Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:30

Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, phong trào đấu tranh của công nhân lao động Hải Phòng khá rầm rộ, trong đó các cuộc đấu tranh tiêu biểu trong cả nước và có tiếng vang quốc tế. Thực tiễn phong trào cách mạng Hải Phòng những năm này góp phần giúp người thanh niên giàu lòng yêu nước Nguyễn Đức Cảnh giác ngộ về lý tưởng cộng sản, gắn bó hầu hết hoạt động cuộc đời của mình cho phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân và người dân lao động thành phố Hải Phòng.

 

Năm 1926, khi còn học ở trường Thành Chung, Nam Định, sau khi tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh bãi khóa của sinh viên đòi để tang cụ Phan Châu Trinh, Nguyễn Đức Cảnh bị mật thám Pháp lùng bắt và sau đó bị đuổi học. Đồng chí quyết định lên Hà Nội đi làm thợ trong cơ sở sản xuất tiến bộ. Từ đây, Nguyễn Đức Cảnh gắn bó với phong trào công nhân và cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Tháng 9-1927, Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo. Giác ngộ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Đức Cảnh từ bỏ con đường cách mạng tư sản và gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

 

Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong khuôn viên Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Tiệp.

Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong khuôn viên Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Tiệp.

 

Sau đó, Nguyễn Đức Cảnh cùng nhiều đồng chí cách mạng tiền bối khác lần lượt về Hải Phòng xây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở rộng tuyên truyền cách mạng, vận động công nhân. Nhờ hoạt động tích cực của Hội, phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở Hải Phòng bắt đầu chuyển dần theo khuynh hướng vô sản, từ “tự phát” từng bước chuyển biến mạnh mẽ sang đấu tranh “tự giác” mang tính chính trị và giai cấp sâu sắc.

 

Năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ phụ trách vùng Duyên hải và sau đó kiêm Bí thư tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng. Nguyễn Đức Cảnh đề xuất thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Lương Bằng…vào làm tại các cơ sở sản xuất. Nguyễn Đức Cảnh vào làm việc tại Nhà máy Carông. Họ hòa mình với những người lao động, quần chúng thợ thuyền “cũng mo cơm, manh áo rách, chiếc nón tơi và đôi chân đất, những chiến sĩ cách mạng sống và lao động thực sự cuộc đời của người thợ bị áp bức, bóc lột”. Với sự phát triển nhanh của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và hoạt động tích cực của hội viên, trong đó có vai trò đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng trở thành trung tâm phong trào đấu tranh sôi động nhất ở Việt Nam. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc đấu tranh, trong đó có cuộc đấu tranh của hơn 2.000 công nhân Nhà máy xi măng với mục tiêu đòi tăng lương, chống đánh đập. Các cuộc đấu tranh được tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, khẩu hiệu, yêu sách phù hợp, nên đạt kết quả tạo khí thế và kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh mới cho công nhân lao động Hải Phòng. Nhiều tài liệu do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh biên soạn in ấn đơn giản, ngắn gọn chuyển đến tay công nhân học tập như “Tổ chức Công hội như thế nào?”. Tài liệu này có tác dụng rất quan trọng trong hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Công hội đỏ trong công nhân để tập hợp và phát động công nhân đấu tranh. Trong hai năm 1928, 1929 nổ ra 17 cuộc đấu tranh lớn của công nhân Hải Phòng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và báo chí thời kỳ đó đưa tin.

 

Đầu năm 1929, phong trào cách mạng Hải Phòng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, phong trào công nhân diễn ra sôi động, nhiều cuộc đấu tranh mang tính điển hình toàn quốc. Từ thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải thành lập Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Ngay sau khi tham gia thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D Hàm Long (Hà Nội), tháng 4-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh xúc tiến thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng, gồm 3 người: Hoàng Văn Đoài, Nguyễn Hữu Căn và Nguyễn Đức Cảnh là người phụ trách. Đến tháng 6-1929, từ 3 người ban đầu, chi bộ phát triển thêm những người tiên tiến tham gia thành 95 người, với 14 chi bộ tại các cơ sở: Xi Măng, Cảng, Bồi bếp, Bưu Điện, Đình Vũ, Carông – Sacric, Rôbe – Stai, Máy Tơ – Chai – Bát – Điện Cửa Cấm, Sova – Quảng Thái Long – Bách nghệ, Máy Gạch – Máy Gạo – Phốt Phát, Hãng dầu Stăngđa – Pháp Á, Nhà trường, Hãng buôn, Nhà in Viễn Đông. Trên cơ sở này, Ban Tỉnh ủy lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hải Phòng được thành lập. Ngày 28-7-1929, Đoàn đại biểu Công hội đỏ Hải Phòng dự Hội nghị đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất tại Hà Nội. Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Tổng Thư ký. Đến đầu tháng 8-1929, Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng chỉ định đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư  Ban Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng.

 

Tỉnh ủy nhanh chóng củng cố, mở rộng tổ chức, phát động phong trào đấu tranh và thực  hiện chủ trương của trên cử cán bộ ra vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Uông Bí…để xây dựng các chi bộ cộng sản. Tổng Công hội đỏ Hải Phòng mở hội nghị do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì và bầu Ban Chấp hành gồm Hoàng Văn Đoài (công nhân điện Cửa Cấm), Bùi Bá Đằng (công nhân Máy Tơ), Phạm Đông (công nhân xi Măng). Tỉnh ủy thông qua Công hội đỏ phát động phong trào đấu tranh của công nhân toàn thành. Các cuộc đấu tranh nổ ra rầm rộ hơn trước và đều có sự thống nhất của chi bộ Đảng hay Công hội đỏ với mục đích rõ ràng, biện pháp linh hoạt. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Carông, công nhân hãng đầu Pháp – Á ngày 23-9-1929, công nhân Xi măng ngày 22-10-1929, công nhân Cảng 24-11-1929.

 

Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, phong trào cách mạng Hải Phòng phát triển khá mạnh, lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia, mà trong đó phong trào công nhân là nòng cốt và lực lượng đi đầu trong đấu tranh. Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng chỉ đạo tổ chức kỷ niệm Cánh mạng Tháng Mười Nga, in báo “Sao Đỏ” để kịp thời tuyên truyền chủ trương, cổ vũ phong trào. Tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản do Đảng bộ lãnh đạo cũng ra tờ “Tia Lửa”. Đây là những tờ báo đầu tiên mang tiếng nói chính thức của tổ chức cộng sản ở Hải Phòng.


Phạm Hữu Thư

Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với Đảng bộ và phong trào công nhân, tổ chức Công hội đỏ ở Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác