Print Thứ Sáu, 22/03/2019 09:52

Thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45 cũng là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cận kề, nhưng các công việc đưa nghị quyết vào cuộc sống lập tức được triển khai, không một ngày chậm trễ. Nhiều cuộc làm việc, nhiều chương trình, kế hoạch được đưa ra và thực hiện. Chưa bao giờ, Hải Phòng sau kỳ nghỉ Tết lại “bận rộn” đến thế. Cả thành phố hối hả vào việc, các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch và đề xuất cụ thể các vấn đề liên quan tới sự phát triển của thành phố theo tinh thần NQ 45.

Kỳ cuối: Nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống

Các công trình hạ tầng giao thông, đô thị tiếp tục được thành phố triển khai khẩn trương. Trong ảnh: Cầu vượt nút giao thông Nguyễn Văn Linh vừa được thông xe. Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa

Triển khai ngay nhiều việc lớn

Theo NQ 45, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4% (hiện nay là 3,53%); GRDP bình quân đầu người đạt gần 15.000 USD (hiện nay đạt gần 5.000 USD). Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của Hải Phòng vào GDP cả nước đạt 8,2%; GRDP bình quân đầu người đạt gần 30.000 USD. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Hải Phòng kiên quyết phấn đấu thực hiện mục tiêu này. Để tổ chức thực hiện thắng lợi NQ 45 của Bộ Chính trị, thành phố đã và sẽ triển khai nhiều chương trình, nhiều nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xác định từ năm 2019 Hải Phòng phải liên tục tăng tốc phát triển, ít nhất cũng phải giữ được nhịp tăng trưởng như 3 năm 2016-2018.

Từ những mục tiêu, định hướng rõ ràng như vậy, một loạt công việc được thành phố triển khai khẩn trương nhằm tăng nhanh tiềm lực kinh tế- xã hội, tạo nền tảng để thành phố bước vào giai đoạn phát triển bứt phá. Nổi bật nhất là thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị; cải tạo, chỉnh trang đô thị; xây dựng nông thôn mới; tăng cường mối quan hệ hợp tác và liên kết vùng… Tất cả đều rất cụ thể, rõ ràng, rành mạch tới từng việc, tuyệt đối không chung chung và mỗi người dân thành phố đều có thể hình dung rõ nét hiệu quả mỗi công việc thành phố đã và đang triển khai.

Bởi thế, tuy khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất khẩn trương, nhưng các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị và người dân thành phố Hải Phòng đều náo nức, quyết tâm cao, dồn toàn tâm, toàn lực thực hiện. Ai cũng mừng vui khi bên cạnh các dự án lớn đã và đang triển khai, ngay trong quý 1-2019, Hải Phòng có thêm một loạt các dự án mới, dự án nào cũng có nhiều ý nghĩa, rất quan trọng và cần thiết. Đó là các dự án giao thông như tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến ngã tư đường Tôn Đức Thắng- Máng Nước- quốc lộ 5; đường nối từ cầu Lạng Am đến đường cao tốc ven biển; mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng, nâng quy mô mặt cắt ngang từ 12 m lên 24 m; mở rộng cầu Rào; xây dựng trục đường Hồ Sen cầu Rào 2, đoạn từ nút giao đường Nguyễn Văn Linh đến ngã ba chợ Con; cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã năm Kiến An; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn 2; xây dựng đường 354 từ cầu Khuể về Khu công nghiệp huyện Kiến Thụy, kết nối với đường bộ ven biển… Cùng với đó, thành phố quyết định đầu tư trải thảm toàn bộ mặt đường giao thông trong năm 2019, trước hết ưu tiên các tuyến đường nội đô. Phong trào xây dựng, sửa chữa nhà ở hỗ trợ người có công; làm đường ngõ, ngách đô thị, đường nông thôn, trồng cây xanh, lắp đặt điện chiếu sáng theo cơ chế hỗ trợ vật tư, xi măng của thành phố tiếp tục được lan tỏa sâu rộng với nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả thiết thực, từng ngày, từng tháng làm đổi thay diện mạo đô thị, nông thôn. Quyết tâm 100% các xã về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2019 thôi thúc cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung cao độ về nguồn lực, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác.

Khi Hải Phòng tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32 của Bộ Chính trị, một trong những hạn chế, yếu kém được chỉ ra là “liên kết vùng trong phát triển kinh tế- xã hội còn mờ nhạt. Vì thế, ngay sau khi NQ 45 được ban hành, một trong những quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng là khắc phục ngay những hạn chế này, tăng cường kết nối, hợp tác với các địa phương trong vùng để cùng phát triển. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã có các cuộc làm việc với Ban Thường vụ các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương để xúc tiến các công việc hợp tác.,Tinh thần chung được các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các địa phương trong vùng nhất trí cao là hợp tác thiết thực, rõ việc, cụ thể, định rõ thời gian hoàn thành. Trong đó, phấn đấu có sản phẩm ngay trong năm 2019. Và mục tiêu này đã hiện hữu khi các dự án đang được thực hiện khẩn trương như cầu sông Hóa nối Hải Phòng với Thái Bình; cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối với Hải Dương; sắp tới đây là cầu Bến Rừng nối với Quảng Ninh cũng như một loạt các dự án giao thông kết nối khác, từ đó rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương chỉ còn 25-30 phút. Không chỉ kết nối giao thông, Hải Phòng và các địa phương trong vùng cũng sớm bàn bạc và thống nhất các chương trình, kế hoạch cụ thể để hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cả phát triển KTXH cũng như giữ vững QPAN, công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng… Cụ thể là hợp tác trong phát triển kinh tế biển; cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp; đào tạo và cung cấp nhân lực cho các khu kinh tế, khu công nghiệp; kết nối phát triển du lịch; thu ngân sách, thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; phát triển khu công nghiệp tại các địa bàn giáp ranh… Đáng mừng là các địa phương trong vùng đều xác định rõ trách nhiệm cùng Hải Phòng thực hiện thắng lợi NQ 45, với quan điểm xây dựng và phát triển Hải Phòng vì sự phát triển chung của cả vùng và cả nước.

