Print Thứ Sáu, 06/03/2020 10:42 Gốc

Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND thành phố khóa 15 vừa thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Như vậy, chỉ sau gần 3 tháng kể từ khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, chứng tích lịch sử liên quan tới cuộc chiến của quân, dân nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông năm 1288, Hải Phòng triển khai các công việc cần thiết để bảo tồn, phát huy di tích, thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trước các giá trị lịch sử của dân tộc và với các thế hệ mai sau, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cán bộ Đoàn khai quật phủ bao thấm nước làm nhiệm vụ bảo quản cọc.

Dự án nhiều ý nghĩa

Theo lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, từ ngày phát lộ bãi cọc Cao Quỳ, rất nhiều đoàn khách du lịch, giáo viên, học sinh và cả khách nước ngoài tới tham quan, có đoàn lên tới hàng trăm người. Ai cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và lòng tự hào về những dấu tích chiến công lừng lẫy của dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288, đặc biệt là những đóng góp của quân và dân Hải Phòng trong cuộc kháng chiến để mang lại chiến thắng, đập tan tham vọng của đế quốc Nguyên Mông, chặn đứng âm mưu xâm lược các nước khác ở khu vực châu Á của chúng. Thế nhưng, nơi đây vốn là cánh đồng, tuyến đường vào nhỏ hẹp, việc lưu thông khó khăn, bãi đỗ xe không có. Trong tương lai không xa, bãi cọc Cao Quỳ và nhiều khu vực khác của huyện Thủy Nguyên sẽ trở thành di tích lịch sử cần được gìn giữ cho muôn đời sau. Vì vậy, huyện Thủy Nguyên đề nghị và được thành phố chấp thuận lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ kết hợp với xây dựng khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, bảo tồn và nhất là phát huy giá trị khu di tích, trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Cũng theo UBND huyện Thủy Nguyên, việc xây dựng tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có nhiều ý nghĩa thiết thực khác. Cụ thể là nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên từ đường tỉnh 359 tại đầu đập Minh Đức tới đường tỉnh 352 xã Lại Xuân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu giao thông cho nhân dân từ quốc lộ 10 tới khu vực bãi cọc, kết nối giao thông giữa các khu di tích dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan, tăng khả năng khai thác cho hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường. Việc đầu tư này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và các dịch vụ khác… trục đường quan trọng kết nối các khu vực phòng thủ dọc phía Bắc huyện Thủy Nguyên, đáp ứng khả năng độc lập tác chiến cao trong các tình huống có thể xảy ra, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng – an ninh… Đây cũng là một phần của đề án khoanh vùng và lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên cũng vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp này.

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Quan điểm của thành phố khi thực hiện dự án là phải bảo đảm giữ nguyên vẹn khu di tích, tránh sự tác động làm ảnh hưởng tới giá trị lịch sử. Bởi vậy, khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.000m², bao gồm các hạng mục: cổng chính rộng 20 m xây trụ và mái cổng kiểu kiến trúc cổ lợp ngói mũi hài, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn; hệ thống tường bao tổng chiều dài 724m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 300m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000m². Hệ thống đường dẫn đi xuống bãi cọc cho khách tham quan nằm trong phạm vi nhà mái che. Toàn bộ mặt bằng bãi cọc phát lộ được bảo tồn theo hướng lấp đất, xây dựng hình tượng cọc 3D lộ thiên cho khách tham quan. Ngoài ra còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ xây dựng diện tích 20.000m² cùng các tiện ích khác như: nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…

Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,54 km, nối quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng từ 18-22m, trong đó vỉa hè mỗi bên rộng 3-5m. Cùng với đó, còn có bãi đỗ xe rộng 1 ha, có nền bằng cát đen và đất núi, kết cấu mặt bãi bằng đá dăm cấp phối trên rải một lớp bê tông. Toàn bộ tuyến đường trồng cây xanh bóng mát, mỗi bên lề dự kiến trồng 1 hàng, loại cây là lim xanh, long não, xà cừ. Toàn bộ mặt bằng bãi đỗ xe trồng lim xanh.

