Tháng 6 vừa qua, 205 lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thăm Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại giữa 2 nước.
Lãnh đạo hai bên đồng ý hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD trong thương mại song phương vào năm 2030, gấp đôi so với hiện nay. Đoàn trên gồm những doanh nhân tầm cỡ nhất của Hàn Quốc như chủ tịch của 4 tập đoàn Samsung, LG, SK Group và Hyundai Motor.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại Hà Nội được Tổng thống Yoon Suk-yeol tham dự, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết ông có trong tay danh sách mấy chục dự án Hàn Quốc đang chờ. Trong đó có dự án tỷ USD và có dự án vài trăm triệu USD.
Chaebol số 2 Hàn Quốc đổ khoảng 3 tỷ USD vào Việt Nam
Ngày 22/9/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance tổng vốn 500 triệu USD của SK Group, “chaebol” lớn thứ 2 Hàn Quốc, sau Samsung Group.
Dự án này có tổng diện tích hơn 32.000m² tại Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng I, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và sẽ sản xuất vật liệu phân hủy sinh học PBAT, PBS, PBATS. Theo SK, đây sẽ là nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao đầu tiên tại Đông Nam Á.
Giai đoạn 1 của dự án khởi công giữa tháng 12/2023, và hoàn thành xây dựng nhà máy trong 9 tháng. Dự kiến cuối năm 2024, nhà máy sẽ đạt khoảng 35.000 tấn sản phẩm. Sau đó, công suất sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2.
Ông Won Cheo Park, CEO công ty SKC (công ty con của SK là chủ đầu tư dự án) cho biết SK đã đầu tư vào Việt Nam trong 5 năm nay, với tổng vốn khoảng 3 tỷ USD.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Hải Phòng. Trong tương lai, hy vọng sự phát triển của chúng tôi sẽ đóng góp vào sự phát triển ở đây“, ông Woncheo Park khẳng định.
Những nơi có bóng dáng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam
Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc vừa quyết định chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm địa điểm mới để đầu tư sản xuất sợi carbon, tổng vốn ước tính gần 1 tỷ USD, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Ngày 12/9 vừa qua, Công ty Vật liệu Tiên tiến Hyosung (Hyosung Advanced Materials) quyết định thành lập đơn vị mới có tên Hyosung Vina Core Materials Co., Ltd. tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho dự án lớn này. Đến nay, 533 tỷ won (402 triệu USD) đã được đầu tư, kế hoạch của Hyosung là nhà máy mới tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 2, Thị xã Phú Mỹ sẽ hoàn thành đầu năm 2025.
Ngày 22/9, ông Shin Dong-bin, Chủ tịch tập đoàn Lotte Hàn Quốc, đến Hà Nội dự Lễ khai trương chính thức tổ hợp thương mại và giải trí quy mô lớn Lotte Mall West Lake. Đây là dự án trọng điểm và Lotte đã huy động mọi nguồn lực của các công ty thành viên để xây dựng dự án này.
Lotte cũng đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam. Riêng Lotte Mall West Lake Hà Nội đã được đầu tư 643 triệu USD, là dự án lớn nhất được Lotte hoàn thành tại Việt Nam. Trước đó là Lotte Center với quy mô 400 triệu USD, khai trương tháng 9/2014, tại Hà Nội.
Cũng tháng 9/2022, Lotte khởi công dự án trọng điểm Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm tại TP.HCM, với vốn đầu tư 900 triệu USD, được xem là điểm nhấn quan trọng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Lý do Lotte đang tập trung đầu tư lớn tại Việt Nam là do tập đoàn rút khỏi thị trường Trung Quốc năm 2022 và chuyển hướng đến Việt Nam.
Còn Tập đoàn Daewon của Hàn Quốc cũng đang chờ thông qua quy hoạch TP Cần Thơ, để tìm cơ hội đầu tư sân golf, khu phức hợp nhà ở-thương mại-dịch vụ, trường học quốc tế… tại thành phố lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 12/9, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết Cần Thơ và Daewon Cantavil Pte. (thuộc tập đoàn Daewon) đã ký bản ghi nhớ MOU nhằm hợp tác, hỗ trợ trong nghiên cứu, triển khai các dự án tại Cần Thơ. Phía Daewon quan tâm đến các dự án mời gọi đầu tư của Cần Thơ như sân golf, nhà ở, khu phức hợp nhà ở-thương mại-dịch vụ, các dự án trường học quốc tế…
Ông Hiển cho biết Daewon chờ quy hoạch Cần Thơ (tầm nhìn đến năm 2050) được phê duyệt để tính đến các bước tiếp theo một cách cụ thể. Dự kiến cuối tháng 9 này, HĐND thành phố Cần Thơ sẽ họp để thông qua quy hoạch, sau đó sẽ trình Chính phủ phê duyệt.
