rồi mới phát triển lên V.League.
Việc đưa ra sân giải hạng Nhất các cầu thủ trẻ là điều tất yếu, có ý nghĩa lớn trong việc chuẩn bị lực lượng kế cận cho các đội tuyển quốc gia. Chính vì thế, VPF không đặt nặng vấn đề chuyên môn ở giải hạng Nhất, đó là mong muốn nhưng không phải mục tiêu cuối cùng, bởi các cầu thủ trẻ cần được thi đấu, để được phát hiện.
– Còn ở V.League, sau 5 vòng đấu ông có ấn tượng gì?
Giải V.League luôn luôn gay cấn, qua 5 vòng đấu phải nói là có những trận đấu rất là hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi thấy là năm nay khác năm ngoái, đó là thẻ đỏ ngay từ những vòng đầu đã nhiều hơn, riêng vòng 5 chúng ta đã có 3 thẻ đỏ. Những sai sót về trọng tài cũng đã xảy ra, đó là điều không mong muốn của VPF, nhưng để giải quyết vấn đề này phải có quá trình, không thể nào ngay 1 lúc được.
Với vài trò của VPF – đơn vị tổ chức giải đấu, xử lý mọi vấn đề đều công minh. Bản thân VPF, tất cả các trường hợp xảy ra, ví dụ như sân Hà Nội có pháo sáng, sân Hải Phòng vừa rồi cũng có pháo sáng đốt trước xe của đội khách. Chúng tôi đều báo cáo với ban kỷ luật để xử lý, tất cả các trường hợp đánh nguội, bỏ sót thẻ, bất kể trận đấu nào thì VPF cũng không bỏ sót. Đây là điều để cho các đội thấy sự nghiêm minh của ban tổ chức. Những trường hợp thẻ đỏ vừa qua trong vòng 5, chúng tôi xem lại băng ghi hình và thấy là phù hợp với lỗi vi phạm.
Công nghệ VAR đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
– Gần đây có thông tin đáng chú ý về việc áp dụng công nghệ VAR, ông có thể chia sẻ về lộ trình, chi phí, cũng như thủ tục để chúng ta có thể triển khai công nghệ này?
Việc áp dụng VAR, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều và bên đối tác nước ngoài cũng chào hàng nhiều phương án. Chúng tôi chọn phương án tiết kiệm nhất, phù hợp với Việt Nam. VPF sẽ không áp dụng như Thái Lan, bởi Thái Lan áp dụng VAR trung tâm, có 4 phòng VAR, còn ở Việt Nam sẽ áp dụng VAR di động, lắp đặt trên 1 chiếc xe và chiếc xe đó có thể di chuyển từ sân này sang sân khác. Về lộ trình thì có lẽ là cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ triển khai được.
Tuy nhiên, có một vấn đề đó là đối tác của VPF – Công ty Next Media, đơn vị đứng ra đàm phán để mua thiết bị này, chúng tôi cũng phụ thuộc vào Next Media, làm càng nhanh càng sớm thì VPF càng triển khai sớm công nghệ VAR.
– Xin cảm ơn ông!