Chính trị

Đông Bắc ‘thay da đổi thịt’, nhờ đâu?

Người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền TP Hải Phòng Lê Văn Thành trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, lý giải vì sao TP cảng với 2 triệu dân đã phát triển ngoạn mục trong giai đoạn vừa qua.

Diện mạo của TP Hải Phòng những năm gần đây đã thay đổi ấn tượng. Ảnh: TIẾN THẮNG.

Đề cập đến lời khen tặng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Hải Phòng đang được thay da đổi thịt hằng ngày“, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cảm ơn Thủ tướng và cho rằng “là người đứng đầu Chính phủ, vừa là đại biểu Quốc hội ứng cử tại TP cảng, gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân Hải Phòng, nên Thủ tướng cảm nhận rất rõ sự phát triển của TP“.

Ông nói: “Hải Phòng có cảng biển lớn nhất miền Bắc, từ xưa đã có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của vùng Bắc Bộ và đất nước. Những năm gần đây, chuyển biến rõ nét nhất là về cơ sở hạ tầng.

Dịp Quốc khánh năm 2017, Thủ tướng đã cắt băng khánh thành cầu vượt biển dài nhất Việt Nam Tân Vũ – Lạch Huyện, cùng với hàng loạt công trình lớn khác đã được đầu tư, hoàn thành, giúp hạ tầng giao thông của Hải Phòng hiện đại, đồng bộ từ đường bộ, sân bay đến cảng biển… Trong 5 năm, Hải Phòng đã xây dựng được 46 cây cầu với tổng chiều dài 23km“.

Hải Phòng tuyệt đối không ban hành những nghị quyết chung chung, không có tính khả thi. Ông LÊ VĂN THÀNH.

Không có ưu ái riêng cho Hải Phòng

* Tốc độ tăng trưởng cao hơn 2 lần cả nước, đầu tư nhiều công trình trong giai đoạn ngắn như vậy, Hải Phòng có những nguồn lực, động lực và giải pháp nào để đạt bước tiến ngoạn mục đó?

– Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, khơi dậy khát vọng phát triển trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân TP là những việc chúng tôi xác định rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đó chính là động lực để đưa TP bước vào thời kỳ phát triển mới.

Các chính sách của Hải Phòng luôn bảo đảm phát triển kinh tế thị trường với việc duy trì sự tiến bộ, công bằng xã hội, giải bằng được bài toán nguồn lực để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Ví dụ, khi TP đề ra cơ chế hỗ trợ ximăng, cùng với nhân dân đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân.

Gần 40.400 tỉ đồng đã được huy động trong 5 năm (gấp 2,5 lần giai đoạn trước) để xây dựng hơn 5.000km đường thôn xóm và đường nội đồng, giúp 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi hiểu rằng đây là những con số rất có ý nghĩa đối với TP cảng, bởi Hải Phòng có 2 triệu dân, khác với quy mô của các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Trong 5 năm vừa qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Hải Phòng gấp 3 lần giai đoạn trước đó, xin được cảm ơn nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tin tưởng lựa chọn Hải Phòng làm điểm đến đầu tư.

Trong đó, nhiều dự án có giá trị hàng tỉ USD như nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG với tổng vốn đầu tư 6 tỉ USD, nhà máy sản xuất ôtô VinFast của Tập đoàn Vingroup có tổng vốn đầu tư trên 3 tỉ USD, hai bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hệ thống cáp treo Cát Hải – Cát Bà của Tập đoàn Sungroup… là những “điểm nhấn” đẹp trên diện mạo TP cảng.

Kết cấu hạ tầng của Hải Phòng có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây giúp không gian đô thị được cải thiện đáng kể, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Ảnh: TIẾN THẮNG.

* Cũng có những ý kiến cho rằng Hải Phòng phát triển hạ tầng nhanh, đầu tư cho an sinh xã hội nhiều là bởi chiếc “túi” ngân sách của TP “rủng rỉnh”, tốc độ tăng thu rất nhanh nhưng được trung ương “ưu ái” nên tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thấp. Liệu Hải Phòng có phải vượt khung, vượt rào không?

– Luật ngân sách nhà nước quy định rất nghiêm ngặt việc thu chi, điều tiết… Hải Phòng luôn thực hiện nghiêm túc Luật ngân sách nhà nước. Để có nguồn lực cho các dự án trọng điểm, các chương trình an sinh xã hội, chúng tôi đã thực hiện hiệu quả giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi.

Hải Phòng hoàn thành chỉ tiêu thu nội địa trước 3 năm so với kế hoạch, tổng số thu gấp 2,65 lần và tổng số chi cho đầu tư phát triển gấp 4,7 lần giai đoạn 2011 – 2015.

