Chiều 25/10, tại Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nguyễn Văn Thành chủ trì Hội nghị đối thoại nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn thành phố. Gần 30 doanh nghiệp cùng với Hiệp hội logistics Hải Phòng (HPLA); Hiệp hội Vận tải Hải Phòng tham dự Đối thoại.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, với vai trò là đầu tàu liên kết vùng, là cửa ngõ ra biển của phía Bắc, Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu cụ thể là “đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành Trung tâm dịch vụ logistics quốc gia” và “đến năm 2030, thành phố Hải Phòng trở thành Trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao”.
Giám đốc Sở nêu rõ, thời gian qua hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khách quan và chủ quan, dẫn đến hoạt động dịch vụ logistics chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Hải Phòng. Tại Hội nghị đối thoại này, ngành Công Thương thành phố mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận các kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng và thực hiện nhiệm vụ đến năm 2030, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành Trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại của cả nước.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội logistics Hải Phòng cùng các doanh nghiệp cùng bày tỏ sự quan tâm đến việc định hướng, quy hoạch các Trung tâm logistics của thành phố trong tương lai, hiện nay ở Hải Phòng mới có 2 Trung tâm logistics đang hoạt động và 2 Trung tâm logistics đang được xây dựng, chưa xứng với tiềm năng vị thế Hải Phòng là Trung tâm logistics của cả nước. Các doanh nghiệp cũng quan tâm đến lộ trình về chuyển đổi số trong hoạt động logistics của Hải Phòng trong những năm tới. Đồng thời mong muốn Sở Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có thể kết nối các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất trong các KCN, KKT của Hải Phòng và các tỉnh lân cận; hỗ trợ kết nối với các cơ quan chức năng thuộc khu vực biên giới, cửa khẩu; tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng cao trong lĩnh vực logistics…
Trực tiếp trao đổi thông tin, giải đáp một số vấn đề mà doanh nghiệp logistics nêu, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp logistics. Trên tinh thần cởi mở các doanh nghiệp đã trao đổi đóng góp nhiều ý kiến với ngành, các đề xuất đều chính đáng và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, qua đó ngành Công thương sẽ có nhiều giải pháp, chương trình công tác cụ thể hơn trong thời gian tới.
Theo định hướng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%-35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20%-25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30%-35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 25%-30%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%.
Minh Hảo