Dự án xây dựng cầu Đăng, cầu Hàn được thực hiện theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ. Cả 2 cây cầu được khởi công ngày 1-5-2017 và cùng hoàn thành ngày 1-1-2018, sau 8 tháng thi công. Đây là 2 cây cầu lớn vượt sông có thời gian thi công nhanh nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng nông thôn phía Nam thành phố.
Ước mơ đã thành hiện thực
Trước đây, nối huyện Tiên Lãng với huyện Vĩnh Bảo theo 2 trục đường là tỉnh lộ 354 qua cầu phao Hàn và đường từ ngã ba Đoàn Lập đi cầu phao Đăng. Người dân qua cầu phải trả phí. Tuy nhiên, cả 2 cầu phao không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, doanh nghiệp, nên năm 2016, Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng bắt đầu triển khai thủ tục đầu tiên dự án xây dựng 2 cây cầu cứng thay thế cho cầu phao. Tháng 3-2017, trong lần đi kiểm tra công tác bảo đảm giao thông cầu phao Đăng, cầu phao Hàn, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng cầu cứng, thay thế cầu phao Đăng, cầu phao Hàn, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, không phải trả phí. Đồng thời góp phần thu hút đầu tư phát triển các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Dự án xây dựng cầu Đăng, cầu Hàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các huyện phía Nam thành phố.
Ngày 1-5-2017, dự án xây dựng cầu Đăng, cầu Hàn chính thức được khởi công trong niềm vui của nhân dân hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Sau ngày khởi công, công trường luôn tấp nập, ngày cũng như đêm. Người dân địa phương cũng tổ chức hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, thi công, bởi họ biết, sau khi hoàn thành cầu, đi vừa nhanh, vừa an toàn, lại không phải trả tiền như đi cầu phao. Sau 8 tháng thi công liên tục, cầu Đăng, cầu Hàn hoàn thành đúng tiến độ.
Ngày 1-1-2018, cả 2 cây cầu được khánh thành trong niềm vui và hạnh phúc của người dân hai huyện. Trên sông Thái Bình và sông Hàn, 2 cây cầu mới được thiết kế giống nhau nối đôi bờ sông. Cả 2 cầu có kết cấu phần trên nhịp giản đơn sử dụng dầm Super T bê tông cốt thép dự ứng lực; mố trụ cầu bằng bê tông cốt thép, kích thước khoang thông thuyền 32×5 m. Cầu Đăng, cầu Hàn nối với tuyến đường đến Quốc lộ 37 mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế- xã hội của huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và các huyện giáp ranh của tỉnh Thái Bình. Các lái xe thường xuyên qua Quốc lộ 10 cũng vui mừng, bởi nếu Quốc lộ 10 ùn tắc, Quốc lộ 37 nối với tỉnh lộ 354 qua cầu Hàn và đường qua xã Kiến Thiết nối với cầu Đăng sẽ là tuyến tránh lý tưởng.
Tuân thủ các quy định về xây dựng và tiết kiệm chi phí
Theo Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng-đại diện chủ đầu tư, toàn bộ 2 dự án đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đầu tư, xây dựng. Từ khi có chủ trương đầu tư (cuối tháng 3-2017), đơn vị tư vấn có 25 ngày thực hiện song song công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm thời gian yêu cầu chất lượng. Từ ngày 24-4 đến ngày 28-4-2017 là thời gian thẩm định dự án theo đúng quy định của Luật Xây dựng năm 2014.
Cả 2 dự án này, Thủ tướng chính phủ cho phép UBND thành phố Hải Phòng là cấp quyết định đầu tư, được tự quyết định tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng và giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, BQL các dự án cầu Hải Phòng vẫn áp dụng trình tự thủ tục tương tự như chỉ định thầu. Để nhà thầu có căn cứ triển khai công tác huy động thiết bị và tổ chức thi công ngay nhằm đáp ứng tiến độ, giá trị hợp đồng được “tạm tính” theo giá trị giao thầu trên cơ sở tổng mức được duyệt. Trong hợp đồng cũng ghi rõ “giá hợp đồng chính thức sẽ được xác định sau khi thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình và dự toán gói thầu được duyệt”. Như vậy, việc ký hợp đồng từ tổng mức của cả 2 dự án chỉ là tạm tính để nhà thầu tổ chức thi công ngay, không phải là con số cuối cùng.
Dự án cầu Hàn có tổng mức đầu tư 169,6 tỷ đồng; dự án cầu Đăng có tổng mức đầu tư 171,8 tỷ đồng. Theo BQL các dự án cầu Hải Phòng, tổng mức đầu tư bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng, dự phòng trượt giá…Tổng mức đầu tư của 2 dự án cầu tính toán đầy đủ các khoản chi phí theo công bố giá vật liệu của Sở Xây dựng vào thời điểm tháng 12-2016 và các khoản chi phí phát sinh theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho cả quá trình thực hiện 2017-2018… Do thời gian thi công 2 cầu trong thời gian ngắn, ít chịu ảnh hưởng từ yếu tố trượt giá, nên sau khi phê duyệt dự toán, thành phố giảm trừ trượt giá và một số chi phí khác so với tổng mức đầu tư. Cụ thể, dự án cầu Hàn giảm trừ so với tổng mức khi phê duyệt dự toán là 7,603 tỷ đồng. Dự án cầu Đăng giảm trừ 8,367 tỷ đồng. Như vậy, cả 2 dự án sau khi phê duyệt dự toán đã giảm trừ so với tổng mức là 15,97 tỷ đồng. Việc triển khai dự án tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Dự án cầu Đăng, cầu Hàn sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Đồng thời tạo thuận lợi cho nhân dân khi tham gia giao thông và không phải trả phí như qua 2 chiếc cầu phao.
Mai Lâm – Báo Hải Phòng 21/7/2018
Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây sẽ xem xét 7 nội dung…
Sáng 7.1, Hội đồng Anh và IDP đồng loạt cho biết sẽ 'chuyển đổi sang…
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch 149/KH-BCH về triển khai công tác bảo…
Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6/1, một đám cháy bùng phát tại khu vực…
Cơ quan khí tượng dự báo khoảng ngày 8.1, một đợt không khí lạnh sẽ…
Sáng 06/01, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More