Kết quả đó giúp chúng tôi có nguồn lực đáng kể để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề xã hội, đồng thời với việc thực hiện nghĩa vụ đối với trung ương. Việc điều tiết của trung ương với các nguồn vượt thu của địa phương, nếu có, cũng là thực hiện theo quy định của Luật ngân sách, không thể có sự “ưu ái” riêng cho Hải Phòng.

Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, chúng tôi luôn nghiên cứu kỹ chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện cho phù hợp.

Ví dụ, khi ban hành nghị quyết về miễn học phí cho học sinh các cấp, HĐND TP đã tính đến nguồn lực thực hiện, nghiên cứu kỹ chủ trương, định hướng trong nghị quyết của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Vì vậy mới có lộ trình cụ thể thời điểm thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS thực hiện từ năm học 2020 – 2021; hỗ trợ học phí THPT thực hiện từ năm học 2021 – 2022.

Khát vọng lan tỏa sự phát triển

* Sự phát triển của Hải Phòng có ý nghĩa rất lớn tới vùng Đông Bắc Bộ nói riêng, vùng kinh tế phía Bắc nói chung, hay mới đây Bộ Chính trị xác định 4 cực tăng trưởng phía Bắc là Hà Nội – Quảng Ninh – Hải Phòng – Thanh Hóa. Từ kinh nghiệm của Hải Phòng thời gian qua, theo ông thì Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần những chính sách đột phá như thế nào để sự phát triển lan tỏa?

– Hải Phòng là TP trực thuộc trung ương, TP cảng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó đề ra một trong những giải pháp rất quan trọng là: “Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đồng bộ và hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc“.

Năm 2020, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa, trong đó xác định 4 cực tăng trưởng như bạn nêu. Điều đó thể hiện tầm nhìn của Bộ Chính trị, của trung ương về việc “giải bài toán tổng thể” phát triển kinh tế – xã hội đất nước trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và các mối liên kết liên vùng kinh tế.

Theo tôi, trên cơ sở quy hoạch đã được xác định thì việc tiếp tục đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng kết nối vẫn sẽ là giải pháp đột phá. Chúng ta cần đầu tư hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa – Nghệ An; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; nghiên cứu, khảo sát tuyến đường sắt Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình…

Một giải pháp rất quan trọng đã được nghị quyết của Bộ Chính trị đề cập, đó là tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của Hải Phòng và các tỉnh thành khác.

Các giải pháp quan trọng khác cần được thực hiện là không ngừng cải thiện, tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh có sức hấp dẫn để thu hút các nguồn đầu tư mới.

Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư, nhất là theo hình thức hợp tác công – tư (PPP); cải cách hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực cấp phép đầu tư, tiếp cận đất đai và các nguồn lực, dịch vụ tài chính – ngân hàng, thủ tục hải quan, cải cách thuế quan, giảm tối đa chi phí logistics, minh bạch hóa công tác thanh tra, kiểm tra…

Tân cảng nước sâu Lạch Huyện, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ảnh: NAM TRẦN.

Thời điểm khó khăn nhất cũng phải bảo đảm cuộc sống người dân ổn định

* Chắc ông cũng nghe có dư luận cho rằng đôi khi Hải Phòng áp dụng một số biện pháp phòng dịch có phần chặt chẽ, hơi thái quá. Tất nhiên, kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Hải Phòng rất hiệu quả. Ông đánh giá về những vấn đề này như thế nào?

– Năm 2020, nước ta đã đạt được thành công ngoạn mục trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong những ngày tháng đó, Hải Phòng đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để giữ an toàn cho TP, bảo đảm cuộc sống bình thường của nhân dân.

Tôi và tập thể lãnh đạo TP chỉ thể hiện trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, mà trước hết là phải bảo đảm cho cuộc sống của người dân luôn ổn định, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Đó là quyết định bình thường của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương, tôi nghĩ không phải chỉ Hải Phòng đưa ra quyết định như vậy.

Đối với công tác an sinh xã hội khác cũng vậy. Như việc quyết định miễn học phí cho học sinh các cấp, đầu tư cho y tế, xóa nghèo, cải tạo các chung cư cũ, khuyến khích học sinh giỏi, vận động viên có thành tích, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn… đều là xuất phát từ tình hình thực tiễn và là thực hiện chủ trương của Đảng: “Đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế“.

Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”

Cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh, đặc biệt là TP Hạ Long, luôn được đầu tư hiện đại để thu hút đầu tư. Ảnh: NAM TRẦN.