Với quy mô như trên, tổng mức đầu tư của toàn dự án dự kiến khoảng 431 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, bao gồm hơn 88,7 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng và hơn 262 tỷ đồng chi phí xây dựng.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ là hoàn toàn đúng đắn, là yêu cầu cấp thiết để phát huy giá trị khu di tích. Đông đảo nhân dân huyện Thủy Nguyên và thành phố rất vui mừng, phấn khởi khi dự án được thực hiện khẩn trương. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong dịp 13/5/2020 và khánh thành tháng 8/2020. Hiện các ngành, các đơn vị và huyện Thủy Nguyên khẩn trương thực hiện các phần việc cần thiết, bảo đảm đáp ứng đầy đủ quy định, trình tự theo quy định của pháp luật, để khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và tuyến đường vào nhanh chóng trở thành hiện thực.


Nguyễn Đắc Trại (Bí thư chi bộ thôn 4, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên): Chủ trương rất hợp lòng dân.

Là người dân địa phương, tôi tán thành cao chủ trương khoanh vùng, lập quy hoạch bảo tồn và xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu để phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng trên sông Bạch Đằng thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Chủ trương này rất hợp lòng dân. Bởi, trên địa bàn xã Liên Khê nói riêng, huyện Thủy Nguyên nói chung có rất nhiều di tích gắn liền với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Ngay trên địa bàn xã Liên Khê cũng có 3 di tích liên quan là đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê và nay thêm bãi cọc Cao Quỳ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, các di tích này thiếu tính liên kết, chưa thu hút sự quan tâm của đông đảo của người dân nên việc phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cũng hạn chế. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên công tác bảo tồn các di tích ở các địa phương gặp khó khăn. Vì vậy, người dân chúng tôi luôn mong muốn huyện, thành phố triển khai các giải pháp bảo tồn các di tích, trong đó, xây dựng, liên kết các di tích để tạo thành quần thể du lịch lịch sử – tâm linh, vừa phát huy giá trị di sản, vừa giữ cảnh quan thiên nhiên khu vực, lại tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong thành phố sớm hiện thực hóa chủ trương này.


Vũ Ngọc Tín (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền): Trồng nhiều hoa, cây xanh, trên tuyến đường vào di tích.

Sự kiện phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) là niềm phấn khởi của người dân thành phố. Do đó, việc HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ rất cần thiết để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá điểm đến, phát triển du lịch, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị di sản quý báu của thành phố nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Theo tôi, việc thành phố sớm xây dựng tuyến đường nối thẳng từ quốc lộ 10 vào Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ giúp người dân và du khách đến di tích thuận lợi hơn. Chiều rộng của đường cần đủ rộng để các phương tiện đi lại và thuận lợi tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch tại khu vực di tích. Để tăng thêm sức hút cho tuyến đường, nên tổ chức trồng thêm nhiều cây xanh như tuyến đường vào Khu di tích Bạch Đằng Giang, đồng thời quy hoạch thêm các vùng trồng hoa, cây nông sản nổi tiếng của xã Lưu Kiếm, Liên Khê như: na, chuối… Qua đó, tạo các không gian đồng bộ, sắc màu cho tuyến đường dài hơn 3 km, thêm điểm nhấn thu hút du khách và người dân khi đến thăm di tích.


Vũ Thị Quỳnh Mai (xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo): Địa chỉ giáo dục tinh thần yêu nước.

Cuối năm 2019, người dân Hải Phòng đều chăm chú theo dõi việc thành phố phối hợp các nhà khoa học tổ chức khai quật, nghiên cứu bãi cọc cổ tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Theo kết quả đánh giá, bãi cọc là chứng tích lịch sử quan trọng liên quan đến chiến thắng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng năm 1288. Cùng với đó, việc phát hiện bãi cọc tại thôn 11, xã Lại Xuân (cùng huyện Thủy Nguyên) tháng 01/2020 càng khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa 15 nhất trí cao thông qua đề án khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. Theo tôi, đây là việc làm quan trọng và cần thiết. Bởi, không những giữ gìn, bảo vệ những hiện vật, chứng tích lịch sử quý báu, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, cũng như sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bài: Hồng Thanh – Ảnh: Duy Thính

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Dự án tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ: Thiết thực bảo vệ, phát huy giá trị di tích
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác