Việc bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể, tái cơ cấu hay thậm chí chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn chưa được giải quyết triệt để…
Công nhân lao động Công ty TNHH Vĩnh Chân kiến nghị về quyền lợi
Quyền lợi chính đáng
Mới đây nhất, vào cuối tháng 2-2019, hơn 1.000 lao động Công ty TNHH Vĩnh Chân, doanh nghiệp có vốn từ Hồng Kông, chuyên sản xuất đồ chơi có địa chỉ tại quận Dương Kinh đứng ngồi không yên vì công ty giải thể, chuyển cơ sở sản xuất sang tỉnh Hải Dương.
Theo phản ánh của người lao động, ban đầu công nhân chỉ nhận được thông báo di dời địa điểm hoạt động và ai có nhu cầu gắn bó với công ty thì chuyển sang Hải Dương làm việc. Song điều này như “đánh đố” bởi hàng trăm lao động nữ không thể chuyển sang làm việc tại Hải Dương do phải đi làm quá xa nhà và điều kiện gia đình không cho phép.
Nhiều công nhân cho biết, ngoài thông báo trên, doanh nghiệp không có thông tin giải quyết về chế độ đối với người lao động, trong khi doanh nghiệp chưa thanh toán tiền lương tháng 1 và 2- 2019 cũng như các chế độ liên quan về nghỉ ốm, thai sản, BHXH… khiến người lao động tụ tập trước cổng công ty này để yêu cầu bảo đảm quyền lợi.
Tương tự, thời gian gần đây, nhiều lao động Công ty CP Lisemco kiến nghị doanh nghiệp này nợ tiền đóng bảo hiểm gần 6 năm với số tiền lên hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, người lao động lại nhận được thông tin hơn 80% số cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại công ty này được đấu giá thành công. Họ lo lắng về số tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội doanh nghiệp nợ sẽ giải quyết ra sao, vì không được công ty thông báo phương án giải quyết.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chủ doanh nghiệp phải “bỏ trốn” kéo theo quyền lợi của người lao động bị thiệt. Như trường hợp trước đây của Công ty TNHH B.I.C Việt Nam, liên doanh giữa Cty dịch vụ dầu khí Hải Phòng và đối tác là một doanh nghiệp phía Hàn Quốc, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 1997, chuyên kinh doanh vận tải hành khách công cộng với thời hạn 30 năm. Phía Việt Nam góp vốn 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Từ năm 2008, Công ty TNHH B.I.C là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Do hoạt động kém hiệu quả, không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải, tháng 1-2011, UBND thành phố đã quyết định về việc giải thể và xóa tên Công ty TNHH B.I.C Việt Nam.
Tại thời điểm chủ doanh nghiệp bỏ về nước, tổng số tiền các khoản Công ty này nợ người lao động là gần 900 triệu đồng, gồm: nợ 5 tháng tiền lương của 48 lao động; 60 người đóng tiền “đặt cọc” thế chấp trách nhiệm; trợ cấp thôi việc cho 67 lao động; 30 CNLĐ chưa được chốt sổ BHXH, 15 lao động đã đóng BHXH nhưng chưa được làm sổ, nên toàn số lao động này không được hưởng các chế độ chính sách ốm đau, thai sản. Việc giải quyết các kiến nghị kéo dài gần 5 năm và chỉ được giải quyết dứt điểm khi có sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng.
Cần các chế tài cụ thể
Theo cơ quan chức năng, vướng mắc hiện nay là các quy định của pháp luật chưa rõ ràng trong chế tài xử lý đối với doanh nghiệp giải thể, bỏ trốn… Lấy ví dụ khi chủ doanh nghiệp “bỏ trốn”, từ khái niệm đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, trình tự giải quyết chế độ chính sách cho người lao động; trả các khoản nợ liên quan BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng… cũng chưa có các quy định cụ thể.
Trong khi đó Luật Lao động năm 2012 quy định: trường hợp doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT, BHTN và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp, phần tài sản cố định của doanh nghiệp khi giải thể hầu như không còn gì “đáng giá”, còn diện tích đất thuê lại là tài sản thuộc nhà nước.
Đại diện Ban chính sách- pháp luật LĐLĐ thành phố cho biết, nhiều kiến nghị của người lao động, chỉ khi các cấp Công đoàn vào cuộc, doanh nghiệp mới cam kết thực hiện trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với người lao động.
Đối với trường hợp Công ty TNHH Vĩnh Chân, LĐLĐ các cấp phối hợp cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tâm tư, kiến nghị của người lao động, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tổ chức đối thoại, giải quyết quyền lợi của người lao động. Công ty TNHH Vĩnh Chân cam kết thực hiện trả lương và các chế độ liên quan, hiện LĐLĐ quận Dương Kinh giám sát việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp này.
Liên quan đến chính sách bảo hiểm, Phó giám đốc BHXH thành phố Đào Xuân Hải cho hay, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho người lao động, BHXH thành phố sẽ thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động đến thời điểm đơn vị đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN; đối với các trường hợp được chốt sổ BHXH, người lao động sẽ thực hiện các thủ tục để hưởng chế độ BHXH. Trong trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH (hưu trí…) sẽ được cấp thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan nắm rõ thông tin những doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra tình trạng đóng BHXH của doanh nghiệp; đồng thời chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH với các cơ quan chức năng xử lý.
Mặt khác, Chính phủ cần ban hành nghị định hướng dẫn xử lý đối với các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, không còn địa chỉ kinh doanh; cần xây dựng quy trình cụ thể để xử lý các trường hợp này, đồng thời có phương án xử lý tài sản của doanh nghiệp để ưu tiên trả các khoản tiền cho người lao động cũng như thực hiện đúng các quy định về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
THỦY NGUYÊN