Chỉ chưa đầy 2 tháng kể từ khi NQ 45 được ban hành, nhiều việc lớn được triển khai cho thấy sự tích cực, chủ động của Hải Phòng, cũng là những tín hiệu vui cho thấy nghị quyết đã đi vào cuộc sống với sức sống mãnh liệt, hiệu quả to lớn.

Tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách

Song song với triển khai các công việc cụ thể, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình, giải pháp thực hiện NQ 45 với nhiều đề xuất cho cả quá trình thực hiện. Trong đó chú trọng đề xuất đúng, trúng các cơ chế chính sách phù hợp, phát huy, khơi thông được tiềm năng của thành phố, biến thành nguồn lực để phát triển được coi là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi NQ 45. NQ 45 nêu rõ: Các nguồn lực xã hội (cả trong nước và ngoài nước) là động lực quan trọng, các nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng dẫn dắt. Từ đó, nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng, đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, tài chính- ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…

Triển khai định hướng trên, vấn đề quan trọng là Hải Phòng phải có được các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động và sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm được chỉ rõ trong NQ 45 như: các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; cầu Tân Vũ- Lạch Huyện 2; các trung tâm logistics lớn gắn với cảng biển; mở rộng cảng hàng không quốc tế Cát Bi; cải tạo đường thủy nội địa nối với một số địa phương Bắc bộ; hoàn thiện các tuyến kết nối để nâng cao hiệu quả của đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc: Quảng NinhHải Phòng- Thái Bình- Nam Định- Ninh Bình- Thanh Hóa- Nghệ An; nâng cấp các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 37; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, nghiên cứu, khảo sát tuyến đường sắt Quảng Ninh- Hải Phòng- Thái Bình- Nam Định- Ninh Bình; xây dựng đảo Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc…

Với sự quyết tâm cao, ngay trong năm 2019, Hải Phòng sẽ có thêm những điều kiện mới để thu hút đầu tư. Ngay trong những tháng đầu của năm 2019, nhiều nhà đầu tư lớn tiếp tục về với Hải Phòng. Trong đó, Tập đoàn FLC đề xuất hàng loạt dự án lớn với những ý tưởng và khả năng thực hiện rất khả thi, tập trung đầu tư vào hạ tầng du lịch, các tòa cao ốc, khách sạn 5 sao và nông nghiệp công nghệ cao. Một số doanh nghiệp lớn khác cũng đến tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư các nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn tại Hải Phòng. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: Thu hút doanh nghiệp lớn về đầu tư tại Hải Phòng là một trong những chiến lược trọng tâm của thành phố, bởi mỗi doanh nghiệp lớn sẽ kéo theo sự phát triển của hàng trăm doanh nghiệp khác, tạo đà để cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng tiếp tục phát triển và ngày càng lớn mạnh, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của thành phố.

Hiện các ngành thành phố đang tập trung nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp điều kiện phát triển của Hải Phòng và yêu cầu của NQ 45. Điển hình là cơ chế ngân sách Trung ương cân đối để hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng tương ứng với một tỷ lệ hợp lý nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn; thu phí, lệ phí đặc thù của đô thị cảng để có nguồn đầu tư, nâng cấp, xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội phục vụ sự phát triển của thành phố và vùng; đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng, ban hành nghị định thay thế Nghị định 89 ngày 29-7-2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng; các cơ chế về đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư, nhất là theo hình thức hợp tác công- tư (PPP); cơ chế huy động vốn ODA đầu tư cho các công trình hạ tầng đô thị lớn; xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư cho các ngành và lĩnh vực ưu tiên của thành phố; cho phép thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định; được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công. HĐND thành phố được quyết định chủ trương đầu tư các dự án có vốn trên 5.000 tỷ đồng không sử dụng nguồn vốn ngân sách, phù hợp với quy hoạch phát triển KTXH đã được cấp thẩm quyền phê duyệt… Cùng với đó là các cơ chế thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị 1 cấp và 2 cấp hành chính; xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý…

Rõ ràng, cơ chế, chính sách chính là yếu tố quyết định để Hải Phòng thực hiện thành công NQ 45 của Bộ Chính trị, phát huy tốt nhất tiềm năng, vị thế, sớm trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH- HĐH, một động lực, đầu tàu phát triển của cả vùng, cả nước, sớm trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Hồng Thanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Động lực quan trọng đưa Hải Phòng tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác