Đô thị

Động thổ tuyến đường từ cầu Lạng Am đến đường ven biển: Tạo hành lang giao thông nối dài phía Nam thành phố

Chỉ còn thời gian ngắn nữa, thành phố sẽ động thổ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo. Một tuyến đường dài 9,47km sẽ nối với đường Lạng Am-Nhân Mục tạo thành hành lang giao thông dài hơn 16km, nối từ Quốc lộ 10 đến đường ven biển, mở ra cơ hội phát triển của huyện Vĩnh Bảo và đưa Vĩnh Bảo trở thành đầu mối giao thông phía Nam thành phố trong quá trình liên kết vùng duyên hải Bắc bộ.

Tuyến đường hiện đại với 2 cây cầu vĩnh cửu

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu sông Hóa và tuyến đường từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục dài hơn 7km, Vĩnh Bảo trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư khi giao thông ngày càng thuận tiện. Nhưng từ Lạng Am đến xã Trấn Dương cuối huyện, còn có những vùng đất chua mặn, khó phát triển sản xuất nông nghiệp, phải đưa công nghiệp-dịch vụ về hỗ trợ cho người dân, theo đó, giao thông cần đi trước mở đường… Với ý tưởng đó, ngay trong thời gian thi công tuyến đường Lạng Am-Nhân Mục, thành phố xác định cần phải tiếp tục nối dài tuyến đường từ cầu Nhân Mục (Quốc lộ 10) đến đường ven biển để tạo thành hành lang giao thông thuận lợi, từ đó tạo nên quỹ đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Năm 2019, dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển được UBND thành phố thông qua với tổng mức đầu tư 1.343 tỷ đồng.

Phối cảnh cầu vượt sông Thái Bình nối xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) với đường ven biển tại địa bàn huyện Tiên Lãng.

Tuyến đường từ Lạng Am đến đường ven biển bao gồm: nâng cấp tuyến đường cũ đang sử dụng đến xã Trấn Dương và tiếp tục làm thêm tuyến đường nối từ xã Trấn Dương vượt sông Thái Bình để kết nối với đường ven biển (trên địa bàn huyện Tiên Lãng). Theo dự án, tổng chiều dài tuyến 9,47km, trong đó mở rộng trên đường cũ dài 5,28km, làm mới 3,85km đường từ xã Trấn Dương đến đường ven biển, chiều dài đoạn trùng dự án 0,34km. Toàn tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, mặt cắt ngang từ 12 đến14 m, kết cấu mặt đường cấp cao A1.

Điểm đặc biệt là tuyến đường này được xây mới 2 cầu vĩnh cửu vượt sông. Gồm cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt qua sông Chanh Dương tại lý trình Km5+740, chiều dài toàn cầu tính đến đuôi 74,75 m, bề rộng mặt cắt ngang cầu 12 m. Cầu gồm 4 nhịp dầm bản rỗng bố trí theo sơ đồ: (4×18)m, tải trọng thiết kế HL93. Cầu thứ 2 là cầu vượt sông Thái Bình tại km7+155 bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố 987,9 m, bề rộng mặt cắt ngang cầu 12 m. Cầu gồm 26 nhịp, nhịp chính đúc hẫng cân bằng, nhịp dẫn super T và dầm bản rỗng; tải trọng thiết kế HL93, kích thước khoang thông thuyền 40 x 7 m. Ngoài ra, dự án còn xây dựng tuyến đường mới dọc bờ trái sông Chanh Dương từ cầu Lạng Am đến cầu Chiến Lược chiều dài 1,36km theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, xây dựng hệ thống rãnh dọc thoát nước mặt đường tại những đoạn qua khu dân cư; hệ thống chiếu sáng, nút giao, hệ thống bảo đảm an toàn giao thông…

Đưa huyện Vĩnh Bảo trở thành đầu mối liên kết giao thông

Ngoài Quốc lộ 10, huyện Vĩnh Bảo còn được kết nối với các tỉnh Thái Bình, Hải Dương qua Quốc lộ 37 từ cầu sông Hóa đến cầu Chanh. Huyện lúa trong thời gian qua đang chuyển mình, trở thành địa phương có công nghiệp, dịch vụ bắt đầu phát triển. Với tuyến đường mới, Vĩnh Bảo phát triển mạnh mẽ hơn khi những vùng đất chua mặn ở Tam Cường, Trấn Dương, Cộng Hiền, Lý Học… có thể chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Những cánh đồng cói bát ngát ngày nào, nay có cơ hội trở thành nhà máy, xí nghiệp và các khu chế xuất… Tất cả đều xuất phát từ giao thông thuận lợi. Vĩnh Bảo đang chuyển mình để trở thành đầu mối giao thông phía Nam thành phố.

Từ Vĩnh Bảo đến Dương Kinh, Đồ Sơn, thay vì phải theo các trục đường dài đến hơn 50km, khi kết nối vào đường ven biển chỉ còn chưa đến 20km. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, đoạn tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng-Thái Bình đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2021.

Sự kết nối giao thông rộng khắp là cơ hội để huyện Vĩnh Bảo nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung trở thành trung tâm trong liên kết vùng với các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, hỗ trợ cả 2 địa phương này cùng phát triển kinh tế. Tuyến đường Lạng Am đến đường ven biển kết nối trực tiếp các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37 với tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn thành phố Hải Phòng, tạo thành đường vành đai khép kín phía Đông Nam của thành phố, giúp việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân trong khu vực thuận lợi hơn. Hơn thế, tuyến đường còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực các xã ven biển của huyện Tiên Lãng và một số xã của huyện Vĩnh Bảo, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường bộ ven biển, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế các khu vực ven biển của thành phố Hải Phòng. Tuyến đường kết nối liên tục các điểm du lịch nổi tiếng của Hải Phòng như: Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu du lịch Đồ Sơn…

Mai Lâm

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More