Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành; lãnh đạo các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, có Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng; lãnh đạo các Sở ngành chức năng, các Ban Quản lý dự án của thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó là tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các Bộ, ngành phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Tuy nhiên, chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện đang là vấn đề kéo dài nhiều năm, năm 2022 công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện nhiều, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội…
Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán của các Bộ, ngành địa phương trong thời gian qua, Thủ tướng cũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022, bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN tính đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng (đạt 46,70%) kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về tình hình triển khai các Chương trình MTQG, đến ngày 23/9/2022 có 47/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.
Đến ngày 31/01/2023, thành phố Hải Phòng sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao
Phát biểu báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2022, thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là 12.720,72 tỷ đồng. Căn cứ vào tình hình thu ngân sách trên địa bàn thành phố, HĐND đã giao kế hoạch vốn đầu tư công là 18.103,691 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương là 1.288,152 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 16.815,539 tỷ đồng. Ước giải ngân đến ngày 30/9/2022, Hải Phòng giải ngân được 8.932,8 tỷ đồng, bằng 70,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 49,3% kế hoạch thành phố giao. So với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Hải Phòng có tỷ lệ giải ngân xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố và 13/114 địa phương, cơ quan được giao kế hoạch vốn năm 2022. Dự kiến đến ngày 31/01/2023, thành phố Hải Phòng sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.
Phát huy kinh nghiệm trong công tác giải ngân vốn đầu tư công những năm qua, năm 2022, thành phố Hải Phòng chỉ tập trung triển khai thực hiện từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì nhiều cuộc họp, triển khai đồng bộ các giải pháp, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và đặc biệt chú trọng đến công tác GPMB. Cụ thể là ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án theo nguyên tắc: bố trí 100% chi phí GPMB và 80% chi phí xây lắp.
Về tình hình thực hiện các Chương trình MTQG của Chính phủ, đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng đã triển khai xây dựng 07 huyện nông thôn mới (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 04 huyện nông thôn mới cho thành phố; 01 huyện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (huyện Tiên Lãng), với 02 huyện còn lại, thành phố dự kiến sẽ trình Bộ NN&PTNT trong tháng 10/2022. Đối với tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hải Phòng tập trung đầu tư hạ tầng theo hướng tiếp cận đô thị, dự kiến bố trí 125 tỷ đồng cho 01 xã. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có 137 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể, 8 xã đã hoàn thành tiêu chí, đạt tỷ lệ 6%; 22 xã sẽ hoàn thành trong năm 2022, đạt tỷ lệ 22% và 35 xã sẽ hoàn thành trong năm 2023, đạt tỷ lệ 41%.
Về chương trình giảm nghèo bền vững, Hải Phòng đã nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện, triển khai xây dựng và giải ngân chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo. Điển hình trong công tác cải tạo-sửa chữa nhà, hộ nghèo sẽ được thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng và được cho vay 35 triệu đồng từ ngân hàng chính sách; hộ cận nghèo sẽ được thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng và được cho vay 30 triệu đồng không lãi suất trong 15 năm. Đặc biệt gần đây, UBND thành phố đã quyết định hỗ trợ khoảng 8.000 hộ nghèo và khó thoát nghèo, chú trọng đến các đối tượng người cao tuổi, bệnh tật với tổng mức hỗ trợ tương ứng là 200 tỷ đồng/năm. Cụ thể, các hộ ở thành phố sẽ được hỗ trợ 02 triệu đồng/người; các hộ ở nông thôn sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Vì vậy, hiện nay thành phố chỉ còn 1,4% hộ nghèo. Dự kiến đến hết năm 2022, thành phố Hải Phòng không còn hộ nghèo.
Kiến nghị tại Hội nghị, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành sớm phê duyệt Quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng, làm cơ sở để triển khai thực hiện các Dự án đầu tư công của thành phố, đồng thời đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án; xem xét, quyết định công nhận huyện Tiên Lãng là huyện Nông thôn mới; tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn ODA cấp phát và vốn ODA vay lại; cho phép điều chỉnh hợp đồng, đơn giá thi công xây dựng do biến động tăng giá nguyên-nhiên-vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua…
Minh Hảo. Ảnh: Đàm Thanh