Trong tháng 3-2021, gần 30 nghìn công nhân quê ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh hoàn tất thời gian cách ly y tế tại địa phương và trở lại Hải Phòng làm việc. Các cấp công đoàn thành phố sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và yên tâm làm việc, tạm trú tại Hải Phòng.
Thiếu hụt gần 30 nghìn lao động sau Tết
“Khai xuân”, trở lại làm việc muộn hơn so với thường lệ, không ít lao động quê ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương vừa hào hứng, vừa lo âu. Chị Dương Thị Mai, công nhân Công ty TNHH giày Thuận Phi (xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên) giãi bày: “Sau 21 ngày ở quê Quảng Ninh, thực hiện nghiêm các biện pháp hạn chế đi lại, tôi muốn trở lại công ty làm việc. Dù chuẩn bị sẵn sàng tư trang, vật dụng cá nhân cho việc tạm trú tại Hải Phòng, không thể đi, về trong ngày như trước, nhưng chúng tôi khá băn khoăn về vấn đề chỗ ở, điều kiện sinh hoạt ở các khu trọ trong thời gian tới”.
Không chỉ người lao động, nhiều doanh nghiệp mong sớm đón công nhân trở lại làm việc. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH P.I.T Vina (huyện An Dương) Lê Thị Báu cho biết: “Doanh nghiệp có hơn 1 nghìn lao động, nhưng sau Tết Nguyên đán Tân Sửu chỉ còn 537 lao động tiếp tục làm việc. Hơn 400 người lao động quê Hải Dương chưa trở lại làm việc, nên gần một nửa số chuyền sản xuất tạm dừng hoạt động. Dù mong người lao động sớm trở lại, nhưng chúng tôi chưa tìm được phương án tối ưu trong việc bố trí chỗ ở trong thời gian cách ly y tế 21 ngày cho lao động Hải Dương. Chúng tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện bố trí các công trình công cộng như nhà văn hóa thôn… để người lao động tạm trú”.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, trên địa bàn thành phố có hơn 31 nghìn công nhân quê Quảng Ninh, Hải Dương, trong đó, số công nhân sắp hoàn thành cách ly y tế, trở lại làm việc gần 30 nghìn người. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đào Thị Huyền cho rằng, đội ngũ lao động quê Hải Dương, Quảng Ninh trở lại làm việc góp phần bổ sung kịp thời lượng lớn nhân lực quan trọng đối với các doanh nghiệp ngay sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, môi trường doanh nghiệp đông lao động là nguy cơ lớn dẫn tới việc lây lan nhanh, khó kiểm soát dịch bệnh, nên trước khi công nhân từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh-các địa phương từng có dịch-trở lại làm việc, cán bộ công đoàn các cấp sẵn sàng “lên dây cót”, chuẩn bị các phương án chuyển trạng thái, phản ứng nhanh để bảo vệ doanh nghiệp, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Nỗ lực hỗ trợ người lao động
Để bảo đảm an toàn cho người lao động, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp, các cấp công đoàn thành phố chủ động phối hợp liên ngành, huy động các lực lượng cùng tham gia các hoạt động chăm lo, hỗ trợ lao động từ vùng dịch trở lại Hải Phòng làm việc. Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng Đinh Thị Thúy Hà, cán bộ Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng chia thành 2 tổ công tác, phối hợp doanh nghiệp, hỗ trợ lực lượng cán bộ y tế tới doanh nghiệp để lấy mẫu xét nghiệm khoảng 10 nghìn lao động quê Quảng Ninh làm việc tại Công ty TNHH Regina Miracle Internatinonal Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng) và giám sát việc thực hiện cách ly y tế đối với lao động quê Hải Dương của Tập đoàn LG Việt Nam Hải Phòng; vận động chủ doanh nghiệp chi trả chi phí xét nghiệm và bảo đảm đời sống người lao động ngoại tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly y tế, trước khi vào doanh nghiệp làm việc.
Không riêng lực lượng cán bộ công đoàn, cán bộ địa phương cũng tham gia hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Ông Nguyễn Văn Thúy, Trưởng thôn 9, xã Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên) cho biết: “Trên địa bàn thôn, hiện có 14 nhà trọ của công nhân, lao động với số lượng gần 130 phòng. Trong thời điểm công nhân Quảng Ninh, Hải Dương trở lại làm việc, chúng tôi phối hợp cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Thủy Nguyên tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của thành phố về phòng, chống dịch trong tình hình mới; phun khử khuẩn các khu nhà trọ, vận động các chủ nhà trọ thường xuyên khai báo biến động người đến, người đi; hỗ trợ về chỗ ở cho công nhân ngoại tỉnh (nếu doanh nghiệp cần) trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19”.
“Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện từ nhiều phía, người lao động đến từ Hải Dương, Quảng Ninh cần tự giác, trung thực trong khai báo và chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp theo dõi sức khỏe khi tạm trú; không tự ý trở về quê, rời khỏi nhà trọ khi đang thực hiện các biện pháp cách ly y tế báo cáo chủ sử dụng lao động, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh với bản thân, cộng đồng. Cán bộ công đoàn cơ sở cần linh hoạt thực hiện các giải pháp chăm lo đời sống người lao động, vừa bảo đảm thực hiện kế hoạch sản xuất, vừa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong doanh nghiệp”, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đào Thị Huyền khẳng định./.
Bài và Ảnh: Mai Lê.