Những xe hoạt động kinh doanh vận tải đã đăng ký trước ngày 1/8/2020 sẽ phải đổi biển số theo qui định tại thông tư trên trước ngày 31/12/2021. Lộ trình đổi biển được thực hiện trong gần một năm rưỡi.
* Hơn 820 nghìn phương tiện phải đổi biển
Thời gian qua, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã gặp nhiều khó khăn, bất cập. Một số lái xe taxi gắn phù hiệu (taxi giả) để đón khách tại các bến xe, nhà ga, thu tiền không đúng quy định, gây bức xúc cho hành khách. Nhiều chủ phương tiện có xe hợp đồng không thực hiện dán phù hiệu khi vận chuyển hàng hóa, hành khách.
Bên cạnh đó, nhiều xe hoạt động dưới chiêu thức là xe hợp đồng, nhưng lại chạy như tuyến cố định, không vào bến và cất phù hiệu chạy thẳng vào các trung tâm thành phố để tổ chức đón, trả khách… Những hành vi này đã gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xử lý thông qua hệ thống giám sát bằng hình ảnh đối với xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi hoạt động kinh doanh vận tải.
Từ thực tế trên, nhiều đơn vị có hoạt động kinh doanh vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an quy định đăng ký cho các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có màu biển số riêng, tránh sự lừa gạt, kinh doanh gian dối, tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc, tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019÷2021, trong đó có nêu, Bộ Công an bổ sung quy định liên quan đến đăng ký xe để bảo đảm nâng cao hơn nữa hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông; màu biển kiểm soát xe ô tô phân biệt khác nhau giữa xe thuộc cơ quan nhà nước, xe cá nhân, xe kinh doanh, xe không kinh doanh…, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2020).
Theo thống kê, hiện có khoảng 1,6 triệu phương tiện xe khách, xe tải đang đăng ký qua cơ quan Công an, nhưng trong số này, có những xe không sử dụng kinh doanh vận tải mà chỉ để phục vụ nội bộ doanh nghiệp hoặc gia đình thì không phải đổi biển. Số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đến ngày 15/7, chỉ có 820.882 xe thuộc đối tượng đang hoạt động kinh doanh vận tải, như vậy, những xe này sẽ phải đổi sang biển màu vàng theo lộ trình đến hết ngày 31/12/2021.
Theo Thông tư 58, chủ xe có thể lựa chọn theo hai hình thức là giữ nguyên số biển số cũ hoặc bấm chọn biển số mới. Trường hợp chủ xe có đăng ký, biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen, nhưng không hoạt động kinh doanh vận tải, nếu có nhu cầu sẽ được cơ quan đăng ký xe đổi lại theo quy định.
Với mức lệ phí quy định là 100.000 đồng/lần đổi biển, tổng kinh phí cho đợt đổi biển đối với xe kinh doanh vận tải trong đợt này là hơn 82 tỷ đồng. Mức thu lệ phí phát sinh không lớn nhưng đem lại sự công bằng cho doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp vì vẫn giữ số biển số cũ.
* Cải cách quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân
Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, thủ tục đổi biển số xe khá đơn giản. Đối với các trường hợp xe đã đăng ký trước đây có biển số nền trắng sẽ đổi sang biển nền vàng, Bộ Công an đã chủ động phối hợp các bên liên quan để nắm tình hình các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình đổi biển và đưa ra một quy trình thuận tiện, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, không làm phát sinh những thủ tục phải thay đổi như thế chấp, phí cầu đường, kiểm định…
Theo đó, các đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu đổi biển chỉ cần thông báo danh sách các phương tiện đổi biển số, có đề nghị đến các cơ quan đăng ký, Phòng Cảnh sát giao thông hẹn thời gian trả kết quả, đến thời hạn chủ phương tiện nộp lại biển số cũ và nhận lại ngay biển số mới, không phải mang xe ô-tô đến cơ quan Công an để kiểm tra, không phải cà số máy, số khung.
Phương tiện vẫn hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và các quy định khác. Các cơ quan đăng ký sẽ cập nhật trên dữ liệu hệ thống hiện nay đang quản lý và sẽ tiến hành thực hiện việc đổi biển số cho doanh nghiệp đó bằng cách giữ nguyên số cũ, chỉ đổi màu nền biển và không phải đổi đăng ký xe.
Bộ Công an sẽ chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp rà soát, tiến hành đổi biển và có thể tiếp nhận hồ sơ từ cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở đó, các phương tiện được hẹn lịch để đổi biển sao cho thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không mất thời gian và không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của phương tiện.
Thông tư số 58/2020/TT-BCA ra đời được kỳ vọng sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nâng cao năng lực quản lý các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải, xóa bỏ nhức nhối về tình trạng xe dù, bến cóc, thuận lợi cho công tác điều hành, tổ chức, hướng dẫn giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm, từ đó giúp cơ quan quản lý đánh giá được tác động của hạ tầng cũng như công tác điều hành tổ chức giao thông sao cho hợp lý nhất, tránh ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đồng thời, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch trong các loại hình kinh doanh vận tải, tránh thất thu thuế cho nhà nước./.
Chu Thanh Vân/TTXVN
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More