Đô thị

Dự án đầu tư xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (giai đoạn 1): Tháo gỡ vướng mắc đăng ký đất đai

Thực hiện kê khai, đăng ký đối với 100% thửa đất là hạng mục quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, giai đoạn 1. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác kê khai, đăng ký đất đai còn những vướng mắc, nếu không tập trung tháo gỡ sẽ khó hoàn thành.

Còn hàng nghìn thửa đất chưa được kê khai, đăng ký

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (giai đoạn 1) được thực hiện trên địa bàn 4 quận, huyện: Dương Kinh, Đồ Sơn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ. Dự án được UBND thành phố phê duyệt vào năm 2010, với tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục đo đạc, lập bản đồ địa chính 4 quận, huyện; kê khai, đăng ký đất đai 100% thửa đất; cấp mới giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (cho các thửa đất chưa được cấp GCN) là 12.330 thửa; cấp đổi GCN theo nhu cầu của người dân là 37.729 thửa; xây dựng cơ sở dữ liệu cho các thửa đất của 4 địa phương.

Quận Đồ Sơn còn nhiều thửa đất chưa được kê khai, đăng ký đất đai. Trong ảnh: Một góc đô thị quận Đồ Sơn. Ảnh: Duy Thính.

Tuy nhiên, khi đến sát hạn, dự án còn hàng nghìn thửa đất chưa được kê khai, đăng ký. Đến thời điểm tháng 8/2023, đơn vị tư vấn lập xong hồ sơ và bàn giao cho UBND cấp xã, tại quận Đồ Sơn đạt 46,28% số thửa đất cần cấp GCN, quận Dương Kinh đạt 32,80%; Cát Hải đạt 58,26%, Bạch Long Vĩ đạt 82,62%. Theo quy trình, sau khi đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật thửa đất, lập danh sách và nộp hồ sơ về UBND các xã, phường, thị trấn để đăng ký đất đai, thẩm định hồ sơ chuyển đến UBND các quận, huyện xét duyệt, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện xử lý, cấp GCN quyền sử dụng đất, nhưng tiến độ xét duyệt hồ sơ rất chậm. Khối lượng hồ sơ chưa được xét duyệt cấp GCN còn lại ở các xã, phường khá lớn, nhiều nhất là tại quận Đồ Sơn với 6.413 hồ sơ, bằng 45% số hồ sơ được đơn vị tư vấn bàn giao.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Thành, nguyên nhân của sự chậm trễ này do công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn, UBND các phường thuộc các quận: Đồ Sơn, Dương Kinh, huyện Cát Hải và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chưa chặt chẽ, thường xuyên. Đơn vị tư vấn chưa kịp thời bố trí nhân lực theo tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn. Còn có trường hợp người dân chưa phối hợp thực hiện công tác kê khai, đăng ký đất đai. Về khó khăn khách quan, hiện mỗi phường, xã có 1 cán bộ địa chính, lượng hồ sơ lớn, nhân lực mỏng dẫn đến sự chậm trễ. Trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các tồn tại trong công tác quản lý đất đai thực tế tại cơ sở như: Việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp chưa hoàn thiện; việc đất giao trái thẩm quyền chưa được giải quyết của cơ quan có thẩm quyền; việc lấn chiếm đất đai chưa được xử lý; việc mua bán chuyển nhượng không hợp pháp…

Cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền

Trước yêu cầu bảo đảm tiến độ dự án theo đúng lộ trình đặt ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với UBND 4 địa phương để gỡ các vướng mắc, liên quan đến công tác quản lý đất đai như: dồn điền đổi thửa nhưng phương án chưa được phê duyệt, giao đất trái thẩm quyền, đất vắng chủ nhiều, tình trạng mua bán trái phép… Trên cơ sở đó, ngành hỗ trợ, phối hợp cùng đơn vị tư vấn trong việc thiết lập hồ sơ các thửa đất có vướng mắc theo quy định; bảo đảm cơ quan quản lý có được cơ sở dữ liệu đối với 100% các thửa đất thuộc 4 quận, huyện, từ đó có thể theo dõi biến động đất đai; chỉ đạo đơn vị tư vấn giúp 4 địa phương bàn giao các tệp file dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính hiện có tại các quận: Đồ Sơn, Dương Kinh, các huyện: Cát Hải, Bạch Long Vĩ cho Tập đoàn Viettel cập nhật lên hệ thống phần mềm VBDLIS để Văn phòng Đăng ký đất đai khai thác sử dụng dữ liệu.

Cùng với sự nỗ lực của chủ đầu tư, đồng chí Phạm Minh Thành, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của các lực lượng từ tổ dân phố, thôn, xóm; từng xã, phường, thị trấn và UBND các quận, huyện trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, tự giác thực hiện kê khai, đăng ký đất đai. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhân lực địa chính cho UBND các xã, phường, thị trấn và các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ đăng ký, kê khai đất đai.

Thời gian từ nay đến cuối năm 2023 không còn nhiều, rất cần sự vào cuộc tích cực của chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền các địa phương, để thúc đẩy dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra./.

Nguyên Mai

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More