Theo thống kê của Hiệp hội logistics Việt Nam, ở nước ta hiện nay có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Tuy các công ty điều phối logistics nước ngoài chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động, nhưng chiếm 80% thị phần. Còn lại hơn 1.200 doanh nghiệp logistics nội địa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần.
Tiềm năng phát triển ngành Logistics
Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cao. Vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam có giá trị hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2025, ngành đóng góp vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Hải Phòng được đánh giá là thành phố hội tụ đầy đủ yếu tố phát triển trọng điểm ngành logistics, là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hải Phòng có tiềm năng phát triển kinh tế- xã hội to lớn và hệ thống cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc (sau thành phố Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, Hải Phòng còn có phương thức vận tải đa dạng với 5 loại hình, hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp thương mại quốc tế. Đây là các điều kiện để Hải Phòng đưa logistics phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tầm vóc của Hải Phòng không chỉ là đầu tàu, hạt nhân trong liên kết vùng mà còn trong phát triển bền vững, nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập rất sâu rộng hiện nay. Dù vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng nhưng Hải Phòng chưa phát huy được hết lợi thế sẵn có, ngành logistics phát triển chưa xứng tầm với vị thế của thành phố cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu sôi động. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu nhân lực ngành logistic, nhất là nhân lực được đào tạo bài bản và nhân lực chất lượng cao.
Cơ hội đào tạo nhân lực
Tại Hải Phòng, Trường cao đẳng Hàng hải 1 là đơn vị duy nhất tại thời điểm này được đào tạo logistic. Năm 2020, nhà trường tiếp tục tuyển sinh đào tạo cao đẳng chính quy khóa thứ 3 về ngành này. Theo TS. Lưu Việt Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, năm nay, nhà trường được tham gia chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills)”. Đây là chương trình hỗ trợ của Chính phủ Ô-xtrây-li-a dành cho Việt Nam trong 5 năm, nhằm giúp Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Những trường được chọn tham gia chương trình được thụ hưởng nhiều lợi ích. Trước hết, tăng cường, nâng cao kỹ năng cho giảng viên và cán bộ đào tạo nghề. Đây cũng là giải pháp hàng đầu trong việc xây dựng năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề nhằm cung cấp các khóa học chất lượng, phù hợp ngành logistics. Chương trình Aus4Skills hỗ trợ nhà trường đào tạo mô-đun “Nhận và lưu trữ hàng hóa”. Chương trình cũng tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và trường nghề, sau khóa học chuyên gia Ô-xtrâyli-a và đại diện doanh nghiệp tham gia đánh giá kỹ năng nghề thực tế của người học sau mỗi khóa học.
Để triển khai chương trình đào tạo, Trường cử giáo viên tham gia tập huấn các khóa học do Aus4Skills tổ chức; kết nối, hợp tác với một số doanh nghiệp sẵn sàng nhận sinh viên đi thực tế, cũng như cán bộ tham gia truyền giảng các kiến thức, kinh nghiệm thực tế. THS. Đỗ Đức Lợi, Trưởng Phòng Tuyển sinh – Kết nối doanh nghiệp Trường cao đẳng Hàng hải 1 nhấn mạnh: “Học nghề logistics hiện nay không chỉ có cơ hội việc làm tốt trong hiện tại mà nhu cầu nhân lực ngành Logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng tăng. Khi ra trường người lao động có cơ hội đi công tác nhiều nơi, có nhiều lựa chọn về việc làm, có các cơ hội tiếp xúc nhiều lĩnh vực đa dạng, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, phát triển kỹ năng mềm cũng như trải nghiệm môi trường kinh doanh quốc tế”.
Việc phát triển đào tạo nghề logistics tại Hải Phòng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng mục tiêu của Chính phủ về “khơi thông dòng chảy logistics”, như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 “Logistics là thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo”./.
Những cơ hội việc làm sau khi học nghề logistics: Nhân viên quản trị kinh doanh, dịch vụ vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu, chăm sóc khách hàng cho các công ty dịch vụ logicstic, chuyên viên điều phối dịch vụ logistics, điều phối đơn hàng, phụ trách chứng từ, quản lý kho bãi, quản lý vận chuyển, giám sát đối tác cung cấp dịch vụ logistics trong các công ty sản xuất, kinh doanh, làm việc trong cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan đến lĩnh vực logistics, nghiên cứu và giảng dạy các bộ môn về logistics tại các trường cao đẳng, đại học, các viện nghiên cứu…
Phương Nam