Print Thứ Bảy, 12/03/2022 08:00 Gốc

Lương không tăng, trong khi mọi chi phí sinh hoạt đang dần “leo thang” khiến cuộc sống nhiều công nhân nhà trọ ở thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình khó khăn. Họ chấp nhận cắt giảm bữa ăn hằng ngày để có tiền gửi về quê cho gia đình. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm bữa ăn ca cho người lao động.

Cắt giảm tiền ăn mỗi tuần

Anh Hoàng Văn Vui (quê Tuyên Quang, công nhân nhà trọ phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) xuống Hải Phòng làm công nhân hơn 2 năm nay. Nhiều tháng nay công ty không tăng ca nên ngoài tiền lương hơn 6 triệu đồng/tháng, anh Vui không còn khoản thu nhập khác. Số tiền này anh Vui dành một nửa gửi về quê cho vợ chăm sóc 2 con đang học tiểu học, còn lại trả tiền nhà, tiền ăn và các chi phí sinh hoạt khác. Riêng tiền nhà, điện nước tốn khoảng 1 triệu đồng/tháng. “Vật giá ngày càng tăng trong khi tiền lương không tăng, cuộc sống của lao động xa nhà như chúng tôi càng thêm khó khăn. Để giữ nguyên khoản tiền gửi về quê cho vợ con, bản thân tôi phải cắt giảm tiền ăn hằng tháng…”, anh Vui tâm sự.

Còn chị Hà Thị Liên (20 tuổi, quê Thanh Hoá), sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chị Liên ra Hải Phòng làm công nhân tại KCN VSIP. Vừa chân ướt chân ráo xuống Hải Phòng, chị Liên mắc COVID-19, tốn nhiều tiền mua thuốc, kit test. “Chưa kịp lĩnh tháng lương đầu tiên tôi đã mắc COVID-19. Bữa ăn hằng ngày cũng phải nhờ anh chị cùng xóm trọ mua giúp. Số tiền tiết kiệm trước khi xuống Hải Phòng chỉ đủ tiền ăn hằng ngày, thuốc men, cũng không dám mua đồ bồi bổ trong thời gian điều trị COVID-19”, chị Liên nói.

Bữa ăn ca vẫn bảo đảm chất lượng, dinh dưỡng trong bối cảnh vật giá leo thang của công nhân Công ty Tân Đệ (Thái Bình). Ảnh: Quân Nguyễn.

Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm bữa ăn ca cho người lao động

Còn ở Thái Bình, trước bối cảnh vật giá “leo thang” ảnh hưởng đến đời sống người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn nỗ lực bảo đảm bữa ăn ca. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ), cho biết: “Chúng tôi ký hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn lớn, uy tín trong đó có quy định rõ về giá, về thực phẩm, thực đơn theo tuần, theo tháng nên trước tình hình giá cả leo thang như hiện nay chất lượng bữa ăn của công nhân vẫn duy trì ở mức 18.000 đồng/suất, tính cả tiền chế biến, phục vụ khoảng 22.000 đồng/suất. Chúng tôi chủ động ký kết với trang trại trồng rau, nuôi lợn quy mô lớn trong tỉnh để bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định”.

Chị T.T.H (38 tuổi, công nhân Công ty TNHH TAV, KCN Nguyễn Đức Cảnh, TP.Thái Bình), cho hay: “Công ty tôi từ lâu áp dụng hình thức mua bán cơm trưa giữa các nhà cung cấp và công nhân lao động. Theo đó có từ 2-3 cơ sở cùng được đăng ký bán ở khu vực gần ngay cổng vào công ty để công nhân lựa chọn, quyết định. Thực đơn, chất lượng món ăn của bên nào phù hợp thì công nhân sẽ lựa chọn mua của bên đó. Do vậy tính cạnh tranh được nâng cao hơn, công nhân có thêm nhiều lựa chọn, chất lượng cơ bản vẫn ổn định”.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, đến thời điểm hiện tại chưa có ý kiến thắc mắc, phản ánh của người lao động liên quan chất lượng bữa ăn ca bị ảnh hưởng bởi vật giá leo thang, lạm phát. Bà Phạm Thị Thắng, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Thái Bình, cho biết: “Không chỉ đến thời điểm này khi giá cả thị trường có nhiều biến đổi, thực phẩm lên giá mà ngay cả trong những lúc bình thường, chúng tôi đều tích cực tuyên truyền, nắm bắt chặt chẽ phía các công đoàn cơ sở, người lao động để thực hiện đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân. Nhìn chung mức ăn ca của công nhân trong các KCN dao động từ 15.000 đồng đến 23.000 đồng/suất, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện nghiêm túc”. Tuy vậy theo bà Thắng, có thể mức ăn, chất lượng bữa ăn không bị ảnh hưởng quá nhiều, song phần nào đó không thể đầy đủ, tươm tất như khi giá cả chưa tăng đồng loạt.

Mai Dung, Trung Du

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm bữa ăn ca cho người lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác