Để giải bài toán khó trong hoạt động xử lý rác thải ở ngoại thành đang quá tải, các doanh nghiệp mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ phù hợp, người dân hợp tác, ủng hộ…
Thiết bị lạc hậu, thu không đủ chi
Theo báo cáo đánh giá của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên-Môi trường) Hải Phòng, phần lớn các doanh nghiệp được thành phố giao nhiệm vụ vận hành lò đốt rác thải ở ngoại thành hoạt động rất khó khăn vì công nghệ lò đốt lạc hậu, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận trung bình tại các lò đốt quy mô rất nhỏ 8 tấn/ngày, cơ sở vật chất lò đốt rác thải được đầu tư lâu ngày không cải tạo nên xuống cấp nghiêm trọng.
Ở xã Quốc Tuấn (huyện An Lão), Chủ tịch UBND xã Văn Đức Thặng cho biết, từ cuối năm 2018 về trước, việc quản lý, vận hành lò đốt rác thải ở địa phương được giao cho Công ty TNHH Hoàng Long, song hoạt động không hiệu quả, người dân địa phương thường xuyên phản ánh về tình trạng ô nhiễm. Đến cuối năm 2018, doanh nghiệp này bỏ hoạt động. Từ đầu năm 2019 đến nay, xã Quốc Tuấn giao việc quản lý và vận hành lò đốt rác cho doanh nghiệp tư nhân của ông Đỗ Văn Thuyết. Tuy nhiên, ông Thuyết cho rằng, việc vận hành, xử lý lò đốt rác hiện gặp nhiều khó khăn do hệ thống lò đốt rác được doanh nghiệp đi trước chuyển giao lại đã cũ, công nghệ lạc hậu nên hay bị hỏng đột xuất khiến việc xử lý rác bị ngừng trệ, chậm so với yêu cầu.
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Duy Dương đánh giá, hiện doanh nghiệp xử lý rác thải ở ngoại thành hoạt động khó khăn bởi eo hẹp kinh phí. Nhiều xã hạn chế kinh phí cho việc xử lý và thu gom rác thải nên doanh nghiệp được giao nhiệm vụ xử lý rác thải không có điều kiện để phát huy hết năng lực, trách nhiệm. Theo Giám đốc HTX Thành Vinh Đoàn Thị Mơ, hoạt động trong lĩnh vực này, số kinh phí doanh nghiệp nhận được của xã hỗ trợ hằng tháng chỉ đủ trả lương công nhân; doanh nghiệp không có điều kiện nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất. Do vậy lò đốt rác thải, các trang thiết bị phục vụ xử lý rác đều xuống cấp, khó bảo đảm hoạt động ổn định, lâu dài…
Mong được tạo điều kiện để bảo đảm hoạt động
Các doanh nghiệp xử lý rác thải ở ngoại thành hiện chủ yếu nhận hỗ trợ thỏa thuận với xã theo hình thức khoán, không theo khối lượng rác xử lý thực tế, Giám đốc Công ty TNHH Phú Hưng Trần Chí Đức cho rằng, nếu không có đơn giá cụ thể cho doanh nghiệp xử lý rác thải, khó doanh nghiệp nào hoạt động có lãi. Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ làm được thời gian ngắn, phải bù lỗ nhiều sẽ tự bỏ nghề. Vì vậy, thời gian tới, cần có đơn giá cụ thể cho việc xử lý rác thải ở ngoại thành mới khuyến khích được doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Một số doanh nghiệp hiện đang vận hành các lò đốt rác tại ngoại thành được thành phố đầu tư bày tỏ mong muốn sớm có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong quản lý, vận hành. Nếu vẫn sử dụng công nghệ cũ, tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thành phố khảo sát, nếu công nghệ cũ không còn phù hợp, đề nghị đầu tư công nghệ mới áp dụng cho các lò đốt rác.
Các doanh nghiệp xử lý rác thải ở ngoại thành theo hướng chôn lấp đề nghị chính quyền địa phương hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động. Các xã quy hoạch các bãi rác tạm phải bảo đảm quy mô, diện tích để có thể xử lý lượng rác ngày càng lớn.
Doanh nghiệp cũng mong muốn được người dân hợp tác, ủng hộ hơn trong việc xử lý rác thải. Hiện nay, người dân có thể phân loại từng loại rác thải đầu nguồn sau đó tự ủ rác thải hữu cơ để làm phân bón ruộng, vườn; hằng ngày, chỉ đổ rác thải rắn và rác thải nhựa để thu gom đem đi xử lý. Với cách hợp tác này, sẽ giảm tải lượng rác thải cho doanh nghiệp phải xử lý. Về phía doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ cách thức ủ phân hữu cơ, đồng thời cung cấp hóa chất vi sinh giúp người dân ủ phân hữu cơ hiệu quả.
Bài và ảnh: Hương An