Theo số liệu thống kê, sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN – FDI), đến nay vốn ĐTNN vào Việt Nam đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động ĐTNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới mà đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.
Trước tình hình đó, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030”. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời kỳ mới.
Hợp tác thay vì chỉ thu hút
Ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tại tọa đàm: Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, diễn ra ngày 7/9: Sau 30 năm, thế và lực của đất nước ta có nhiều thay đổi. Đã đến thời điểm chúng ta cần ưu tiên lựa chọn những DN, dự án phù hợp về mặt khoa học, công nghệ.
Chính vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đã đưa ra những định hướng chủ trương về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này.
“Đặc biệt, Nghị quyết đã sử dụng chữ “hợp tác” chứ không phải thu hút và sử dụng. Nó thể hiện sự bình đẳng, chủ động của chúng ta trong làm việc với các đối tác nước ngoài và đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đầu tư vào Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Đánh giá về hiệu quả của vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế trong thời gian qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng còn “chưa tương xứng”. Theo ông Vũ Tiến Lộc, số liên doanh với DN Việt Nam chỉ chiếm 2 phần trong 10 phần của FDI. Giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam là tương đối thấp.
“Trong các FDI cũng có sự chuyển giá, có hiện tượng gian lận thương mại, chúng ta phải có những biện pháp rất chuyên nghiệp, quyết liệt để có thể khắc phục trong thời gian tới”, Chủ tịch VCCI cho biết; đồng thời nêu rõ, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã định hướng cho hệ thống thể chế pháp luật, định hướng dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng tình với nhận định trên, ông Vũ Đại Thắng cho biết: Nghị quyết 50 cũng có đề cập đến vấn đề đảm bảo tính kết nối liên thông giữa đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước là một yêu cầu rất bắt buộc và cũng chỉ ra những định hướng rất rõ ràng.
Ngoài việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, khuyến khích DN nước ngoài mua hàng hóa của DN trong nước, Bộ Chính trị cũng chỉ ra những giải pháp hỗ trợ DN trong nước.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư của nguồn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới chúng ta đặt ở mức khoảng từ 20 – 25% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Đây là mức độ rất vừa phải, bảo đảm tính an ninh của nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Hạn chế tình trạng vốn ảo
Số liệu thống kê cũng cho thấy, mức thực hiện giải ngân dành cho đầu tư công và ODA trên vốn đăng ký đầu tư khoảng 56%. Có nghĩa trong 350 tỷ USD đã được đăng ký đầu tư vào Việt Nam, có khoảng xấp xỉ trên 180 tỷ USD đã trực tiếp bơm vào trong nền kinh tế nước ta, vẫn còn dư địa khoảng trên 180 tỷ USD chưa được thực hiện.
Lý giải về thực trạng trên, ông Vũ Đại Thắng nêu, nhiều dự án rơi vào độ trễ về đầu tư xây dựng, nhiều dự án có vốn ảo, đăng ký lớn nhưng thực hiện nhỏ. Đặc biệt là những dự án bất động sản.
“Với những chính sách liên quan đến giám sát, quản lý đầu tư chắc chắn trong giai đoạn tới với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chúng ta sẽ hạn chế được dự án vốn ảo. Chúng ta sẽ chọn được những dự án xác đáng, hiệu quả nhất, phục vụ trực tiếp đến công cuộc phát triển của chúng ta, đặc biệt là các đồng chí ở địa phương”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép dự án do chính quyền địa phương cấp. Các Bộ, ngành là cơ quan xây dựng chính sách. Việc lựa chọn dự án, các bộ ngành sẽ có ý kiến tham mưu, nhưng trách nhiệm chính thuộc về các địa phương.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thông tin thêm, vốn ảo ở Hải Phòng cũng có xuất hiện, nhưng đều nằm trong mức độ TP kiểm soát được.
“Chúng tôi sẽ có vùng cấm với những dự án ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng đầu tư. Đặc biệt chúng tôi chú trọng đến những nhà đầu tư có vốn ảo, và trực tiếp giao cho một số ngành địa phương có thể thẩm định, tìm hiểu trước về dòng vốn và tên DN từ phía nước ngoài.
Tiếp đó, chúng tôi kiểm tra, đôn đốc với những án có dòng vốn đầu tư vào Hải Phòng lớn, Thường trực Thành ủy và UBND TP trực tiếp chỉ đạo, xuống hiện trường để xem dòng vốn đó có thực đi vào thị trường và giải ngân tại thị trường Hải Phòng hay không?”, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nêu giải pháp.
DN phải tự nâng cấp mình
Nhìn nhận về thách thức với các DN trong nước trước các cơ hội mới trong tương lai đến từ nước ngoài, Chủ tịch VCCI cho biết: Về Luật DN mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI thống nhất quan điểm, nâng cấp DN Việt Nam – đây là yêu cầu cốt lõi hiện nay.
Thời gian qua, năng suất của chúng ta không cao và không kết nối được khu vực đầu tư nước ngoài. Lý do quan trọng là khả năng hấp thu công nghệ, trình độ quản trị của Việt Nam thấp.
Theo số liệu của Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu, Việt Nam đứng trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất.
“Trình độ quản trị của DN Việt Nam hiện nay là khâu rất yếu. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh DN, không chỉ có vấn đề cải cách thể chế của nhà nước mà DN phải tự nâng cấp mình”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, chúng ta cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy các DN của Việt Nam dần dần bắt kịp, hướng tới thay thế DNNN về mặt công nghệ, khoa học, quản trị… chứ không phải quan điểm do sợ nước ngoài phát triển mạnh quá mà ta phải kéo xuống.
“Chúng ta vẫn phải thúc đẩy khu vực đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải ưu tiên tập trung hỗ trợ cho DN trong nước phát triển cao hơn, đó là mục tiêu và đúng như quan điểm của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, ngoại lực quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Góp thêm ý kiến về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng Luật DN và Luật Đầu tư sắp tới phải có những sửa đổi để làm sao thúc đẩy được DN trong nước phải chủ động.
“Bởi hiện nay, các DN trong nước đang bán cái mình có chứ không phải bán cái người ta cần, do vậy không thể kết nối được những cái cần của DN FDI muốn nội địa hóa, không vươn đến được dòng sản phẩm trong chuỗi giá trị của họ.
Tôi cho rằng thay đổi nhận thức của người quản trị DN trong nước với chính sách ưu đãi giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đầu tư trong nước phải làm đồng bộ, như vậy chúng ta mới có kỳ vọng là DN trong nước sẽ lớn lên trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi vào Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…
Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ngày 14/11, đồng chí Đỗ Mạnh…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More