Cần Thơ cũng là nơi Lotte đã có mặt, đó là Trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Cần Thơ.
Điện tử và bán dẫn đón sóng lớn
Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và hàng đầu thế giới về điện tử, đến nay đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào Việt Nam, biến nơi đây thành cứ địa sản xuất toàn cầu và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của cả tập đoàn. Samsung đang tiếp tục bơm thêm vốn vào Việt Nam với khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, theo Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, Choi Joo Ho.
Việt Nam cũng được ông lớn LG của Hàn Quốc chọn làm cứ điểm sản xuất, và LG tập trung đầu tư ở Hải Phòng.
Tháng 6/2023, LG nhận giấy phép điều chỉnh tăng vốn cho Công ty LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 2 tỷ USD. Khoản đầu tư thêm là để xây dựng nhà máy V3 sản xuất mô-đun camera xuất khẩu, tạo thêm 2.600 việc làm cho người lao động. Lợi nhuận dự kiến của dự án đạt 400 triệu USD/năm và nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Theo thống kê của Hải Phòng, tổng số dự án của LG tại Hải Phòng là 7 dự án (LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG International, LG Chemical với 2 dự án), với vốn đầu tư 8,24 tỷ USD gồm khoản mới nói trên; cộng thêm 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Ngày 16/9, đại gia sản xuất bán dẫn Hana Micron của Hàn Quốc khánh thành nhà máy thứ hai tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), nâng tổng vốn đầu tư của Hana Micron tại Việt Nam lên 600 triệu USD.
Nhà máy thứ nhất của Hana Micron đi vào hoạt động năm 2022, cung cấp bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng, Hana Micron tiếp tục xây nhà máy thứ hai.
Tại Lễ khánh thành, Chủ tịch Hana Micron, ông Choi Chang Ho, tiết lộ tập đoàn ông sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025, tức là sẽ bơm thêm hơn 400 triệu USD nữa. Khi đó, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD/năm, tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.
Hana Micron Vina tại Việt Nam cũng là địa chỉ sản xuất hàng đầu trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của tập đoàn, và nhân lực tại Việt Nam dự kiến sẽ chiếm đến 70% trong tổng số. Hana Micron cam kết đào tạo nhân sự trẻ ở Việt Nam thành nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong ngành chất bán dẫn.
Hana Micron thành lập tháng 8/2001, trong giai đoạn đầu chủ yếu gia công sản phẩm nội địa cho Samsung và SK Hynix thuộc SK Group. Nhưng Hana Micron đã nhanh chóng phát triển vượt ra biên giới Hàn Quốc: thành lập Hana Micron America tại Mỹ năm 2006 và HT Micron ở Brazil năm 2010.
Với 2 nhà máy hoạt động tại Việt Nam hiện nay, ông lớn này sở hữu chuỗi cung ứng tại 4 nước là Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ và Brazil.
Còn công ty bán dẫn Amkor Technology (Mỹ) sẽ khánh thành nhà máy với tổng mức đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023. Amkor cũng khởi nguồn từ Hàn Quốc khi được thành lập bởi doanh nhân Hyang-Soo Kim năm 1968, với tên nguyên thủy là ANAM Industrial và bắt đầu xuất khẩu sản phẩm bán dẫn sang Mỹ năm 1970.
Cùng năm đó, xuất hiện tên mới là Amkor Electronics, Inc. Năm 1998, Amkor Electronics được niêm yết và mang tên Amkor Technology đến hôm nay, với trụ sở chính tại Arizona.
Trong giai đoạn 10 năm từ 2013 đến 2022, vốn đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam tăng hơn 20 lần, từ 3,8 tỷ USD lên 81,5 tỷ USD, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc chọn Việt Nam làm thị trường trọng điểm sẽ tiếp tục thúc đẩy làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam theo chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng của họ.
Tường Thụy
Sáng 16/12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết…
Tối 15-12, tại Nhà hát thành phố, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với…
Thực hiện theo Nghị quyết 18 của Trung ương, TP Hải Phòng đã công bố…
Sáng 14/12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Nhà báo thành phố tổ…
TP Hải Phòng vừa có quyết định thu hồi gần 45.000m² thuộc khu đô thị…
Sáng 13/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More