Dự án “ Sức khỏe và dinh dưỡng học đường” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế phối hợp Sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) thành phố triển khai tại Hải Phòng từ năm 2013. Sau 5 năm thực hiện, dự án nâng tổng số trường được hưởng lợi lên 29 trường; đồng thời đạt một số kết quả bước đầu.
Đây là một trong những ưu điểm rõ nét nhất mà dự án mang lại cho học sinh tiểu học và THCS. Xuất phát từ thực tế phần lớn học sinh ở những độ tuổi này chưa có kiến thức và ý thức đầy đủ, khoa học trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, hiểu đúng về dinh dưỡng, dự án tập trung cải thiện dịch vụ chăm sóc răng miệng, các vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng tại trường học.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân) Nguyễn Thị Thắm cho biết, theo chủ trương của dự án, nhà trường tập trung giáo dục kỹ năng sống, thay đổi hành vi của học sinh từ những điều nhỏ nhất nhưng thiết thực và gần gũi như rửa tay trước và sau khi dùng bữa, đánh răng sau mỗi bữa ăn.
Để thực hiện điều này hiệu quả, thay vì các bài giảng đơn điệu, nhà trường tổ chức các tiết học sử dụng giáo cụ trực quan, sinh động như mô hình hàm răng, chỉ nha khoa, bàn chải; xây dựng nhiều chuyên đề về chăm sóc sức khỏe răng miệng, vệ sinh cá nhân, tai, mắt, an toàn thực phẩm thông qua các trò chơi; duy trì chế độ kiểm tra, hướng dẫn học sinh bán trú thực hiện việc giữ vệ sinh các nhân bằng hệ thống camera đặt tại các khu vực bồn rửa tay, đánh răng và hệ thống loa phát thanh trong mỗi lớp học, khuyến khích, tặng quà những học sinh đi tới phòng khám răng để kiểm tra răng miệng định kỳ.
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ hướng dẫn học sinh chải răng đúng cách.
Theo cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Ngô Quyền), tham gia dự án từ năm học 2014 – 2105, nhà trường có gần 5.000 học sinh được trực tiếp hưởng lợi từ việc cải thiện phương pháp giáo dục về sức khỏe và dinh dưỡng với các dịch vụ được cung cấp từ dự án như tài liệu, tranh ảnh, xà phòng, kem đánh răng, cốc… Những nhu yếu phẩm này tuy không có giá trị lớn về vật chất, song rất thiết thực và góp phần duy trì công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng, vệ sinh cá nhân cho những trường tổ chức bán trú.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ nhà trường phần mềm xây dựng thực đơn cùng với khẩu hiệu “Thay đổi nhận thức trong 3 phút”. Trước mỗi bữa ăn, giáo viên sẽ dành ra 3 phút để tuyên truyền về vai trò, ích lợi của từng món ăn; cách nhận biết những thực phẩm có lợi. Nhờ vậy, nhà trường đạt được hiệu quả trong việc bảo đảm chất lượng dinh dưỡng cho học trò; các em ăn hết suất và bày tỏ sự yêu thích những bữa ăn bán trú.
Bên cạnh hiệu quả bước đầu, việc triển khai dự án cũng đang gặp một số khó khăn. Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết: Thông thường, mỗi giai đoạn thực hiện dự án thường tổ chức 15-30 tiết học ngoại khóa, bao gồm cả những sự kiện truyền thông, hội thảo. Điều này khiến những trường mới tham gia dự án không tránh khỏi tâm lý lo lắng “quá tải” các hoạt động. Vì ngoài các hoạt động trong khuôn khổ dự án, mỗi trường đều phải thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn, Đoàn, Đội khác.
Vấn đề kinh phí để thực hiện dự án cũng là một hạng mục được các cơ sở giáo dục quan tâm. Trước mỗi sự kiện truyền thông, dự án thường dự toán để hỗ trợ các trường một khoản kinh phí nhất định. Tuy nhiên, với những sự kiện có quy mô lớn như mời chuyên gia về trường đối thoại với giáo viên, phụ huynh thì các chi phí thường phát sinh ngoài mức hỗ trợ. Từ thực tế đó, nhiều trường phải tận dụng nhân lực, vật lực vốn có; trích nguồn kinh phí riêng của nhà trường để hoàn thành sự kiện.
Theo Trưởng phòng Chính trị- Tư tưởng (Sở GD-ĐT) Hoàng Quốc Khánh: Bên cạnh những hiệu quả tích cực mà dự án đem lại, thì quá trình triển khai dự án đôi lúc gặp khó khăn, nhất là việc lựa chọn thời gian để tổ chức các sự kiện tại trường, do lịch dạy và học tại các trường khá chặt chẽ. Các trường cần nghiên cứu bản kế hoạch mà ban quản lý dự án yêu cầu triển khai tại mỗi giai đoạn; từ đó sắp xếp, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông một cách hợp lý, phù hợp điều kiện thực tế; không làm sụt giảm lượng kiến thức “cứng” trong chương trình sách giáo khoa.
Đại diện Ban quản lý Dự án “Sức khỏe và dinh dưỡng học đường” tại Hải Phòng cho biết: Giữa mỗi giai đoạn triển khai dự án, thường có những khoảng trống về thời gian, tầm vài tháng, bởi vậy để phát huy hiệu quả của dự án, các trường học không nên bỏ ngỏ các hoạt động vốn có; cần chú ý duy trì,vận hành khu vệ sinh, rửa tay; lồng ghép các hoạt động của dự án vào chương trình chính khóa của nhà trường; nhắc nhở các em học sinh thường xuyên để tạo thói quen; chủ động lập kế hoạch hằng năm để kế thừa, nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Thời gian tới, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế sẽ phối hợp Sở GD-ĐT thành phố nhân rộng các hoạt động truyền thông trong dự án đến các trường ngoài dự án; tập trung tìm hiểu, định hướng kế hoạch thực hiện dự án trong lộ trình dài hơi đến hết giai đoạn năm 2025.
Phương Linh – Báo Hải Phòng 19/12/2018
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More