Print Thứ Sáu, 11/08/2023 10:55 Gốc

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) ra văn bản đình chỉ việc khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu của hàng loạt xe ô tô khách của các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách tuyến cố định. Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2023, xe của 6 DN không hoạt động trong 60 ngày liên tục. Là thành phố Cảng phát triển sôi động, với hàng nghìn chuyến xe khách/ngày, nhưng nay số xe chạy tuyến giảm gần một nửa là điều đáng báo động…

Hàng trăm xe khách dừng hoạt động

Tại cuộc họp do Sở GTVT tổ chức mới đây đánh giá về hoạt động vận tải hành khách và tình trạng “xe dù, bến cóc”, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng thông tin, từ hơn 500 xe khách được đăng ký chạy tuyến cố định, Hải Phòng hiện còn khoảng 300 xe hoạt động trên thực tế. Các bến xe như: Vĩnh Niệm, Thượng Lý, An Lão, Đồ Sơn… các xe khách chạy thường xuyên chủ yếu chạy đường dài, còn các tuyến ngắn, từng rất đông khách thì nay gần như tê liệt. Nguyên nhân của tình trạng này chính là có quá nhiều xe hợp đồng trá hình tham gia vận chuyển hành khách như tuyến cố định.

Theo Phó Ban quản lý Bến xe khách Vĩnh Niệm Nguyễn Mạnh Cường, hiện bến xe có hơn 200 chuyến/ngày, trong đó, tuyến Hải Phòng-Hà Nội và ngược lại chủ yếu là xe khách Hải Âu. Trước đó, năm 2021, một số DN đăng ký chạy tuyến Hải Phòng-Hà Nội tại bến xe Vĩnh Niệm, nhưng chỉ được vài ngày lại dừng hoạt động cho đến nay. Còn theo đại diện lãnh đạo Bến xe khách Thượng Lý, có thời điểm bến xe được lựa chọn cho tuyến đi Quảng Ninh, nhưng nay không còn chuyến nào. Song điều đáng bàn là, xe khách tuyến cố định thì đìu hiu, nhưng xe hợp đồng thì nhiều, nhấc điện thoại lên gọi là có ngay. Sự xuất hiện của loạt xe hợp đồng trá hình (chủ yếu là xe limousine) với các hình thức đưa đón tận nơi ảnh hưởng nhiều đến tuyến xe khách từng một thời đông đúc thứ nhì, chỉ sau tuyến đi Hà Nội. Trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng, nhiều DN vận tải hành khách tuyến cố định tại bến xe khách Vĩnh Niệm than thở: “Xe khách sẽ phải dừng hoạt động nếu còn xe “dù” hoành hành”.

Đặc trưng của xe khách cố định là hoạt động tuyến từ bến đến bến, có sự kiểm soát chặt chẽ về tuyến của các cơ quan chức năng, thậm chí cả về giá vé. Chỉ cần thu tăng thêm tiền vé hoặc xe chạy “xé rào” về tuyến, các xe khách cố định sẽ bị đình chỉ, nhưng xe hợp đồng thì thu tiền theo mức chi phí thực và “xé rào” thoải mái nếu trong cùng một địa phương. Như vậy có thể thấy, xe hợp đồng trá hình có lợi thế hơn xe khách cố định từ sự thuận tiện, giá cả và chất lượng phương tiện. Điều dễ nhận thấy là tuyến vận tải nào có hành khách đông là có sự xuất hiện của xe hợp đồng trá hình. Tuyến có nhiều xe hợp đồng trá hình hoạt động nhiều nhất hiện nay là Hải Phòng-Hà Nội và ngược lại với hàng trăm xe của hàng chục DN vận tải. Thậm chí có những cá nhân mua xe, gom khách chủ yếu là đưa đi khám bệnh tại Hà Nội, xuất phát tại Hải Phòng lúc 4-5 giờ sáng. Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nguyễn Đức Chi cho biết, có lần lực lượng Thanh tra tổ chức bắt xe vi phạm, nhưng lái xe thông tin cho nhau, nên chỉ phát hiện và xử lý được… 1 xe.

Khung cảnh đìu hiu vắng khách thường thấy tại các bến xe ở Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Phước.

Quản lý chặt, xử lý nghiêm xe hợp đồng

Trước tình hình hoạt động của xe limousine, tháng 11/2022, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép-xe tiện chuyến trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xe hợp đồng trá hình vẫn hoạt động nhộn nhịp, do các quy định, chế tài xử lý còn lỏng lẻo. Cụ thể, quá trình vận chuyển, chủ xe chỉ cần hợp đồng với khách hàng (hoặc có thể tự bịa nội dung hợp đồng), có thông tin về: Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc hợp đồng vận chuyển; địa chỉ điểm đầu, cuối, các điểm đón trả khách trên hành trình; cự ly hành trình vận chuyển, số lượng khách… gửi Sở GTVT qua thư điện tử là xong. Việc đặt chỗ có thể qua website, mạng xã hội hay gọi điện thoại… rất dễ dàng và người đi xe được đưa đón tận nhà. Phó Ban quản lý bến xe khách Vĩnh Niệm Nguyễn Mạnh Cường cho biết, xe limousine đang “làm mưa, làm gió” ở Hải Phòng, giờ đây hành khách đi xe tuyến cố định chủ yếu là người có thu nhập thấp và di chuyển trên hành trình dài.

Sau dịch bệnh COVID-19, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định có phục hồi, nhưng không thể phục hồi như trước do xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng nhiều. Hiện xe khách cố định chỉ còn khoảng dưới 300 chiếc hoạt động trên thực tế, nhưng xe hợp đồng đạt đến hơn 3.400 xe (tăng 2 lần so với trước năm 2020), trong đó có 166 xe limousine đăng ký loại hình xe hợp đồng. Ngoài ra, lượng xe limousine đăng ký ở các tỉnh, thành phố khác, hoạt động tại địa bàn Hải Phòng lên đến gần 100 xe. Nhiều xe trong đó đang hoạt động trá hình như xe tuyến cố định khiến vận tải hành khách cố định lao đao, nhiều DN phá sản, phải bán xe, các bến xe lâm vào tình trạng thua lỗ, nộp ngân sách bị ảnh hưởng…

Để từng bước xử lý “xe dù, bến cóc”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng Lê Văn Tiến cho rằng, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt, cần tuyên truyền, đấu tranh, tố giác các lái xe, nhà xe vi phạm, thậm chí tố giác một số cá nhân, đơn vị có biểu hiện dung túng cho các DN vi phạm. Cần huy động các hệ thống chính trị vào cuộc, coi việc quản lý xe hợp đồng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Mặt khác, cần tăng nặng các hình thức xử phạt, kết hợp với việc vận động lắp camera ở những khu vực trọng điểm và kết hợp các địa phương kiên quyết dẹp nạn “xe dù, bến cóc“, đưa hoạt động vận tải hành khách vào nền nếp./.

Quỳnh Chi

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định: Lao đao vì xe hợp đồng trá hình
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác