Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, toàn thành phố hiện có khoảng hơn 4000 ha sản xuất của nông dân được liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, chiếm 11% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Mặc dù việc liên kết này đem lại hiệu quả thiết thực, song chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Nông dân xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên) liên kết sản xuất bí xanh với doanh nghiệp.
Chưa nhiều doanh nghiệp liên kết
Mô hình nông dân liên kết sản xuất các giống lúa VT 404, J02 với Công ty CP xuất nhập khẩu Việt Trang và Công ty CP giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam ở các xã: Nhân Hòa, Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo) đều cho năng suất 62-65 tạ/ha, tăng 7-8 tạ/ha, giá trị sản xuất hơn 52 triệu đồng/ha, cao hơn 5-7 triệu đồng/ha so với sản xuất không liên kết. Tại huyện Tiên Lãng, nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ giống lúa nếp Cô Tiên, Nhiệt đới 15, nếp Lang Liêu với Công ty TNHH Nhiệt Đới cho năng suất 50-54 tạ/ha, giá trị sản xuất ước đạt 35-40 triệu đồng/ha. Tại huyện An Lão, Công ty CP Nông nghiệp và thương mại quốc tế doanh nghiệp liên kết tiêu thụ giống lúa THP16 với nông dân đạt năng suất cao nhất đạt 66 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 50 triệu đồng/ha. Nông dân ở các huyện An Dương, Tiên Lãng, Kiến Thụy liên kết trồng rau sạch bằng vòm che hoặc nhà lưới, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp giá trị cao, gấp 1,5-2 lần so với sản xuất thông thường; đạt 300-350 triệu đồng/ha.
Mặc dù hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân được thấy rõ qua các mô hình trên, song thực tế số doanh nghiệp tham gia còn hạn chế. Cụ thể, đến cuối tháng 11-2018, toàn thành phố có hơn 100 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân các huyện, trung bình mỗi doanh nghiệp khoảng 3 – 4 ha. Giám đốc Công ty THHH Thiên An Vũ Yên Thanh cho biết, liên kết có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp không mất nhiều chi phí vận chuyển, giao dịch cũng thuận tiện hơn. Nông dân không phải thấp thỏm nỗi lo được mùa rớt giá. Tuy nhiên, khi liên kết sản xuất tại một số huyện, doanh nghiệp thường gặp khó về việc diện tích sản xuất của nông dân manh mún, nhỏ lẻ, chưa quy được vùng, thửa lớn; thủ tục để ký kết hợp đồng theo trình tự chờ thẩm duyệt qua các ban, ngành chức năng khá lâu; hạ tầng một số vùng sản xuất khó khăn về giao thông, thủy lợi, điện, nước; nhiều bà con không dễ thay đổi thỏi quen sản xuất để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ hoặc chất lượng cao… Tại một số huyện, doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm theo hợp đồng với nông dân, nếu giá thị trường tăng, bà con phá vỡ hợp đồng. Song cũng không ít trường hợp doanh nghiệp sau một thời gian liên kết, tính toán chi phí không có lãi nhiều nên bỏ thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại cho nông dân.
Tháo gỡ rào cản
Theo PGS TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam, đối với thành phố Hải Phòng trong phát triển nông nghiệp cần xác định đươc những nét khác biệt với các tỉnh, thành phố bạn lân cận. Đó là nông nghiệp đô thị, hướng tới sản xuất những sản phẩm giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp theo hướng này mà chưa thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất thấp của nông dân, khó đạt được mục tiêu để ra. Vì vậy, việc hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ thay đổi được tư duy, quy mô sản xuất nông nghiệp lớn hơn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp mong muốn hợp tác với nông dân. Song để khắc phục được tâm lý e ngại việc liên kết khó bền vững hoặc không đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp đề nghị Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng thuộc sở, chính quyền các huyện, xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục liên kết sản xuất, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, thủy lợi… Chính quyền địa phương cần có những điều kiện bảo đảm việc liên kết được khả thi. Cụ thể, địa phương khuyến khích người dân dồn đổi ruộng đất hoặc gom các vùng ruộng bị bỏ hoang thành cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân. Giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân cần tạo ra mối quan hệ hợp tác trong quá trình liên kết… Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Bùi Đức Thảo cho biết, huyện và các xã luôn là cầu nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tuy nhiên các doanh nghiệp khi đầu tư hoặc liên kết sản xuất cần công khai thông tin dự án để chính quyền địa phương, người dân tìm hiểu, yên tâm hợp tác…
Để đạt được mục tiêu thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, HĐND thành phố đã ban hành các Nghị quyết 13 và 14 năm 2017 về khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, những cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp cần được Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Công Thương tham mưu thành phố để cụ thể hóa chi tiết, cách thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện.
Mục tiêu ngành Nông nghiệp Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, các huyện có 40-50% diện tích canh tác được nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp; thu hút khoảng 300 doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Hương An – Báo Hải Phòng 11/12/2018
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More