Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa, song thời gian qua, đã có không ít những vụ hỏa hoạn xảy ra, mà nguyên nhân chính là do đốt vàng mã vô ý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ VH-TT&DL, trung bình mỗi năm người Việt đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã, tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điều đó không chỉ gây lãng phí mà việc đốt vàng mã còn tiềm ẩn nguy cơ về hỏa hoạn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.
Trên thực tế, đã có không ít vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra liên quan đến thắp hương hay đốt vàng mã…
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, lực lượng PCCC cũng lưu ý, các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC về điện, dây dẫn đảm bảo cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có át-tô-mát để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.
Đốt vàng mã nhiều không chỉ lãng phí, tốn kém mà còn ảnh hưởng tới môi trường sống của chúng ta về lâu dài mà thực tế trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là đại đa số những người sau khi đốt vàng mã xong đều mang tro hóa vàng đổ ra sông. Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta nếu có thể hạn chế và tiết kiệm trong việc đốt vàng mã thì vừa bảo vệ được môi trường sống xung quanh, vừa tránh được các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ.
Nhiều địa điểm tâm linh như đền, chùa giờ đây đã khuyến cáo không thắp hương bên trong nhà mà chỉ cho phép thắp hương ở ngoài sân, phần lớn đã hạn chế được nguy cơ gây hỏa hoạn.
Nhóm PV