Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh về nhóm người kỳ dị mặc đồ đen, bôi đen mặt, cầm đầu gà và xúc xích… đi ăn xin khiến nhiều người hoang mang. Đáng chú ý, sự việc này bị một số cá nhân lợi dụng để tung tin đồn nhảm nhằm mục đích “câu like”, khiến dư luận càng thêm phẫn nộ.
Sau những hình ảnh, thông tin về nhóm người ăn mặc kỳ dị, mặt đen đi ăn xin, thậm chí khiếm nhã với người dân xuất hiện tại Hà Nội, gần đây, hàng loạt trang Facebook cá nhân tiếp tục đăng tải thông tin liên quan đến nhóm người này tại Hải Phòng, Thái Nguyên… gây hoang mang và thu hút sự chú ý của dư luận.
Lợi dụng điều này, một số cá nhân đã đóng giả hình ảnh quái dị của các đối tượng ăn xin trên bằng cách mặc đồ đen, hóa trang và chụp ảnh ở khắp địa phương, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để nhằm mục đích “câu like”.
Điển hình vào ngày 5.12, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh “kẻ mặt đen kỳ dị, tay cầm đầu gà” đứng trước cổng trường mầm non Hồng Lạc (xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương) khiến dư luận địa phương lo lắng.
Ngay sau khi nắm thông tin, Công an huyện Thanh Hà đã vào cuộc xác minh làm rõ thì xác định người tung hình ảnh lên mạng xã hội là đối tượng Đặng Như Chiến (19 tuổi, trú tại thôn Đoài, xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương).
Tại cơ quan công an, Chiến khai nhận đã xúi giục nam thanh niên tên Xuân (17 tuổi ở cùng xã Hồng Lạc) đóng giả “người mặc đồ đen” đứng trước cổng Trường Mầm non Hồng Lạc. Chiến chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội bằng tài khoản cá nhân có tên “Bin Bảnh” để “câu like”. Được biết, hình ảnh trên đã thu hút hàng trăm người like, chia sẻ và lan truyền với những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí dưới góc độ xã hội, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ – Hạnh phúc) cho rằng, những hành vi cố tình tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội chỉ nhằm mục đích “câu like” là hành vi đáng lên án.
Theo bà Túy, việc đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận nhằm để “câu like” là một loại “bệnh” có tính lây lan. Những hành vi này đều xuất phát từ việc phát triển công nghệ thông tin, khi hiệu ứng càng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tức là càng có nhiều lượt thích, bình luận, chia sẻ bài viết thì đối tượng càng tăng sự phấn khích.
“Đây là hành vi lệch chuẩn, có hệ lụy rất lớn đối với giới trẻ. Hiện nay, một bộ phận giới trẻ có xu hướng bắt chước rất nhanh. Nếu cứ tiếp tục thì những thông tin sai lệch sẽ bùng phát nhanh chóng, hậu quả để lại là khôn lường”, bà Túy nhấn mạnh.
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định, những người tung tin lên mạng xã hội, dù biết chắc chắn thông tin này không có thật, nhưng vẫn cố tình đăng tải, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội, an ninh quốc gia, và cá nhân người liên quan. Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi, có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, người tung tin đồn có thể bị xử lý hành chính trong trường hợp, hành vi tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ CP khi bị phát hiện. Mức tiền phạt dao động từ 10 triệu đến 100 triệu đồng.
Tùng Giang