Print Thứ Tư, 03/07/2019 15:16

Trong những năm qua, công tác cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. DNNN đã giảm mạnh về số lượng, cụ thể là từ năm 2016 đến 2018, cả nước đã cổ phần hoá (CPH) được 147 DN, trong đó có nhiều DN quy mô vốn nhà nước lớn như các lĩnh vực như điện, lọc hoá dầu, cao su, vận tải, du lịch, dược phẩm, đồ uống…

 

 

Tổng quy mô vốn nhà nước được xác định tại các DN thực hiện CPH là trên 160.000 tỷ đồng; thực hiện thoái vốn nhà nước thu được gần 155.000 tỷ đồng.

Sau CPH, thoái vốn, các DN đã được cơ cấu lại, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình đổi mới, sắp xếp DN cũng còn những tồn tại, hạn chế. Có thể kể đến như một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn; một số cơ chế, chính sách ban hành còn chậm so với các tình huống xảy ra trên thực tế; việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi có quyết định CPH còn chậm; cơ chế quản trị của các DNNN chậm đổi mới, chưa phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính minh bạch, công khai chưa cao…

Không nằm ngoài chủ trương trên, theo ông Nguyễn Hồng Long-Phó Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển DN đánh giá: Hải Phòng đã nỗ lực thực hiện tiến trình CPH, thoái vốn và chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về Tổng cty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Tính đến nay, Hải Phòng đã tiến hành CPH, thoái vốn tại gần 20 DN hoạt động trên các lĩnh vực như da giày, vận tải, cấp nước, điện chiếu sáng, cơ khí chế tạo, du lịch…

Cụ thể, giai đoạn 2017-2020 Hải Phòng có 3 DN là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Thoát nước và Công ty TNHH MTV thương mại đầu tư phát triển đô thị.  Song, do 2/3 DN kể trên có nhiều tài sản gắn với kết cấu hạ tầng như hệ thống cống, thiết bị xử lý rác thải, nước thải… nên trong quá trình xây dựng, phê duyệt phương án sắp xếp lại, sử dụng nhà đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử như ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng – trăn trở: Tài sản từ hệ thống đường cống đến công nghệ, thiết bị rồi vốn vay ODA chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước của Ngân hàng thế giới, khi đánh giá lại giá trị tài sản để đưa vào giá trị DN CPH thì xác định ra sao?

Chưa hết, mặc dù đang trong quá trình thoái vốn, song lãnh đạo Công ty CP Cấp nước cũng phản ánh: Không ít trạm bơm, trạm cấp nước tồn tại nhiều năm nay nhưng khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì lại không phù hợp quy hoạch phải điều chỉnh, rất mất thời gian của DN. 

Còn đối với Công TNHH MTV Môi trường đô thị thì dự án quản lý, xử lý chất thải rắn do thành phố Hải Phòng giao cho Công ty làm chủ đầu tư. Nếu phân loại tài sản để CPH thì DN hầu như không có tài sản trọng yếu để hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi chuyển thành cty CP.

DN đề nghị thành phố xem xét tính vào giá trị DN CPH một phần tài sản của dự án gồm các phương tiện, thiết bị thuộc hạng mục quản lý văn phòng, thu gom, vận chuyển chất thải thuộc gói thầu số 1. Còn các tài sản là nhà máy xử lý rác, bãi chôn lấp không tính vào giá trị DN, thuộc tài sản công ích và do thành phố quản lý.

Trường hợp của Cty TNHH MTV thương mại đầu tư phát triển đô thị thì dự án Khu đô thị Ngã 5 Sân bay Cát Bi còn 275 thửa đất với diện tích 13,36ha. Hiện, Cty đã nhận ứng trước của khách hàng, nhưng công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, vượt dự toán. Khoản chi phí phát sinh thêm quá lớn sẽ khó có đơn vị nào có thể tiếp nhận và nếu cty không còn là chủ đầu tư thì chắc chắn phát sinh khiếu kiện, gây xáo trộn, bất ổn.

Những nguyên nhân trên đã khiến tiến độ CPH của 3 DN nói trên chậm so với kế hoạch đề ra.

Về việc thoái vốn tại 7 DN trong giai đoạn 2017-2020, theo lộ trình có 4 DN thoái vốn trong quý IV-2018 và 3 DN thoái vốn trong quý III-2019. Tuy nhiên, phát sinh vướng mắc về xác định giá trị tạo bởi quyền thuê đất hàng năm và giá trị văn hoá, lịch sử để tính bổ sung giá khởi điểm. 

Tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành-Trưởng Ban đổi mới, phát triển DN Hải Phòng đã đề nghị chính phủ xem xét việc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại một số DN hoạt động công ích.

Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch, Hải Phòng đang tiếp tục mở rộng về các vùng nông thôn, hải đảo, nếu nhà nước không nắm giữ phần cổ phiếu chi phối thì rất khó tác động tới quyết định của Hội đồng quản trị.

Theo ông Nguyễn Hồng Long thì những vướng mắc của Hải Phòng có nhiều điểm tương đồng đối với một số địa phương, ngành. Ban chỉ đạo sẽ tổng hợp và báo cáo chính phủ.

Đối với một số trường hợp cụ thể mang tính đặc thù, Hải Phòng cần báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo rồi mới triển khai thực hiện. Mục tiêu hướng tới là sau đổi mới, sắp xếp, DN phải thay đổi về chất, hoạt động hiệu quả, tăng nguồn thu cho nhà nước.  

Kim Oanh

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp- Hướng tới mục tiêu hiệu quả, tăng nguồn thu cho Nhà nước
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác