Đổi mới, đột phá công tác cán bộ tại Hải Phòng Phẩm chất đạo đức và nhiệt huyết là yếu tố quyết định

Kỳ cuối: Hướng tới mục tiêu hoàn thiện bộ máy, đội ngũ

 

Sự đổi mới của Đảng bộ Hải Phòng trong công tác cán bộ, kiện toàn các chức danh, bố trí, sắp xếp đúng người, đúng việc, khơi dậy nhiệt huyết, lòng say mê, dám dấn thân vì sự nghiệp chung đã mang lại kết quả vượt bậc. 3 năm qua, Hải Phòng vươn lên trở thành địa phương đi đầu cả nước về phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất cả nước, đạt từ 11- 16%/năm; phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra cho tới năm 2020 được hoàn thành từ năm 2018. Hải Phòng là một biểu tượng mới về sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát triển mạnh mẽ, đột phá, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trên nền tảng đó, Hải Phòng tiếp tục đặt ra những mục tiêu lớn lao hơn cho những năm tiếp theo và xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, đủ tầm để thực hiện.

Sự đổi mới trong công tác cán bộ góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới tại ngoại thành Hải Phòng.

 

 

Tạo điều kiện, môi trường để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Cụ thể hóa NQ 26 của Ban chấp hành Trung ương (khóa 12), Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xây dựng kế hoạch chi tiết với mục tiêu tạo đột phá trong công tác cán bộ. Theo đó, Hải Phòng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cùng với đó, Hải Phòng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đây là việc Hải Phòng đã thực hiện thành công từ gần 3 năm qua, thực sự là thước đo đánh giá năng lực, đạo đức cán bộ. Khi được phân cấp, phân quyền và kiểm chứng qua kết quả thực hiện nhiệm vụ, có thể thấy cán bộ giỏi, cán bộ còn hạn chế, cán bộ năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, dám làm, cán bộ đùn đẩy, né tránh… đều thể  hiện khá rõ. Đây là cơ sở quan trọng để nhìn nhận, đánh giá cán bộ chính xác, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ hợp lý, khiến người trong cuộc “tâm phục khẩu phục” trong những năm qua. Vì vậy, thời gian tới, Đảng bộ Hải Phòng chủ trương tăng cường hơn nữa cơ chế này để chọn ra được những cán bộ có đủ tâm, tầm, tài gánh vác nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Gắn kết chặt chẽ giữa tinh thần đổi mới của NQ 26 với thực tế Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng chủ trương đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không có chạy chức, chạy quyền. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo tiếp tục cải cách mạnh mẽ chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh, thu hút trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đột phá đó, 3 năm 2018- 2020 Hải Phòng tiếp tục thực hiện rất nhiều công việc cụ thể. Từ năm 2018, Hải Phòng sẽ thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện phân cấp theo hướng mở rộng thi tuyển cạnh tranh lành mạnh, công khai, dân chủ; có cơ chế, chính sách trọng dụng, ưu đãi để xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực và cán bộ khoa học- công nghệ trẻ tài năng; phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong học sinh, sinh viên thành phố để tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ trong những năm tới. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cốt lõi khác về công tác cán bộ đã được Ban Thường vụ Thành ủy hoạch định theo hướng rất cởi mở, sáng tạo, thông thoáng, xóa bỏ những băn khoăn tồn tại lâu nay về “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ”, từng bước chấm dứt hiện tượng chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ… Hải Phòng sẽ cụ thể hóa quy định của Trung ương, xây dựng chính sách riêng của thành phố: Thu hút nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay nước ngoài; đổi mới công tác đánh giá cán bộ; tạo điều kiện để cán bộ trẻ, cán bộ nữ có cơ hội rèn luyện, phát triển và đảm nhiệm những vị trí phù hợp; có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ có bản lĩnh, có năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ. Cụ thể hóa cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thực hiện thí điểm giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng là cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình… Hải Phòng dự kiến thực hiện chủ trương là này từ năm 2019 và hy vọng đây là bước đột phá quan trọng về công tác cán bộ. Và như thế, các quy hoạch về công tác cán bộ sẽ rất linh động, theo sát thực tế, không phải bất di bất dịch mà sẽ “có lên có xuống”, “có vào, có ra”, buộc mỗi cán bộ phải không ngừng nỗ lực rèn luyện phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Song song với đó là những quy định rất cụ thể, rất khả thi về kiểm tra, giám sát cán bộ; kiểm soát quyền lực; để cán bộ gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của người dân, nhất là về đạo đức, lối sống…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được đặc biệt chú trọng, quan tâm, nhất là đào tạo ngoại ngữ; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống theo quan điểm lấy đức là gốc, không có đức thì không dùng; có đức rồi thì phải chú trọng cả tài năng, để đạo đức bảo đảm cho tài năng được vận hành đúng phương hướng, mang lại giá trị tốt đẹp đối với Đảng, cho đất nước, cho nhân dân; tài năng bảo đảm để làm việc hiệu quả cao, nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

 

Đặc biệt, trong năm 2019, Hải Phòng xúc tiến triển khai xây dựng quy hoạch đất ở, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức cả trước mắt và lâu dài, nghiên cứu xây dựng chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đây được cho là động thái rất tích cực, được đội ngũ cán bộ, đảng viên rất hoan nghênh, là động lực quan trọng để họ nỗ lực phấn đấu và yên tâm công tác, cống hiến.

 

 

Kiểm soát chặt chẽ, siết chặt kỷ cương đi liền với khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của cán bộ

Có thể thấy, Hải Phòng rất quyết tâm và thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong công tác cán bộ. Điều này đã được kiểm chứng trong 3 năm qua khi mỗi vị trí cán bộ đều được chọn lựa đúng người, đúng việc, phát huy hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với những điểm mới có tính chất đột phá về công tác cán bộ những năm tới theo tinh thần NQ 26 của Ban chấp hành Trung ương (khóa 12) mang nét riêng của Hải Phòng, chắc chắn Hải Phòng sẽ có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, thực hiện thắng lợi NQ 12 của Đảng, NQ 15 của Đảng bộ thành phố và đưa thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới, tăng tốc mạnh mẽ hơn trong những năm 2020- 2030, định hướng tới năm 2045, xứng đáng với vị thế của thành phố lớn thứ ba cả nước, phát huy vai trò động lực phát triển của cả vùng, đáp ứng sự mong đợi của Trung ương và người dân thành phố. 

Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, còn có không ít băn khoăn trăn trở. 15 năm qua, thực hiện NQ 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, Hải Phòng đã có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, có chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực; đội ngũ cán bộ trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở tổng kết NQ 32,  Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để Hải Phòng sớm trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, thịnh vượng và đáng sống trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, Hải Phòng đang mong chờ nghị quyết mới của Bộ Chính trị sớm được ban hành để từ đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ tâm, tầm, tài để gánh vác những trọng trách lớn lao của thành phố, thực hiện bằng được những mục tiêu, định hướng mà nghị quyết đề ra. Và để khuyến khích, động viên, để tạo động lực phấn đấu, với vai trò, vị thế của Hải Phòng, thành phố đề nghị Trung ương cho phép HĐND thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 1,7 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Cùng với đó, mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt cũng cần được giao cho thành phố quyết định dựa trên khả năng thực tế.

Cùng cả nước, Hải Phòng đang đẩy nhanh quá trình thực hiện NQ 18, NQ 19 (khóa 12). Đảng bộ thành phố đã xác định và tổ chức quán triệt rất kỹ tới các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và khẳng định đây là 2 NQ rất quan trọng, sẽ góp phần làm chuyển biến căn bản, toàn diện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của mỗi địa phương và đất nước. Trong năm 2018, Hải Phòng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy là liên quan tới cán bộ, tới con người nên đây cũng  là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tiếp tục cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện. Theo lãnh đạo các địa phương đã thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy như quận Hồng Bàng, huyện An Dương.., Trung ương cần sửa đổi cơ chế chính sách tiền lương, phụ cấp để sau khi sáp nhập công chức khối Đảng và công chức khối chính quyền có cùng mức phụ cấp như nhau (hiện nay, công chức khối Đảng hưởng phụ cấp 30%, công chức khối chính quyền không có phụ cấp). Việc sửa đổi một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số quy chế để hợp nhất các đơn vị theo tinh thần NQ 18 cũng cần phải có kế hoạch cụ thể để sớm triển khai, phát huy tính đồng bộ, hiệu quả.

Tinh thần đổi mới về công tác cán bộ của NQ 26 đã rất rõ và đã được cụ thể hóa bằng kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Trong đó, việc thực hiện thí điểm một số chủ trương về công tác cán bộ như  mở rộng thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; giao người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch; nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã; cấp trên bổ nhiệm Chủ tịch UBND quận, phường, thị trấn… đã được gợi mở và quyết tâm thực hiện, nhưng vẫn  cần có các quy định chi tiết, cụ thể để bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy về công tác cán bộ.

Hiện nay, theo quy định của Trung ương, mỗi sở, ngành đơn vị được bố trí 3 cấp phó. Tuy nhiên, quy mô, tính chất, nhiệm vụ, khối lượng công việc của các đơn vị khác nhau. Thực tế tại Hải Phòng, có sở, ngành bố trí 3 cấp phó không đủ để giải quyết công việc, trong khi có sở, ngành lại không cần thiết đến 3 cấp phó. Vì vậy, Hải Phòng đề nghị Trung ương xem xét, ban hành quy định khung số lượng cấp phó các sở, ngành, đơn vị trên cơ sở tổng số cấp phó được giao, phân cấp Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy quyết định số lượng cấp phó của mỗi cơ quan, đơn vị cụ thể, nhưng không vượt tổng số cấp phó theo khung quy định, để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn.

 

Theo đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, trong công tác cán bộ, việc thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ sự phát triển và bảo vệ cán bộ là rất cần thiết. Hiện các quy định về kỷ cương, kỷ luật khá đầy đủ, chặt chẽ, nhưng song song với đó, các cơ chế để khuyến khích đổi mới, sáng tạo cũng rất cần sớm được ban hành. Đây cũng là nền tảng và động lực để cán bộ tâm huyết, đổi mới tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Mặt khác, chủ trương nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, phường, xã đã rõ và được các địa phương, trong đó có Hải Phòng tích cực hưởng ứng, thực hiện. Tuy nhiên, Trung ương cũng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ đồng thời đảm nhiệm 2 chức danh trên để phù hợp khi thực hiện mô hình này.

Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi. Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 về  chính sách tinh giản biên chế. Tuy nhiên, để đáp ứng nguyện vọng của nhiều cán bộ, công chức đăng ký nghỉ trước tuổi, Ban Thường vụ Thành ủy đã cơ bản nhất trí thông qua cơ chế hỗ trợ thêm một lần nữa so với quy định của Nghị định 108 bằng nguồn ngân sách địa phương. Đây cũng là một trong những giải pháp để có điều kiện sắp xếp, bố trí cán bộ, đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn phải xin ý kiến các bộ, ngành và phải chờ đợi một thời gian thẩm định khá dài, ảnh hưởng tới tiến trình tinh giản biên chế và công tác cán bộ, nhất là cán bộ thay thế đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài cho những năm sau tại các cơ quan có lãnh đạo (cấp trưởng hoặc cấp phó) xin nghỉ trước tuổi.  

Có thể nói, các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ là rõ ràng. Nhưng đi kèm với đó phải là các cơ chế chính sách cụ thể từ Trung ương để từ đó các địa phương, trong đó có Hải Phòng, vận dụng, áp dụng phù hợp với thực tế, đặc thù riêng để các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ được đưa vào cuộc sống một cách sinh động, hiệu quả. Các cơ chế chính sách này cũng cần phải nhanh nhạy, tức thời, phù hợp với các nội dung nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ mới bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, để đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hiện nay, theo quy định của Trung ương, mỗi sở, ngành đơn vị được bố trí 3 cấp phó. Tuy nhiên, quy mô, tính chất, nhiệm vụ, khối lượng công việc của các đơn vị khác nhau. Thực tế tại Hải Phòng, có sở, ngành bố trí 3 cấp phó không đủ để giải quyết công việc, trong khi có sở, ngành lại không cần thiết đến 3 cấp phó. Vì vậy, Hải Phòng đề nghị Trung ương xem xét, ban hành quy định khung số lượng cấp phó các sở, ngành, đơn vị trên cơ sở tổng số cấp phó được giao, phân cấp Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy quyết định số lượng cấp phó của mỗi cơ quan, đơn vị cụ thể, nhưng không vượt tổng số cấp phó theo khung quy định, để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn.

 

 

Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 20/10/2018

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More