Print Thứ bảy, 26/01/2019 18:48

Theo Hiệp hội làng nghề Hải Phòng, trên địa bàn thành phố số doanh nghiệp hoạt động trong làng nghề ngày càng gia tăng, đáp ứng yêu cầu thực tế, phù hợp xu thế thị trường. Tuy nhiên, để phát triển trong điều kiện hội nhập nhiều cạnh tranh, các doanh nghiệp phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn về điều kiện sản xuất như vốn, mặt bằng, công nghệ, nhân lực…

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty đúc Thành Phương (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên).

Ảnh: DUY LÂN

 

Số doanh nghiệp ngày càng tăng

 

Theo khảo sát chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng, hiện nay, ở các quận, huyện có khoảng hơn 500 doanh nghiệp đang hoạt động tại các làng nghề. Trong đó, ở huyện Thủy Nguyên, các làng nghề: vận tải An Lư (xã An Lư), đúc kim khí xã Mỹ Đồng, vật liệu xây dựng (xã Lại Xuân)… có số lượng lớn doanh nghiệp. Trước đây, làng nghề đúc kim khí ở xã Mỹ Đồng chỉ có vài hộ phát tiến thành doanh nghiệp. Hiện nay, làng nghề có 130 doanh nghiệp. 10 năm trước, ở làng nghề mộc Kha Lâm (Kiến An) chỉ có các hộ sản xuất nhỏ, lẻ, đến nay 5 hộ phát triển thành doanh nghiệp. Một số làng nghề khác như làng nghề tạc tượng Bảo Hà ở xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo), làng nghề sinh vật ở cảnh xã Hồng Thái (huyện An Dương), làng nghề điêu khắc đá ở xã An Tiến (huyện An Lão) ngày càng có nhiều hộ sản xuất đăng ký thành lập doanh nghiệp…


Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng Nguyễn An Hưng đánh giá, việc phát triển doanh nghiệp tại các làng nghề là xu hướng tất yếu trong điều kiện thực tế sản xuất khi làng nghề muốn duy trì ổn định hoạt động, tiến tới phát triển và hội nhập. Bởi mô hình hộ sản xuất cá thể rất khó mở rộng lưu thông sản phẩm trên thị trường. Khi thành lập doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp giúp các hộ sản xuất làng nghề có tư cách pháp nhân, con dấu để giao dịch sản phẩm. Từ đó, có thể phát triển quy mô sản xuất lớn hơn, đa dạng sản phẩm để cạnh tranh hơn với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường. Một số làng nghề hiện nay có sản phẩm hướng tới phục vụ xuất khẩu, nếu không thành lập doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện để thực hiện các thủ tục giao dịch theo quy định pháp luật. Ở huyện Thủy Nguyên, làng nghề đúc kim khí xã Mỹ Đồng hiện có 30% số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất của làng nghề đạt hơn 1000 tỷ đồng, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 300 tỷ đồng.


Nhiều khó khăn về mặt bằng, vốn, công nghệ


Khi mở rộng hoạt động từ hộ cá thể trở thành doanh nghiệp đòi hỏi nguồn vốn đầu tư và quỹ đất lớn mới đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Song hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại làng nghề hiện nay chưa có đủ diện tích để xây dựng nhà xưởng, trụ sở doanh nghiệp. Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Mỹ Đồng Nguyễn Văn Thanh cho biết, quỹ đất làng nghề hiện nay mới đáp ứng 40% yêu cầu phát triển doanh nghiệp. Mặt bằng sản xuất tập trung cho làng nghề giai đoạn 2 được địa phương quy hoạch hơn 45 ha, song đến nay chưa thành hiện thực. Một số làng nghề khác như làng nghề điêu khắc đá ở xã An Tiến (An Lão) hiện có một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất ven trục đường 10 với diện tích chật hẹp, chưa biết đến bao giờ mới được sản xuất rộng hơn tại khu vực quy hoạch mới của làng nghề…


Các doanh nghiệp làng nghề phần lớn hình thành từ các hộ cá thể nên tiềm lực kinh tế, nhân lực trình độ công nghệ khá hạn chế. Hiện, nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng “khát” vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Như Công ty TNHH sản xuất đồ gỗ nội thất Tân Hoàng, Giám đốc Nguyễn Văn Quân cho rằng, ngày nay sản xuất đồ gỗ nội thất khác xa với những năm trước, phải có máy móc kỹ thuật cao áp dụng vào sản xuất mới cho ra những sản phẩm đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư máy móc, thiếu lao động nên khó đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, hướng tới xuất khẩu… Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp hiện thu hút nhiều lao động địa phương với mức lương cao hơn nên các doanh nghiệp sản xuất tại làng nghề khó tuyển lao động.


Phát triển doanh nghiệp làng nghề là hướng làng nghề phát triển, thúc đẩy các hộ sản xuất nhỏ, lẻ cũng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, các ngành, cơ quan chức năng như Nông nghiêp-Phát triển nông thôn, Tài nguyên-Môi trường, Công Thương, Khoa học – Công nghệ, Quản lý thị trường… cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề định hướng đúng chiến lược phát triển trong xu thế hội nhập, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động liên quan đến đất đai, tài chính, thị trường, công nghệ… Hiệp hội Làng nghề Hải Phòng phát huy cao vai trò là đầu mối tổ chức, sát cánh giúp doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, thành phố đối với doanh nghiệp làng nghề…

 

Thời gian tới, để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp làng nghề, các cấp, ngành thành phố sớm triển khai các dự án mở rộng quỹ đất, quy hoạch khu làng nghề tập trung, khuyến khích, có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, các Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Khoa học-Công nghệ tổ chức các lớp đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp làng nghề, nâng cao kỹ năng, trình độ sản xuất tiếp cận với công nghệ mới. Bản thân các doanh nghiệp làng nghề năng động hơn với việc tiếp thu, ứng dụng các quy trình sản xuất hiện đại, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…

HƯƠNG AN – Báo Hải Phòng 03/11/2018


Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp làng nghề mong hỗ trợ điều kiện sản xuất
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác