Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Thu cao vẫn báo lỗ!

Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đang bị lỗ trung bình 2,5 tỷ đồng/ngày.

Thu phí tại tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN 

Trong văn bản mới nhất báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tình hình kinh doanh, khai thác Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho hay, dự án này đang bị lỗ trung bình 2,5 tỷ đồng/ngày. 


Cụ thể, doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của 7 trạm thu phí dịch vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong năm 2017 chỉ đạt 1.258 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày đạt 3,4 tỷ đồng. Doanh thu thu phí dịch vụ tại 2 trạm thu phí Quốc lộ 5 trong năm 2017 đạt 832,9 tỷ đồng. Với tổng doanh thu thu phí toàn dự án đạt 2.091 tỷ đồng. Tính bình quân, doanh thu mỗi ngày của đơn vị này đạt khoảng 5,7 tỷ đồng/ngày. 


Trong khi đó, theo VIDIFI, mức thu này chưa tính các chi phí thu mà doanh nghiệp phải bỏ ra để vận hành 9 trạm thu phí cùng với công tác bảo trì 2 tuyến đường thuộc dự án. Hiện, nhà đầu tư đang phải trả khoảng 8 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày. Như vậy, số tiền thâm hụt mỗi ngày là 2,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 900 tỷ đồng/năm). 


Để giải quyết khoản vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, VIDIFI đã có nhiều văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bố trí vốn ngân sách Nhà nước để trả nợ 2 khoản vay trị giá 300 triệu USD từ Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim Bank).


Sở dĩ VIDIFI kiến nghị Nhà nước hỗ trợ khoản vay này là vì ngày 29/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 746/QĐ-TTg điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang hình thức Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Dự án 300 triệu USD từ nguồn vay Kexim Bank và KFW. 


Theo VIDIFI, đối với khoản vay tương đương 200 triệu USD từ Kexim Bank, kế hoạch trả nợ gốc giai đoạn 2016-2020 là hơn 19 tỷ KRW (tương đương 402 tỷ đồng), trong đó năm 2019 trả 8,3 tỷ KRW, năm 2020 trả 10,6 tỷ KRW. Kế hoạch trả nợ gốc giai đoạn tiếp theo, 2021-2044 là gần 229 tỷ KRW. 


Đối với khoản vay 100 triệu USD từ KfW, đã trả nợ gốc từ 2013 đến 2017 được hơn 46 triệu USD. Còn kế hoạch trả nợ gốc giai đoạn 2018-2020 là 29,214 triệu USD (trong đó: năm 2018 trả 9,738 triệu USD, năm 2019 trả 9,738 triệu USD và năm 2020 trả 9,738 triệu USD). Như vậy, tổng số nợ gốc đã trả và phải trả đến năm 2020 là gần 1.700 tỷ đồng. Còn kế hoạch trả nợ gốc giai đoạn 2021-2023 là 24,715 triệu USD. 


“Như vậy, tổng số nợ gốc đã trả và sẽ đến hạn trả của các khoản vay từ Kexim Bank và KFW cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến năm 2020 quy đổi ra đồng Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng”, văn bản VIDIFI cho hay. 


Theo lãnh đạo VIDIFI, phương án tài chính Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được các bộ, ngành thẩm định và báo cáo Chính phủ, Nhà nước sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách để trả nợ gốc đến hạn đối với các khoản vay từ Kexim Bank và KFW. Tuy nhiên, đến nay các khoản hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Nhà nước nêu trên chưa được cấp và chưa được đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 


Việc chưa cấp và chưa bố trí vốn ngân sách Nhà nước để trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài cho Dự án đến nám 2020 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và cân đối nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và VIDIFI. 


Do đó, VIDIFI đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để VIDIFI có nguồn trả nợ các khoản vay nước ngoài đến hạn của Dự án. 


Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được thông xe vào tháng 12/2015, mức phí hiện nay là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, cũng là mức phí cao tốc đắt nhất đến hiện tại. Cao tốc này có tổng mức đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng. 


Theo các chuyên gia kinh tế, với mức phí được áp dụng cao, lưu lượng xe đi qua cũng khá lớn, nhưng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn “kêu” lỗ trầm trọng. Vì vậy, đã đến lúc phải xem lại toàn bộ quá trình đầu tư, xây dựng phương án tài chính của Dự án để tìm giải pháp “cứu lỗ” phù hợp cho tuyến cao tốc tỷ USD này. 


Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, mức phí lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vẫn luôn bị dư luận phản ánh là cao. Thu ở mức cao như vậy mà VIDIFI vẫn kêu lỗ thì nên chăng cần giảm giá vé để thu hút nhiều hơn các phương tiện lưu thông trên tuyến đường. Giảm giá vé, lưu lượng xe tăng lên, doanh thu trên toàn tuyến sẽ tăng theo. 


Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tổng chiều dài xây dựng là 105,8 km, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Được phê duyệt năm 2008, tổng mức đầu tư của Dự án là 24.566 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, tổng mức đầu tư đã lên đến 45.487 tỷ đồng, tăng khoảng 21.000 tỷ đồng, tức tăng gần 86% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Việc “đội vốn” này được lý giải là do tăng chi phí xây dựng, thiết bị, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng./.


Quang Toàn/BNEWS/TTXVN 17/6/2018

Tin khác

Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Nam Tràng Cát (Hải Phòng)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…

15/01/2025

Đồng chí Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu thăm, chúc Tết gia đình chính sách

Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

14/01/2025

Năm 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy chuyển đổi số

Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…

14/01/2025

Tích cực tham mưu, đề xuất thành phố thực hiện các chính sách đặc thù về an sinh xã hội

Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…

14/01/2025

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tràng Duệ 3 (Hải Phòng)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…

14/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More