Print Thứ tư, 20/05/2020 14:02 Gốc

Hôm nay 20-5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc. Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng chung quanh nội dung và nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại kỳ họp lần này.

– Đề nghị đồng chí cho cử tri thành phố biết những đổi mới của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14?

– Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc vào 8 giờ ngày 20-5 và dự kiến bế mạc ngày 18-6. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Quốc hội khóa 14 có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, như đổi mới trong thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, tại kỳ họp này, trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội, Quốc hội sẽ họp thành 2 đợt. Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố (từ ngày 20-5 đến ngày 29-5). Đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8-6 đến 19-6).

Đây là lần đầu hình thức họp trực tuyến được triển khai tại kỳ họp Quốc hội. Theo đó, các vị đại biểu Quốc hội đang công tác tại Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ở địa phương sẽ họp tại Phòng họp trực tuyến của Đoàn tại các địa phương; nội dung và chương trình của kỳ họp được bố trí phù hợp từng hình thức họp; việc đăng ký phát biểu và biểu quyết thông qua các nội dung được thực hiện trên Ipad của các vị đại biểu bằng hệ thống phần mềm riêng; tài liệu kỳ họp được gửi tới đại biểu qua phần mềm, sử dụng hệ thống đường truyền riêng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.

Đến nay, mọi điều kiện bảo đảm họp trực tuyến được Đoàn phối hợp các cơ quan chức năng của thành phố chuẩn bị chu đáo, hoàn thiện, sẽ bảo đảm đợt họp thành công tốt đẹp.

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa và các đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Phòng khảo sát, tiếp thu ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14.

– Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng có những hoạt động gì để chuẩn bị cho kỳ họp này?

– Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chuẩn bị kỳ họp. Song, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đổi mới cách thức hoạt động để bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đoàn gửi văn bản xin ý kiến với 8 dự án luật gồm: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi bổ sung một số điều về Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thanh niên; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đến đầu tháng 5, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, Đoàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp vào 3 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù không tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật, song Đoàn nhận được nhiều ý kiến tham gia bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia tham gia vào các dự án luật. Đó là những tài liệu, căn cứ quan trọng để đại biểu tham gia thảo luận, thông qua các dự án luật tại kỳ họp.

Về công tác giám sát, Đoàn tập trung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công trên địa bàn giai đoạn từ tháng 1-2015 đến tháng 12-2019”; kết hợp lồng ghép 2 hình thức giám sát trực tiếp và giám sát thông qua báo cáo của địa phương, đơn vị.

Về công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn không tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo thông lệ tại các địa phương, mà tổ chức tiếp xúc chuyên đề về những vấn đề lớn, như đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Hải Phòng cùng lãnh đạo Đoàn làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình kinh tế- xã hội 4 tháng đầu năm, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020 của thành phố, những kiến nghị đề xuất của thành phố. Đoàn phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đoàn sáng tạo trong tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Thông qua các kênh tiếp nhận, Đoàn nhận 48 kiến nghị của cử tri thành phố gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương.

Trong thời gian giữa 2 kỳ họp, công tác tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục duy trì thường xuyên, đều đặn từ đầu năm đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp 23 lượt công dân, tiếp nhận 26 đơn thư. Các đại biểu Quốc hội thực hiện 9 buổi tiếp công dân theo lịch; xử lý và chuyển 21 đơn, thư tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

– Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chuyển tải những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng gì của cử tri thành phố Cảng đến kỳ họp, thưa đồng chí?

– Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Đoàn không tổ chức tiếp xúc cử tri thành phố như thông lệ, song thông qua việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và tổng hợp báo cáo, Đoàn tiếp thu, phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố tại kỳ họp, như: đánh giá cao việc chỉ đạo điều hành của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, kịp thời, hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, kết quả đạt được trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thành phố Hải Phòng tổ chức thực hiện nhiệm vụ “kép”, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 rất hiệu quả (thành phố là địa phương có nguy cơ cao nhưng không có ca dương tính, an toàn trong suốt thời gian cao điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp), đồng thời duy trì phát triển kinh tế (giữ vững đà tăng trưởng, các chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao: Quý 1-2020, GRDP tăng 14,9%; chỉ số sản xuất tiêu dùng tăng 22,7%; thu ngân sách nội địa tăng 10,08%…).

Đoàn tiếp nhận rất nhiều ý kiến của cử tri thành phố gửi đến kỳ họp về những nội dung kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để Hải Phòng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; thực hiện dự án hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tràng Cát và Khu công nghiệp Thủy Nguyên; điều chỉnh cục bộ quy hoạch đảo Cát Hải và Cát Bà; dự án cải tạo quốc lộ 10 từ thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (Hải Phòng); cho phép Hải Phòng xây dựng đề án công nhận quần thể các di tích lịch sử Bạch Đằng Giang là di tích cấp Quốc gia đặc biệt; các giải pháp phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục duy trì các giải pháp bảo đảm kết quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…

Với trách nhiệm của đại biểu trước cử tri cả nước và cử tri thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tích cực tham gia kỳ họp với trách nhiệm cao nhất, góp phần vào sự thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu của cử tri cả nước và thành phố./.

– Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng. Xin chúc Đoàn có nhiều đóng góp thiết thực vào sự thành công của kỳ họp.

Văn Cường thực hiện

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng: Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù đối với Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác