Print Thứ Bảy, 25/05/2019 15:19

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc bắt đầu từ tháng 3-2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một Bản ghi nhớ áp đặt mức thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ đó đến nay, dù đã có một số cuộc đàm phán nhằm tìm ra tiếng nói chung, nhưng qua nhiều lần “nâng lên đặt xuống, lời qua tiếng lại”, gần như không đem đến kết quả tích cực.

                                                                               

(Ảnh minh họa)

Góc nhìn vĩ mô

Việt Nam là nước đang phát triển, có quan hệ song phương quy mô lớn với cả Mỹ và Trung Quốc. Chính vì vậy, cuộc đối đầu thương mại Mỹ –  Trung nhận được sự quan tâm lớn từ Việt Nam, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.

Có quan điểm lạc quan cho rằng, Mỹ đang là thị trường hấp dẫn, nên khi xảy ra tranh chấp thương mại giữa với Trung Quốc, sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận thị trường này. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất nhập khẩu sẽ diễn ra mạnh mẽ, trong điều kiện đó Việt Nam cũng có thể trở thành điểm đến của nhiều luồng sản phẩm trung chuyển, để tránh mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Nghĩa là các doanh nghiệp có sản phẩm tương đồng với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, sẽ chiếm giữ khoảng trống trong thị phần nước Mỹ do tranh chấp thương mại gây ra.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam phải hết sức thận trọng trước hậu quả xung đột thương mại Mỹ – Trung. Theo đó, Bộ Công thương lưu ý, việc trước mắt là phải đánh giá đầy đủ về chiều sâu ảnh hưởng. Trong đó chính sách tạm nhập tái xuất Việt Nam đang áp dụng, rất có thể sẽ chịu tác động trực tiếp, chưa kể nguy cơ hàng hóa Trung Quốc thay cho việc đưa sang Mỹ, sẽ tràn vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa trong nước.

Đương nhiên, Hải Phònglà địa phương sở hữu cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, qua hệ thống dịch vụ cảng biển và các phân ngành kinh tế liên quan, đồng thời cũng thuộc nhóm đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, nên trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nếu có ảnh hưởng thì Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương chịu tác động lớn nhất, bao gồm cả yếu tố tiêu cực lẫn tích cực.

Về tích cực, thứ nhất Hải Phòng có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, trong đó có nhiều nhóm sản phẩm tương đồng với hàng hóa của Trung Quốc xuất vào Mỹ; thứ hai Hải Phòng đang nổi lên là một địa phương thu hút vốn FDI hấp dẫn, nếu kịch bản làn sóng đầu tư FDI rút khỏi Trung Quốc, sẽ tạo nhiều cơ hội cho Hải Phong nói riêng và Việt Nam nói chung; thứ ba trong trường hợp hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam, Hải Phòng với vị thế cửa ngõ ngoại thương, sẽ có thêm nhiều dịch vụ phát triển.

Gia công giày xuất khẩu tại Hải Phòng

Dấu hiệu đã hiển hiện

Theo số liệu thống kê, trong những tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu từ Hải Phòng gia tăng rất lớn. Cụ thể, tính đến hết tháng 4 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3.144,5 triệu USD, tăng 25,37% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khu vực vốn FDI vẫn có tỷ trọng lớn nhất với 2.392,1 USD, chiếm tới 76% tổng mức và tăng trưởng tới 27,24%. Mặc dù chưa có kiểm chứng cụ thể lý do tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thời gian gần đây có liên quan đến tranh chấp thương mại Mỹ  – Trung hay không, nhưng cũng không loại trừ khả năng đó là hiện thực.

Trong khi đó, diễn biến ở khu vực sản xuất có phần rõ nét hơn. Cũng theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố tăng 23,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng cao với mức tăng 26,30%. Đi vào chi tiết thì nhiều chỉ số sản xuất của các doanh nghiệp FDI cũng tăng rất ngoạn mục, đơn cử 3 doanh nghiệp thuộc tập đoàn LG trong 4 tháng đóng góp cho ngành công nghiệp thành phố hơn 40 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 43%. Báo cáo thống kê cũng đã khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới kết quả trên là do lượng đơn hàng dồi dào từ các nhà máy tại Trung Quốc chuyển sang. 

Rõ ràng, dấu hiệu ảnh hưởng từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ – Trung đang hiển hiện, mà Hải Phòng như là một hình ảnh phản chiếu cho cả nước. Cơ hội đã phát lộ, nhưng nhìn về dài hạn chưa hẳn đã mãn nguyện, bởi thực tế đã minh chứng, các xung đột kinh tế dù căng thẳng đến đâu cũng đến lúc phải kết thúc. Kể cả nhìn vào thực tại, như đã nêu ở trên, chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhưng tỷ trọng lớn vẫn nằm trong khu vực vốn FDI. Cho thấy tính phụ thuộc rất lớn vào đầu tư nước ngoài của nền kinh tế, bên cạnh thuận lợi cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi chính sách thương mại quốc tế biến động.

So với Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam có nhiều nét tương đồng, tăng trưởng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, hàng hóa xuất nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào gia công, việc làm chủ công nghệ và kiểm soát thị trường ngoài nước còn yếu, nguồn đầu tư cũng chịu nhiều sự chi phối từ nước ngoài. Tính đến thời điểm này thành phố có 636 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 17.147,5 triệu USD. Vấn đề đặt ra là dù tăng trưởng mạnh, nhưng giá trị gia tăng không cao, đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào ngân sách chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Trong khi một lượng không nhỏ nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ gia công phải nhập từ Trung Quốc. Như vậy, khi xuất xứ gặp vấn đề, rất có thể hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó từ các chính sách của Mỹ.

Ở một góc nhìn khác, trong trường hợp dòng chảy hàng hóa từ Trung Quốc gia tăng vào Việt Nam, thì Hải Phòng với vị thế cửa ngõ 5 dạng hình giao thông sẽ là nơi tiếp nhận sôi động. Hoàn cảnh này sẽ làm phát sinh các nguy cơ về quản lý xuất nhập khẩu tiểu ngạch, về hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Chưa kể về dịch vụ, tranh chấp thương  mại sẽ tác động trực tiếp đến lưu lượng hàng hóa, chính sách thu nhập của dạng hàng tạm nhập tái xuất, vốn dĩ chiếm tỷ lệ rất lớn qua hệ thống dịch vụ cảng Hải Phòng.

Vẫn biết trong cuộc “tranh tối, tranh sáng” của hai nền kinh tế lớn, Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung sẽ có nhiều mảng hưởng lợi. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, các cuộc tranh chấp thương mại thường bao hàm phạm vi rộng, thậm chí tạo ra sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu. Vì vậy chúng ta cũng không thể chủ quan, mà cần có biện pháp chủ động để ứng phó.

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đối đầu thương mại Mỹ – Trung:  Cơ hội và thách thức cho hàng hóa xuất khẩu Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác