Print Thứ bảy, 26/01/2019 18:24

Phần lớn các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như sản xuất giấy, thép, hóa chất… trên địa bàn thành phố đều lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế, nhiều DN thực hiện ĐTM chưa nghiêm, gây ô nhiễm môi trường, song, các cơ quan chức năng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

 


Còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong ảnh: Khu công nghiệp nam cầu Kiền. Ảnh: Ngọc Thụy

 

 

Thực hiện chưa nghiêm


Công ty CP luyện thép cao cấp Việt Nhật (khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) có báo cáo ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phê duyệt, được Tổng cục Môi trường Việt Nam cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình. Công ty đi vào hoạt động đã lâu, theo ĐTM, phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải lò luyện liên tục tự động trước ngày 31-12-2016. Nhưng đến tháng 3-2018, theo kết quả kiểm tra của Sở TNMT, công ty chưa lắp đặt hệ thống quan trắc. Tương tự, Công ty CP Thép Việt Ý có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; có giấy xác nhận hoàn thành công trình và cũng đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Đến năm 2018, kết quả kiểm tra của Sở TNMT cho thấy DN chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; vệ sinh môi trường chưa bảo đảm.

 

Ngoài các doanh nghiệp trên, tình trạng DN vi phạm các cam kết trong ĐTM diễn ra khá phổ biến. Không chỉ DN nhỏ và vừa, mà không ít DN lớn cũng vi phạm, gồm cả DN trong và ngoài khu công nghiệp, DN trong nước và DN nước ngoài. Cơ quan chức năng kiểm tra đến đâu phát hiện vi phạm đến đó. Có những DN gây ô nhiễm môi trường dẫn đến nhà máy phải ngừng hoạt động. Như Nhà máy Thép Vạn Lợi (huyện An Dương) của Công ty CP Thép Vạn Lợi. Năm 2014, DN được Tổng cục Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM dự án sản xuất, luyện phôi thép, tại xã An Hồng, huyện An Dương. Trong quá trình hoạt động, DN xử lý khí thải không đạt yêu cầu; gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân. Người dân dựng lều, chắn đường, ngăn cản xe chở vật tư, nguyên liệu, sản phẩm ra, vào nhà máy. Cơ quan chức năng kiểm tra, khẳng định DN chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải theo nội dung cam kết và  yêu cầu tạm dừng hoạt động, chỉ được phép vận hành trở lại khi hoàn thành các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải đạt tiêu chuẩn.

 

Gắn thẩm định với kiểm tra, giám sát


Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Trần Minh Tuấn, từ đầu năm đến nay, Sở TNMT tiếp nhận hàng chục phản ánh của cử tri và người dân về tình trạng DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường; trong đó có nhiều DN được phê duyệt ĐTM. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hiệu quả thấp. Nguyên nhân là công tác hậu kiểm sau phê duyệt ĐTM chưa kịp thời, thường xuyên. Hiện nay, bình quân mỗi năm, Sở TNMT kiểm tra 50 DN được phê duyệt ĐTM. Trong khi, tổng số lượng DN được phê duyệt ĐTM trên địa bàn thành phố lớn, đến nay, có gần 300 DN được Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) và Sở TNMT phê duyệt ĐTM giai đoạn xây dựng dự án.

 

Theo Giám đốc Sở TNMT Trần Văn Phương: để khắc phục tình trạng này,  Sở TNMT đổi mới hơn nữa công tác thẩm định ĐTM. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cơ sở thuộc danh mục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; cơ sở có phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí hoặc đề xuất của chính quyền các địa phương. Cùng với đó, Sở TNMT phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan, nhất là UBND các quận, huyện, Cảnh sát Môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc DN thực hiện các nội dung cam kết trong báo cáo ĐTM, xử lý các DN được nhắc nhở song vẫn vi phạm.

 

Song song với việc thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, Sở TNMT yêu cầu các DN có nguồn thải lớn, DN thuộc lĩnh vực sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như sản xuất thép, giấy, hóa chất… lắp đặt các thiết bị giám sát nguồn thải hiện đại, như: thiết bị quan trắc tự động, camera giám sát hệ thống xử lý nước thải… Các thông số môi trường sẽ được truyền tải dữ liệu về Trung tâm Điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường, đặt tại Sở TNMT. Với phương pháp này Sở TNMT có thể giám sát việc xả thải thường xuyên, liên tục của DN.

 

Bên cạnh đó, DN cần nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Việc tuân thủ các nội dung cam kết của báo cáo ĐTM vừa bảo vệ môi trường vừa bảo đảm lợi ích của DN.


Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 24/09/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường: Cam kết một đằng, triển khai một nẻo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác