Nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cũng như những đề xuất xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, chiều 16/2, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại với các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm cho biết, Hội nghị Đối thoại được tổ chức trên tinh thần cầu thị thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo ngành GD&ĐT thành phố đối với các Doanh nghiệp đầu tư tổ chức, hoạt động của các Trung tâm trên địa bàn thành phố. Đây là cũng là lần đầu tiên ngành GD&ĐT tổ chức Đối thoại với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GD&ĐT.
Khẳng định những đóng góp quan trọng của các Trung tâm đối với sự nghiệp Giáo dục của thành phố trong thời gian, góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng lực về Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống và kiến thức cho người dân, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo, bồi dưỡng, làm tăng thứ hạng thi THPT và Chứng chỉ quốc tế cho giáo dục Hải Phòng. Giám đốc Sở GD&ĐT, Bùi Văn Kiệm mong muốn tại Hội nghị Đối thoại này các doanh nghiệp trao đổi, cho ý kiến chân thành, thẳng thắn đối với ngành GD&ĐT, có căn cứ xác đáng về sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với quy trình thủ tục, cách thức biện pháp quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo, để từ đó từng bước tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức và doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng GDTX-CN và Đại học, Sở GD&ĐT cho biết, Hải Phòng hiện có hơn 260 Trung tâm Ngoại ngữ, Ngoại ngữ-Tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá còn phép hoạt động, cơ sở tư vấn Du học. Trong đó có khoảng 70% các Trung tâm đều ở quy mô nhỏ và rất nhỏ; gần 30% các Trung tâm có quy mô lớn có vốn đầu tư trong nước; có 04 Trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài… Chất lượng hoạt động của các Trung tâm ngày càng cao, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, công tác tuyển sinh đều đảm bảo Kế hoạch đào tạo… Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn có tình trạng Trung tâm hoạt động không phép; sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên không đúng với nội dung đăng ký trong hồ sơ cho phép hoạt động dẫn đến không đảm bảo quy định; Chương trình, giáo trình tài liệu ngoài danh mục đăng ký trong hồ sơ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, ánh sáng không còn đảm bảo điều kiện so với quy định…
Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Đối thoại kiến nghị kiến nghị việc gia hạn giấy phép hoạt động của các Trung tâm tư vấn Du học, Trung tâm ngoại ngữ hoạt động lâu năm thay vì 01 năm cấp phép 01 lần như hiện nay, nhất là với những Trung tâm có uy tín; bên cạnh đó cần đơn giản hóa vấn đề nộp hồ sơ và giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; một số doanh nghiệp cũng kiến nghị Sở cần thực hiện Thanh tra nghiêm túc, xử lý nghiêm các Trung tâm quy mô nhỏ hoạt động chưa có Giấy phép; một số ý kiến nêu rõ về hoạt động liên kết giữa Trung tâm kỹ năng sống, Trung tâm ngoại ngữ với các Trường công lập trong việc tổ chức đưa học sinh đi trải nghiệm, học ngoại ngữ; vấn đề hỗ trợ các thủ tục bảo lãnh giáo viên nước ngoài vào Việt Nam…
Tiếp thu và trao đổi làm rõ các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, liên quan đến việc cấp Giấy phép hoạt động, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở GD&ĐT cho biết vẫn phải hạn định cấp phép, nhưng nới rộng thời gian để phù hợp với thực tế. Về đơn giản hóa việc nộp hồ sơ và rút gọn thời gian làm TTHC lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định, hiện nay hồ sơ TTHC khi tiếp nhận, giải quyết tại Sở GD&ĐT đều được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá trong quá trình thực hiện.
Kết luận Hội nghị Đối thoại, lãnh đạo Sở GD&ĐT trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và tổ chức, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất các giải pháp để rút ngắn hơn nữa thời gian, quy trình xử lý công việc, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như tăng chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với ngành GD&ĐT thành phố.
Minh Hảo