Print Thứ bảy, 16/01/2021 11:30 Gốc

Vừa qua, Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố và CLB Hải Phòng học đã tổ chức Hội thảo “Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà-Những đóng góp to lớn của Ông và gia đình cho đất nước và thành phố Hải Phòng”. Đây cũng là lần thứ 3 hội thảo về doanh nhân Sơn Hà được tổ chức cho thấy cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp, cống hiến của ông cho đất nước và thành phố luôn được các nhà doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân dành tình yêu mến, kính trọng.

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894, mất năm 1980, cuộc đời và sự nghiệp của ông trải dài suốt một giai đoạn lịch sử đầy đau thương và hào hùng của dân tộc ta, từ khi đất nước còn dưới ách thống trị của thực dân phong kiến đến khi giành độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ thưở hàn vi, sau khi cha mất, ông đi làm thuê cho một chủ hãng sơn Testudo của Pháp rồi sau một thời gian mày mò học hỏi kinh nghiệm, vào năm 1920 ông quyết tâm mở hãng sơn GEKCO với sản phẩm sơn RÉSISTANCO (có nghĩa là bền, chắc), cạnh tranh với chính các hãng sơn mà ông từng là người làm thuê.

Mặc dù bị các đối thủ Pháp cùng ngành nghề coi thường nhưng do sản phẩm của ông nhanh khô, bề, bóng, đẹp và giá cả cạnh tranh nên thị trường ngày càng mở rộng, thậm chí hãng còn có đại lý ở nước ngoài như Băng Cốc, Phnôm Pênh và cả ở Paris.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bọn chủ Pháp dựa vào chính quyền thực dân, rồi ngay cả chính quyền thực dân cũng đã dùng mọi thủ đoạn đểu cáng, đê hèn như đổ cho hãng mua hàng của kẻ cắp, phạt vạ, thậm chí là di dời cơ sở sản xuất đi nơi khác, lấy lý do là để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân ở xung quanh, song với nhiều cách đấu lý, hãng sơn vẫn duy trì sản xuất và ngày càng phát triển.

Đây là lần thứ 3 Hải Phòng tổ chức Hội thảo về Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà.

Một bài học kinh nghiệm của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà mà đến thời đại hôm nay giới doanh nghiệp vẫn phải học hỏi để vượt qua thử thách của dịch Covid-19 đó là chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại. Thời đó, nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập từ Pháp. Để vượt lên trên sự kìm hãm rồi chèn ép của tư bản ngoại bang, ông đã mua đồn điền để trồng chẩu lấy dầu, ký hợp đồng mua dầu thông dài hạn, xin khai thác mở đá màu, mở sét xanh, sét trắng, vàng đỏ… để phục vụ sản xuất. Theo ông sự chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước không chỉ khơi dậy tiềm năng của Tổ quốc mà còn mang lại công ăn việc làm cho người dân mình

Dày công nghiên cứu, nhà sử học Dương Trung Quốc-Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã nhận xét chí lý rằng: Bên cạnh cái chí muốn vươn lên làm giàu cho gia đình, dòng tộc thì cụ Nguyễn Sơn Hà còn thành đạt nhờ cái chí muốn lập đạo làm giàu, có ích cho đất nước.

Hãng sơn phát triển, sự nghiệp thành đạt, nhưng không dừng ở đó, với doanh nhân Nguyễn Sơn Hà thì luôn đau đáu làm gì cho quê hương, đất nước, cho cách mạng, cho đông đảo người dân còn đang thiếu thốn, khó khăn mới là phẩm giá, đạo đức, danh dự của một con người. Ông từng nói: “Ăn no, mặc lành là tốt. Nhưng quan trọng là danh dự con người. Ăn no mà không có danh dự thì con người cũng như con gà, con vịt, chết đi cũng được”.

Cũng chính vì điều đó theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã bỏ lại tất cả tài sản ở Hải Phòng để đi theo kháng chiến. Tại căn cứ kháng chiến, ngoài việc gương mẫu, hô hào bà con thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất làm ra lúa, ngô, khoai sắn thì ông Nguyễn Sơn Hà còn nghiên cứu chế tạo áo đi mưa, thuốc ho, làm lương khô cho quân đội… Hưởng ứng lời kêu gọi “Tuần lễ vàng”, gia đình ông đã đóng góp nhiều nhất ở thành phố Hải Phòng với hàng vạn Đông Dương và hơn 10,5kg vàng. Khi thấy quá nhiều trẻ em chết đói, ông đã lập ra Trường dục Anh ở số 46 Lạch Tray để nuôi dạy 400 trẻ mồ côi và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì những đứa trẻ này đã lớn lên, tham gia kháng chiến, trở thành những cán bộ cách mạng.

Trong lịch sử, cũng hiếm có doanh nhân nào được nhân dân yêu mến, tin tưởng như ông Nguyễn Sơn Hà. Ông liên tục tham gia làm đại biểu Quốc hội từ khóa 1 đến khóa 5. Các vấn đề ông đưa ra tại các kỳ họp đều được phân tích một cách sâu sắc, biện chứng như vấn đề cải cách ruộng đất, bất cập về độ sâu luồng của cảng Hải Phòng, coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, làm chủ khoa học-công nghệ…

Thế nhưng tại Bắc bộ phủ, khi đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ giao cho ông Nguyễn Sơn Hà đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế thì sau vài đêm suy nghĩ ông đã viết thư khước từ bởi “tự xét thấy mình học ít, tài sơ nên không dám đảm nhận chứ vụ to lớn quá, ngoài sức mình, sợ sau này ảnh hưởng đến những vấn đề quốc kế dân sinh”. Có thể thấy ông đã không màng danh lợi và là người biết suy xét cái được cái mất giữa cá nhân mình và Tổ Quốc.

Tri ân những đóng góp của ông với đất nước, không chỉ Hải Phòng mà ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều có đường mang tên Nguyễn Sơn Hà để vinh danh một nhà doanh nhân yêu nước, tiêu biểu của Việt Nam.

Kim Oanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà-Còn mãi với thời gian
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác