Đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 19/2 đến nay được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đánh giá là đợt không khí lạnh mạnh.
Đợt lạnh này, có nơi nhiệt độ xuống tới -0,4 đô C và gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, tính đến 7 giờ ngày 26/2, rét đậm, rét hại đã làm 7.810 con gia súc chết, tập trung tại các địa phương: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình.
Thông tin từ phóng viên TTXVN tại các địa phương, đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-23/2 đã làm nhiều địa bàn miền núi phía Bắc xuất hiện mưa, tuyết, băng giá.
Cụ thể, ngày 20/2, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tràn xuống, kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao, rét đậm, rét hại bao phủ trên diện rộng ở nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai, đặc biệt nền nhiệt ở những vùng núi cao đã giảm sâu, xuất hiện băng giá với cường độ mạnh.
Xã Y Tý, huyện Bát Xát từ đêm 19 đến sáng 20/2, ở những vùng thấp, nhiệt độ đã xuống đến 0 độ C. Đỉnh núi Lảo Thẩn, xã Y Tý, sáng sớm 20/2 đã xuất hiện băng giá dày phủ kín cây cỏ, núi rừng. Nhiệt độ trên khu vực núi Lảo Thẩn sáng 20/2 là -5 độ C, băng giá phủ dày lên cây cối, mặt đất.
Núi Lảo Thẩn cao gần 3.000m so với mực nước biển, là địa điểm thường xuyên xuất hiện băng tuyết khi nhiệt độ xuống thấp, nhất là những khu vực có độ cao từ 2.600m trở lên.
Từ 6 giờ 15 phút sáng 20/2, khu du lịch Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, nhiệt độ giảm mạnh xuống dưới 0 độ C, có mưa nhỏ và gió nên đã xuất hiện băng giá đông kết trên nhà cửa, cỏ cây.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn Hà Văn Tiên cho biết, tại thời điểm 13 giờ ngày 20/2, nhiệt độ đo được tại Trạm Khí tượng Mẫu Sơn là -0,4 độ C, trời mưa nhỏ và băng giá đã xuất hiện từ sáng 20/2.
Tại tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt xuống thấp, vào khoảng 10 giờ ngày 20/2, đỉnh Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã xuất hiện băng tuyết, nhiệt độ xuống thấp, băng tuyết càng về sau càng dày đặc bám trắng cành cây, ngọn cỏ.
Trong đợt rét đầu tháng 2/2022, đã xảy ra 2 vụ ngạt khí do sử dụng than tổ ong để sưởi ấm làm 3 người chết, 3 người phải cấp cứu (xảy ra ngày 3/2 và 8/2 tại huyện Quảng Xương, Thanh Hóa).
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chuyên môn liên quan chủ động các biện pháp ứng phó. Cụ thể Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai sớm ban hành các văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương (1 Công điện của Ban Chỉ đạo, 9 văn bản của Văn phòng thường trực); biên soạn, cung cấp các tài liệu, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống rét đậm, rét hại cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí để truyền thông, hướng dẫn người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên về việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi trong vụ Đông-Xuân 2021-2022; Công điện số 1039/CĐ-BNN-CN ngày 21/2/2022 về việc phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi Đông-Xuân năm 2021-2022 cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Cục thành lập 8 Đoàn công tác xuống một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi, đồng thời ban hành văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ chỉ đạo sâu sát, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ Đông -Xuân 2021-2022; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.
Các địa phương đã triển khai văn bản chỉ đạo; thành lập đoàn công tác xuống địa bàn kiểm tra, đôn đốc; tổ chức thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; cho học sinh nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại và dịch bệnh COVID-19.
Trong những ngày rét đậm, rét hại đã có lượng khách lớn du lịch đổ về Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai),… đón tuyết. Các địa phương đã triển khai đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, tổ chức điều tiết phương tiện di chuyển tại khu vực đường trơn trượt và tuyên truyền biện pháp phòng dịch COVID-19.
Rét đậm, rét hại đã kéo dài trong gần 2 tháng (từ ngày 30/1 cho tới ngày 26/2) tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Lý giải về điều này, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho rằng, xét chung toàn cầu và trong thời gian dài, biểu hiện của biến đổi khí hậu chính là nhiệt độ trái đất có xu hướng tăng lên. Biến đổi khí hậu cũng làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa lớn, nắng nóng, rét hại…) trở nên gay gắt hơn.
Thực trạng rét đậm rét hại xảy ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 1 và hơn nửa đầu tháng 2/2022 là hiện tượng bình thường. Trong giai đoạn này, các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta nhiều và mạnh. Xét về mặt khí hậu, đây cũng là giai đoạn tập trung nhiều đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng nhất trong năm.
Để ứng phó với rét đậm, rét hại, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng, chống rét cho bản thân và gia đình.
Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp… Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.
Để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa… Người cao tuổi tránh từ trong nhà ấm ra ngoài lạnh đột ngột vì sẽ gây thay đổi về huyết áp, dẫn đến nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Đề cập đến diễn biến thời tiết trong tháng 3/2022, Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm cho biết, trong tháng 3, khu vực Bắc Bộ còn chịu tác động của không khí lạnh và có thể gây ra các đợt rét, thậm chí còn có thể gây rét đậm, rét hại, tuy nhiên không kéo dài.
Các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong giai đoạn này chủ yếu lệch Đông, do vậy, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù…
Tháng 3/2022 bão, áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa trái mùa có khả năng xuất hiện cục bộ ở Nam Bộ trong tháng 3/2022 với lượng không lớn.
Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0-0,5 độ C (tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ thấp hơn từ 0,5-1 độ C).
Trong tháng 3/2022, tại Bắc Bộ, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-20%, riêng khu vực Tây Bắc Bộ cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao từ 10-20% so với trung bình nhiều năm (Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm; riêng Ninh Thuận-Bình Thuận phố biến ít mưa).
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ phổ biến ít mưa, riêng khu vực ven biển miền Tây Nam Bộ có mưa rào cục bộ với tổng lượng mưa khoảng từ 15-30mm.
Nhận định xu thế thời tiết xa hơn, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý, trong các tháng mùa Hè, khu vực Bắc Bộ có nền nhiệt độ ở mức tương đương với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nhiều khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng không gay gắt và không kéo dài.
Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến nước ta vào thời kỳ đầu mùa mưa bão có xu hướng ít hơn trung bình nhiều năm, cuối mùa có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm./.
Thắng Trung/TTXVN