Sáng 3/6, nhiều trạm y tế trên địa bàn thành phố đồng loạt triển khai tiêm vắc xin phòng bại liệt cho trẻ nhỏ sinh từ ngày 1/3/2016 đến ngày 28/2/2018 chưa được tiêm vắc xin bại liệt (IPV) trong tiêm chủng thường xuyên.
Bệnh bại liệt là bệnh trẻ em không may mắc phải để lại di chứng rất nặng nề, tàn tật cả đời, ảnh hưởng đến trí tuệ và vận động của trẻ. Chính vì vậy việc phòng chống bệnh bại liệt rất quan trọng.
Trong những năm qua, Hải Phòng được coi là đã thanh toán được bệnh bại liệt từ mốc năm 2010, đến nay không còn xuất hiện ca bệnh ở cộng đồng, đặc biệt bệnh bại liệt đã có vắc xin từ lâu, đây là cơ sở nền tảng để thanh toán bệnh bại liệt, phòng chống bệnh bại liệt. Tuy nhiên, gần đây từ năm 2019 tại Đông Nam Á, xuất hiện ca bệnh bại liệt lẻ tẻ ở cộng đồng, có nguy cơ xâm nhập và trở thành dịch bệnh.
Chính vì vậy việc cho trẻ uống vắc xin phòng bại liệt hoặc tiêm phòng nhắc lại là việc vô cùng quan trọng để chủ động trong phòng chống bệnh bại liệt ở trẻ em, là cơ sở để phòng chống di chứng dị tật về trí tuệ, vận động của trẻ sau này. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ngành Y tế đã cho trẻ uống vắc xin phòng bại liệt đủ 3 liều trong các mốc thời gian là 2, 4, 6 tháng và sau đó tiêm nhắc lại.
Triển khai chương trình, đồng chí Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hải Phòng cho biết: Được sự hỗ trợ của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cũng như sự quan tâm của các Vụ, Viện trung ương, trong chiến dịch lần này, Hải Phòng được cấp gần 50.000 liều vắc xin để tiêm phòng bại liệt cho trẻ em. Theo đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã triển khai kế hoạch từ đầu năm 2021, tuy nhiên vì dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, khó khăn cho triển khai chiến dịch tiêm, nên hôm nay, đầu tháng 6, ngành Y tế triển khai đồng loạt tại tất cả các quận huyện, xã phường trên địa bàn thành phố, cố gắng hoàn thành chương trình tiêm trong tháng này.
Qua kiểm tra công tác tiêm chủng tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, đồng chí Nguyễn Quang Chính đánh giá công tác triển khai mời đối tượng và tổ chức các điểm tiêm đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng cũng như phòng chống dịch COVID-19, theo dõi sau khi tiêm sức khỏe các cháu ổn định. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng yêu cầu các Trạm Y tế, Trung tâm Y tế bố trí lực lượng theo dõi phản ứng sau tiêm, đánh giá hiệu quả cũng như những diễn biến sau tiêm để xử trí tại chỗ, tại gia đình, sau đó tổng hợp để đánh giá về chương trình tiêm.
Chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền đã tiến hành rà soát được 198 cháu sinh từ ngày 1/3/2016 đến ngày 28/2/2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong tiêm chủng thường xuyên, (trừ trường hợp có bằng chứng đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phối hợp có thành phần bại liệt), phân phối lịch tiêm trong 2 buổi sáng chiều các ngày 3-4/6/2021, bố trí tiêm vét vào ngày 10/6/2021, để đảm bảo giãn cách, không tập trung quá đông người cùng lúc. Các gia đình đưa trẻ đến tiêm được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, ngồi dãn cách. Trước khi tiêm các cháu được kiểm tra sức khỏe tốt mới đảm bảo điều kiện tiêm. Sau khi tiêm, ngồi lưu lại để theo dõi sức khỏe sau tiêm 30’. Vắc xin IPV sử dụng tiêm trong đượt này là vắc xin do Liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) viện trợ đã được cấp phép lưu hành ở Việt Nam, lọ 10 liều, dạng dung dịch.
Hồng Nhung/Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng