Doanh nghiệp lập kế hoạch ứng phó với thiên tai: Thiếu cả ý thức, kiến thức

Hiện bình quân mỗi năm, Hải Phòng chịu ảnh hưởng từ 1 đến 2 cơn bão và áp thấp đổ bộ trực tiếp, 3 – 4 cơn bão và áp thấp ảnh hưởng gián tiếp. Những trận mưa lớn có thể lên đến 120 mm, kết hợp với triều cường làm ngập nước ở các tuyến đường diễn ra hằng năm… Thiên tai, thời tiết ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, phần lớn DN chưa có ý thức và cả kiến thức cần thiết để ứng phó với thiên tai.

 

Kè biển của khu du lịch resort Hòn Dáu bị thiệt hại do mưa bão.

Ảnh: DUY THÍNH

 

Chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ, ảnh hưởng


Trận mưa lớn xảy ra ngày 21-7-2018, làm một số cơ sở kinh doanh xăng dầu ở nội thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngập lụt, giao thông bị đình trệ, hệ thống điện bị cắt, các cửa hàng không thể bán cho khách hàng… Trước đó, năm 2017, cơn bão số 10 gây ngập lụt khu vực thị trấn Cát Bà do mực nước dâng cao từ 30 – 80 cm, trong khi còn 1.150 khách du lịch lưu trú. Các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông, giao thông vận tải đường thủy nội địa phải dừng hoạt động.


Trong các tháng 7, 8-2018, nhiều công ty, xưởng sản xuất, đặc biệt công ty may mặc trên địa bàn thành phố báo cáo năng suất lao động giảm. Nguyên nhân, trong những tháng này, trên địa bàn thành phố xuất hiện đợt nắng nóng gay gắt, súc khỏe, năng suất người lao động giảm sút. Cộng thêm việc điện lực cắt điện luân phiên, DN điều chỉnh ca kíp. Đáng chú ý, chỉ sau khi bị thiệt hại ảnh hưởng do nắng nóng, nhiều DN mới “đổ xô” đầu tư lắp đặt các tấm cách nhiệt cho nhà xưởng. Vấn đề chống nóng, làm mát cho nhà xưởng sản xuất chưa được DN tính đến ngay khi đầu tư xây dựng.


Tình trạng DN thiếu chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai diễn ra khá phổ biến. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm CED (Trung tâm Phát triển khoa học kinh tế, trực thuộc Viện Nghiên cứu châu Á) về ảnh hưởng thiên tai đối với DN thực hiện tại 61 DN vừa và nhỏ Hải Phòng, cho thấy, những kiểu thiên tai tác động nhiều đến DN là bão, rét đậm, rét hại, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán… Trong đó, có 89% số DN bị thiệt hại trực tiếp, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, hàng hóa bị hư hỏng. 74% số DN vừa bị thiệt hại gián tiếp vừa bị thiệt hại trực tiếp là mất nguồn cung ứng sản phẩm, công nhân nghỉ việc, nhà cung cấp bị gián đoạn, bị phạt chậm hợp đồng, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. Thiệt hại đã, đang xảy ra, nhưng việc phòng, chống thiên tai của DN lại thiếu giải pháp cần thiết và tính hiệu quả để giảm tác động. Về việc ứng phó với thiên tai, chỉ có 19% số DN tương đối sẵn sàng; 46% số DN quan tâm nhưng chưa có biện pháp phòng tránh cần thiết; còn lại là các DN không đủ năng lực để thực hiện kế hoạch ứng phó.


Theo ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học-Công nghệ): Từ trước tới nay có tới hơn 200 văn bản pháp luật liên quan đến phòng, tránh và giảm nhẹ tác động thiên tai. Tuy nhiên các chính sách này phân tán, nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho việc tìm hiểu, tra cứu, vận dụng và thực thi. Hơn nữa, phần lớn chính sách này hướng tới cộng đồng dân cư, rất ít đề cập đến DN.


Cần chủ động kế hoạch, phương án phòng ngừa


Phó chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên – Môi trường) Phạm Văn Lăng khuyến cáo, việc DN lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai là giải pháp hữu ích cho DN. Kế hoạch này phân tích cụ thể những tác động của thiên tai đối với con người, tài sản và đối tác của DN, những điểm mạnh, điểm yếu của DN. Trên cơ sở kế hoạch, DN lựa chọn những giải pháp khắc phục điểm yếu, phân bổ nguồn lực, kinh phí thực hiện. Việc lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với rủi ro thiên tai, chỉ đạo thực hiện kế hoạch cần được tiến hành thường xuyên.


Cơ quan chức năng cần rà soát quy chuẩn về xây dựng các công trình sản xuất để bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn phòng, chống thiên tai; có kế hoạch phòng, tránh rủi ro thiên tai lồng ghép trong kế hoạch sản xuất- kinh doanh hằng năm của DN. Việc xem xét kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với rủi ro thiên tai của DN như một điều kiện để xem xét cho vay vốn tại tổ chức tín dụng cũng là giải pháp để khuyến khích DN chủ động các biện pháp phòng, tránh thiên tai.


NGUYÊN MAI – Báo Hải Phòng 12/11/2018

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More