Như đã nói ở kỳ trước, kết quả hoạt động thương mại, dịch vụ 9 tháng đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố. Tuy nhiên khi phân tích các nguyên nhân tăng trưởng của kinh tế thành phố nói chung và thương mại nói riêng, có ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành thương mại, dịch vụ dù cao nhưng vẫn tiềm ẩn tính thiếu bền vững.
Chỉ số tồn kho của nhóm sắt thép 9 tháng tăng tới 2,5 lần so với cùng kỳ 2017
Trên bình diện kinh tế vĩ mô, đơn cử việc tăng giảm của chỉ số giá tiêu dùng CPI là một kênh đánh giá cường độ hoạt động của thị trường, vì thông thường CPI luôn tỷ lệ thuận với nhịp độ tăng của tổng cầu tiêu dùng. Nói theo cách khác, nếu giao dịch thị trường ảm đạm, CPI sẽ bị tác động theo chiều suy giảm, và ngược lại, chính vì thế việc giữ chỉ số CPI ở một tỷ lệ nhất định, không những kiểm soát được lạm phát mà còn để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhìn vào chỉ số CPI bình quân 9 tháng, với mức tăng 4,35% so cùng kỳ năm trước, đi vào chi tiết lại tiềm ẩn dấu hiệu chưa thực sự ổn định. Đơn cử như tháng 9, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm chỉ số giá tăng so với tháng trước. Nhưng hầu hết các nhóm tăng đều phụ thuộc vào thời điểm, thời vụ hoặc do chính sách thay đổi. Chẳng hạn CPI dịch vụ giáo dục tháng 9 tăng tới 6,66% là do tác động của năm học mới, nhu cầu tiêu dùng tăng và do học phí khối trung học cơ sở, trung học phổ thông, khối trung cấp, cao đẳng và đại học đều được điều chỉnh tăng cho năm học 2018-2019.
Mặt khác, sức mua kèm giá tăng thường tập trung vào các dịp nghỉ lễ hoặc sự kiện quan trọng. Ví dụ vào những tháng đầu năm, tức là thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất, sức mua cũng như sử dụng các dịch vụ tiêu dùng chủ yếu lên quan đến dịp tết truyền thống và lễ hội, chứ chưa phải từ nhu cầu sinh hoạt thường nhật. Trong khi doanh thu tăng cũng một phần bởi giá cả hàng hóa và giá các dịch vụ tăng, nhất là thời gian gần đây do ảnh hưởng tăng của giá xăng dầu, không phản ánh giá trị thực tế của tổng cầu xã hội.
Điều đáng lưu ý là, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhưng chưa thực sự giải quyết được bài toán về giải phóng hàng tồn, vốn dĩ ảnh hưởng rất tiêu cực tới thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cần phải thấy rằng, tăng trưởng chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố là rất cao, với mức tăng 25,15% trong 9 tháng, riêng tháng 9 tăng tới 32,18% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thuận với đó là sản lượng hàng hóa cũng tăng cao, nếu tiêu thu không kịp đáp ứng sẽ dẫn đến ứ tồn sản phẩm. Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp cộng dồn hết quý 3 chỉ tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đến tháng 9 có dấu hiệu chững lại khi chỉ số tiêu thụ toàn ngành giảm 6,8% so với tháng 8. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 19,5%; sản xuất thuốc, hóa dược giảm 24,5%… Số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến tháng 9 tăng 8% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng thời điểm năm trước, nghĩa là sự bất ổn vẫn còn hiện hữu.
Mặt khác, nhìn vào bản đồ thương mại nội địa, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường cũng bộc lộ nhiều bất cấp về nguồn gốc. Ngay ở các siêu thị, mặc dù về hình thức đa số sản phẩm có xuất xứ trong nước, nhưng thực tế cũng đa phần trong số đó là sản phẩm gia công từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ nội địa hóa thấp. Ở một góc nhìn khác, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của thành phố đạt 6.038,4 triệu USD, tăng 25,82 nhưng tập trung chủ yếu vào khối doanh nghiệp FDI, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn yếu. Đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu là các sản phẩm thuộc nhóm hàng gia công, lắp ráp và nguyên phụ liệu, dẫn đến cán cân xuất nhập có phần thiếu tích cực. Chưa kể một lượng hàng hóa không nhỏ ngoài luồng được sản xuất hoặc nhập lậu đang lưu thông phổ biến, nhất là ở khu vực thị trường truyền thống.
Năm 2018 thành phố tiếp tục chủ trương “tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Đây chính là mối liên hệ nhân quả, bởi lẽ nếu môi trường đầu tư, kinh doanh không được cải thiện, thì chắc chắn nguồn thu, chi ngân sách sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngành thương mại, dịch vụ là thành tố không thể tách rời nền kinh tế thành phố, những bất cập cần phải được tập trung khắc phục, cần hơn nữa quyết tâm vượt khó. Có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh bền vững của nền kinh tế thành phố.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, một trong những nguyên nhân tác động mang nặng tính thời điểm, thì những tháng cuối năm chính là cơ hội lớn cho ngành thương mại. Đối với thị trường nội địa, mùa xây dựng sẽ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm liên quan, nhất là những vật liệu đang tồn kho lớn như xi măng, sắt thép… Mặt khác, sức mua đối với đa số sản phẩm tiêu dùng tập trung nhiều vào cuối năm, điểm nhấn là dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Hơn nữa, mật độ đáo hạn các hợp đồng cũng dày hơn vào thời điểm này, các hoạt động thanh khoản và xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ khiến thị trường thêm nhộn nhịp. Tần suất giao dịch tiền tệ gia tăng là yếu tố rất quan trọng, tác động đến tăng trưởng thương mại.
Lê Minh Thắng – An ninh Hải Phòng 13/10/2018
Sáng 27/12, tại địa chỉ số 62 Võ Thị Sáu, quận Ngô Quyền, Sở Thông…
Sáng 27/12, Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của…
Sáng 27/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí Thư Thành…
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, ông Lưu Bình…
Đã hội tụ đủ "thiên thời, địa lợi", Thành phố cảng Hải Phòng đang hằng…
Khu du lịch Đồ Sơn được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh thuộc…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More