“Đổi mới – Hành trình của những ước mơ”: Triển lãm ý nghĩa về công cuộc đổi mới đất nước

Trên 150 hình ảnh, tài liệu, hiện vật là những câu chuyện của những chính trị gia, nhà nghiên cứ, người dân – những người có tầm nhìn và luôn có tinh thần đổi mới – đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng trong dịp này. Đó là những tư liệu của triển lãm “Đổi mới – Hành trình của những ước mơ” do Bảo tàng Hải Phòng phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức thực hiện, mở cửa từ nay đến hết tháng 8-2018.

Ký ức về Đổi mới

Đến Bảo tàng Hải Phòng những ngày này, nhiều người không khỏi  ngỡ ngàng khi bắt gặp những vật dụng quen thuộc một thời được trưng bày tại đây. Là chiếc bàn là Liên Xô, nồi cơm điện Nhật, đài catxet Nga…mà nhiều người quen gọi là hàng Vosco. Trước Đổi mới, Nhà nước trung ương độc quyền ngoại thương, địa phương và tư nhân không được tự do xuất nhập khẩu nhưng từ những năm 1980, hàng Vosco tên gọi của những sản phẩm được “nhập khẩu” bởi các thủy thủ Vosco (Đội tàu Viễn dương Việt Nam) qua cảng Hải Phòng chiếm một tỷ lệ đáng kể ở Việt Nam như: xe máy, tủ lạnh, nồi cơm điện, đài catxet, xe đạp… chủ yếu là hàng cũ nhập về từ Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore. Nguồn hàng này đã bổ sung cho sự thiếu hụt của hàng nhập khẩu chính thức, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước. Bác Vũ Thúy Phương (Trần Nguyên Hãn, Lê Chân) nói: “Bảo tàng Hải Phòng trưng bày chuyên đề này rất ý nghĩa, không chỉ giúp chúng tôi nhớ về nhiều kỷ niệm cũ mà còn giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết hơn về một giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước. Nhờ bước ngoặt đổi mới mà đất nước chúng ta đã đạt thêm nhiều thành tựu phát triển mới như ngày hôm nay”.

Một số hiện vật trưng bày trong chuyên đề

          “Đổi mới – Hành trình của những ước mơ” tiếp cận và giới thiệu một phần về  Đổi mới, thông qua những tài liệu, hiện vật, tiếng nói, câu chuyện của những chính trị gia, nhà nghiên cứu và người dân – những người luôn có tinh thần đổi mới, nhằm góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, đổi mới trong mỗi người vì một tương lai tốt đẹp hơn. Nghiên cứu trưng bày cũng tập trung vào những hiện vật tiêu biểu của thời kỳ Đổi mới- đó là các đồ dùng, vật dụng được sản xuất trong nước hay nhập khẩu, đã trở thành quen thuộc, gắn liền và đi cùng với tiến trình của sự đổi mới đất nước (tập trung nhiều vào các hiện vật từ thời kỳ đầu đổi mới đến cuối những năm 90).

Với chủ đề “Đổi mới hay là chết”,  trưng bày tập trung giới thiệu lý do, bối cảnh xã hội, yêu cầu bức thiết phải đổi mới những năm đầu thập kỷ 80, nội dung đường lối đổi mới và vai trò, dấu ấn của những chính trị gia – những người đặt nền móng, lãnh đạo, tổ chức thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước như các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt.

Đổi mới để tiến lên

Đồng thời, để làm rõ thông điệp “Đổi mới để tiến lên”, trưng bày đề cập đến nhiều nội dung rất sâu sắc từ những hình ảnh điển hình trong lịch sử đổi mới. Đổi mới về kinh tế đã tạo ra Cơ hội phát triển cho Việt Nam. Đổi mới đã mở ra và đem lại cơ hội phát triển và thành công cho các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Vận động – hội nhập: Đổi mới làm xã hội, con người Việt Nam trở nên năng động hơn. Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu và rộng hơn với thế giới; giao lưu, hợp tác, xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển. Tăng trưởng: Đổi mới trong nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Sau 30 năm đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của Việt Nam phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Sức mạnh: Đổi mới đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân (sức khỏe, giáo dục, văn hoa – tinh thần), mang lại những nét mới mẻ, tươi tắn trong cuộc sống và công việc của mỗi người dân, mỗi gia đình; mang lại sức vóc mới, niềm tin và tiếp them sức mạnh để Việt Nam vững bước trên con đường hướng tới phồn vinh, hạnh phúc.

Học sinh trường THCS Hồng Bàng tìm hiểu và trải nghiệm về hành trình đổi mới của đất nước tại Bảo tàng Hải Phòng

Vừa qua, tại buổi khai mạc chuyên đề, Ông Nguyễn Văn Sơn – Nguyên Bí thư xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy – cũng đến dự và không khỏi xúc động trước những hình ảnh gợi nhớ lại cả một chặng đường dài của đất nước và thành phố Hải Phòng trong công cuộc đổi mới. Ông Sơn chính là người đã quyết định chia bớt ruộng về cho hộ xã viên, để bà con tự cày cấy trồng trọt, ngoài phần nộp nghĩa vụ theo quy định thì còn lại tự hưởng. Sau khi dồn điền đổi thửa, cả HTX Thụy Hương được khoảng 600 mẫu, dư ra gần 50 mẫu, xã đã lấy phần dư đó chia cho xã viên, ban đầu cứ mỗi khẩu 1 thước vuông, gọi là đất rau đỏ, sau thấy còn dư nhiều lại chia thêm. Nhờ vậy mà dân ngày càng no đủ, mà vẫn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.

Đó là một trong những câu chuyện sống động được nhắc lại ở chuyên đề, về những người người mở lối, tiên phong, “xé rào” trong nông nghiệp cùng các công trình xây dựng tiêu biểu như đào kênh, mở đường, quai đê lấn biển, mở rộng diện tích canh tác; xây dựng cơ sở hạ tầng, dân sinh ngày càng hoàn thiện và hiện đại,… là những bằng chứng mang tính chất lịch sử, khẳng định vai trò đi đầu trong đổi mới trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng. Năm 1980, Hải Phòng là địa phương thứ 2 đã áp dụng khoán hộ (khoán sản phẩm nông nghiệp) thành công – Đây  là cơ sở thực tiễn cho ra đời Chỉ thị 100-CT/TW và Nghị quyết 10 năm 1988 hay còn gọi là “Khoán 10”  – trao quyền sử dụng ruộng đất cho nông dân. Cùng với đó là nhiều hình ảnh, hiện vật có ý nghĩa khác gắn liền với Hải Phòng giai đoạn đó.

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, với sự nhạy bén, chủ động, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong chỉ đạo, điều hành, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Bộ mặt đô thị tương đối hiện đại, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; hội nhập ngày càng nhanh và sâu với khu vực và thế giới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ nét, quốc phòng – an ninh được đảm bảo. Những kết quả đó được thể hiện rõ nét tại phòng trưng bày qua các tư liệu quý giá mà Bảo tàng Hải Phòng sưu tầm được để gửi đến người xem.

Huyền Trâm – Báo Hải Phòng ngày 22/05/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More