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Quảng Ninh có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10,7%/năm, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Đặc biệt, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, đẩy nhanh sự chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” (dựa nhiều vào việc khai thác than) sang “xanh” (tập trung đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch).

Quảng Ninh là địa phương đứng đầu cả nước về cải cách hành chính với bước đột phá ba năm liên tục từ 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng đầu cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2020 ước đạt hơn 6.700 USD, gấp hơn hai lần mức bình quân chung cả nước.

Hạ tầng du lịch của Quảng Ninh có bước phát triển đột phá, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng với những dự án đã và đang được xây dựng.

Ông Nguyễn Xuân Ký – bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – cho biết Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 với quyết tâm xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh.

Là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Ngoài ra, tỉnh cũng hướng tới năm 2045 sẽ là tỉnh dịch vụ – công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao.

TIẾN THẮNG

* PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng):

Cần phát triển chuỗi sản xuất do DN Việt cầm “cái”

Cùng với sự phát triển ấn tượng của Quảng Ninh, bước phát triển vượt bậc của Hải Phòng trong thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo vùng Đông Bắc, tạo động lực cho sự phát triển lan tỏa của khu vực phía Bắc.

Lý do để Hải Phòng khởi sắc rõ rệt, tạo thế cho Hải Phòng phát triển là nhận diện từ trung ương theo hướng phát triển cảng biển, mở rộng cảng hàng không, kết nối Hải Phòng với Hà Nội và các địa phương lân cận. Chính sự thay đổi mạnh từ trung ương nên Hải Phòng đã có đà phát triển.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã thay đổi cách phát triển với hai nhóm vấn đề chính. Một là có cơ chế, chính sách để mời được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhất là các tập đoàn tư nhân đã làm cho diện mạo Hải Phòng phát triển rất mạnh.

Thứ hai, Hải Phòng quan tâm đến đô thị tức là dân cư của địa phương chứ không chỉ là phát triển doanh nghiệp, đến số thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng chung. Chú trọng đến phát triển đô thị, đến đời sống người dân là sự phát triển bền vững.

Cũng phải nói thêm Hải Phòng đạt được những đột phá như vậy là do lãnh đạo Hải Phòng nhiệm kỳ vừa rồi tạo được sự đoàn kết và sức mạnh đồng thuận nhờ một tầm nhìn phát triển tốt cộng với quyết tâm và bản lĩnh mạnh mẽ của người đứng đầu.

Để giữ nhịp tăng trưởng, Hải Phòng vẫn cần phải tiếp tục thế mở như 5 năm vừa qua với tư duy phát triển tổ hợp đô thị – cảng biển – du lịch. Cảng biển theo hướng hội nhập đang được phát huy tốt và cần tiếp tục được duy trì. Song tiềm năng du lịch biển của Hải Phòng là rất lớn, có những lợi thế về điều kiện tự nhiên nhưng có lẽ phát huy chưa hết tầm.

Mặt khác, Hải Phòng cũng nên chú trọng hơn những ngành hiện đại như logistics, công nghiệp định hướng công nghệ cao. Đặc biệt, chuỗi sản xuất do doanh nghiệp Việt Nam cầm “cái” – giữ vai trò chủ đạo – cần phải được tổng kết để phát huy hơn.

* Ông ĐẬU ANH TUẤN (trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp VN):

Phải duy trì đà cải cách để giữ tốc độ tăng trưởng

Trong 4-5 năm trở lại đây, môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng đã có sự thay đổi rất tích cực. Điều này thể hiện qua chỉ số PCI, bộ chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành của địa phương dưới góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân. Hải Phòng tăng điểm và thứ hạng ấn tượng trong thời gian gần đây, luôn đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng PCI cao nhất cả nước.

Theo kết quả điều tra PCI năm 2019, Hải Phòng có những chỉ số tăng điểm như chất lượng đào tạo nhân lực, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động của chính quyền địa phương…

Được biết, định kỳ hằng tháng, chính quyền Hải Phòng gặp gỡ để đối thoại với doanh nghiệp. Tại đây, rất nhiều vướng mắc và khó khăn của doanh nghiệp được lắng nghe và giải quyết.

Tôi kỳ vọng rằng Hải Phòng sẽ tiếp tục đà cải cách như thời gian vừa qua và cải cách mạnh mẽ hơn nữa một số lĩnh vực như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian… Như vậy, mức độ hấp dẫn môi trường kinh doanh của Hải Phòng chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn nữa.

LÊ THANH (ghi)

LÊ KIÊN – TIẾN THẮNG thực hiện

Nguồn tin: TTO

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More