Xã hội

“Dự báo bão số 1 xảy ra sai số là điều bình thường”

Các chuyên gia cho rằng, việc dự báo từ đầu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia về đường đi của bão số 1 hoàn toàn hợp lý. Con số 80%-20% chỉ là xác suất. Còn việc xảy ra hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thực tế.

Bão đi đúng kịch bản

Trong dự báo về cơn bão số 1 (bão Talim), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã đưa ra 2 kịch bản dự báo khi bão đổ bộ vào đất liền.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến ngày 18.7, bão số 1 đi giống với kịch bản có khả năng thấp mà cơ quan Khí tượng của Việt Nam đã nhận định trước đó một ngày. Tức bão không đổ bộ vào Quảng Ninh-Hải Phòng mà lệch lên phía Bắc, đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó chạy dọc biên giới Việt-Trung và suy yếu dần.

Vị trí và đường đi của bão số 1 lúc 13 giờ chiều 18.7. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.

Chia sẻ với Lao Động về vấn đề này, Phó GS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc dự báo bão số 1, cơ quan khí tượng đã theo sát đường đi của bão, bản tin được cập nhật liên tục từ lúc bão ở ngoài xa.

Theo bà Ngà, khi vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) đường đi và cường độ thay đổi, trở nên phức tạp vì có sự tương tác mạnh giữa địa hình, môi trường.

Sự thay đổi của cơn bão số 1 khi vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rất khó để dự báo và các mô hình dự báo cũng có nhiều sự khác biệt. Vì vậy, mới xảy ra hai kịch bản dự báo 80%-20% như cơ quan Khí tượng thủy văn Việt Nam đưa ra, xác suất 80% là nhiều khả năng xảy ra nhưng không có nghĩa là sẽ không xảy ra ở kịch bản 20%“, bà Phạm Thị Thanh Ngà nhận định.

Dưới các diễn biến của biến đổi khí hậu, quy luật hoạt động của cơn bão có thể có sự thay đổi. Khi cơn bão mới hình thành mà đưa vào mô hình dự báo thì tỉ lệ sai số rất nhiều. Đó là khó khăn chung của việc dự báo bão“, bà Ngà chia sẻ.

Du khách vội vã rời đảo Cô Tô tránh bão số 1 sáng 17.7. Ảnh: Lương Hà.

Cần nâng cao dự báo thời tiết

Còn theo GS.TS Phan Văn Tân, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Khí tượng, khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay trên thế giới sai số dự báo quỹ đạo bão vào khoảng 100km với hạn dự báo 24 giờ là bình thường.

Dự báo từ đầu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về đường đi của bão số 1 hoàn toàn hợp lý. Con số 80%-20% chỉ là xác suất. Còn việc xảy ra hay không hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thực tế“, ông Tân giải thích.

GS.TS Phan Văn Tân cho biết, phương án bão số 1 sẽ hướng thẳng vào khu vực giữa Quảng Ninh-Hải Phòng cũng là phương án dự báo của đại đa số trung tâm khí tượng trên thế giới. Còn phương án bão đi lệch lên phía Bắc bán đảo Lôi Châu và sau đó men dọc theo đất liền Trung Quốc là do Tổng cục Khí tượng đề xuất. Điều này giúp người dân chủ động đề phòng.

Việc dự báo có thể xảy ra sai số. Xác suất sai bao nhiêu, người đưa ra thông tin phải cố gắng làm giảm cái sai đó đi“, ông Tân nói.

GS.TS Phan Văn Tân đề xuất, cần có các bản tin dự báo chính xác với thời hạn càng dài càng tốt, bởi nếu cơn bão mạnh đổ bộ mà hạn dự báo quá ngắn thì không đủ thời gian để ứng phó, có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn. Theo ông Tân, trong mô hình dự báo khí tượng, dự báo mưa và dự báo bão vẫn là thách thức lớn đối với ngành khí tượng thế giới.

Để nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, một trong những vấn đề quan trọng nhất là nguồn nhân lực gồm con người và cơ sở vật chất. Đồng thời, phải từng bước nâng cao ý thức người dân trong việc tiếp nhận thông tin dự báo.

Hệ luỵ từ việc dự báo bão sai

Trước khi cơn bão số 1 (Talim) được dự báo sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng thì nhiều khách sạn lớn ở Hạ Long đã có khách đặt gần như hết phòng. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin cơn bão nguy hiểm này dự báo sẽ vào Quảng Ninh thì phần lớn du khách, đoàn du khách hủy phòng.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các dịch vụ khác, như: Nhà hàng, tàu tham quan vịnh Hạ Long cũng bị hủy.

Giám đốc một khách sạn lớn tại Bãi Cháy, TP Hạ Long cho biết, hệ thống khách sạn của đơn vị có khoảng hơn 200 phòng. Khách đã đặt khoảng 170 phòng trong 2 ngày.

Như vậy, trong 2 ngày, đơn vị dự kiến thu về số tiền của khoảng 340 phòng. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin bão dự kiến sẽ vào Quảng Ninh, rồi các lệnh cấm tàu ra biển… khách hủy gần hết, khoảng 300 phòng, chỉ còn lại 40 phòng.

Cũng theo vị giám đốc này, không chỉ có tiền thuê phòng, mà trong quá trình ở tại khách sạn, khách còn đặt ăn uống, thuê hội trường để tổ chức các sự kiện.

Các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cũng trong tình trạng tương tự. Các tour tham quan, nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long của du khách trong và ngoài nước cũng bị hủy.

Toàn bộ số tiền du khách đã đặt cọc được trả lại cho du khách, do đây là trường hợp bất khả kháng và đã có các thông báo chính thức của các cơ quan chức năng.

Chia sẻ với Lao Động, một số chủ khách sạn, chủ tàu tại Quảng Ninh cho rằng, bão không về là may mắn, nhưng nếu dự báo chính xác hơn thì các doanh nghiệp, ngành nghề, nhất là ngành du lịch, dịch vụ không bị thiệt hại mà lẽ ra không phải gánh chịu.

Nguyễn Hùng

Minh Hà

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More