Print Thứ hai, 11/10/2021 11:17 Gốc

Giữ vững “Vành đai xanh an toàn” nên trong 9 tháng của năm 2021, tăng trưởng kinh tế thành phố Hải Phòng vẫn đạt mức cao. 9 tháng, thu hút FDI tại Hải Phòng đạt trên 2.849 triệu USD, tăng 325%.

Đại dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát khiến cộng đồng doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cơn bão” COVID-19 chưa biết bao giờ ngừng, doanh nghiệp thành phố cảng luôn phải đối mặt với câu hỏi làm sao tồn tại được, làm sao để thích ứng…?

Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Vượt bão

Anh Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SHINEC (Hải Phòng), chia sẻ Việt Nam đang phải đối phó với “làn sóng” đại dịch COVID-19 lần thứ 4 hoành hành, tàn phá và kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định “chống dịch như chống giặc“, đó là chống giặc vô hình trong thời bình. Doanh nhân, doanh nghiệp ngày hôm nay là những chiến sỹ thời bình chấn hưng đất nước, mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” vang lên, các doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi trạng thái để thích ứng với giặc vô hình, hàng vạn cánh tay giơ lên khi Tổ quốc cần.

Doanh nhân, doanh nghiệp đã đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng cùng đất nước hỗ trợ các vùng có dịch. Các phong trào ATM gạo, ATM máu, ATM oxy, ATM F0, ATM cửa hàng không đồng, “Túi thuốc trao tay-đánh bay COVID“, cùng rất nhiều tấm gương xả thân vì cộng đồng vì đất nước.

Các doanh nghiệp cũng đã sáng tạo với các mô hình sản xuất “3 tại chỗ“, “2 điểm đến một cung đường“, công nghệ 4.0, được phát huy làm việc trên các nền tảng công nghệ thông tin đảm bảo thông tin, mệnh lệnh thông suốt.

Cùng đó là hàng triệu sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp với Chính phủ, với địa phương đảm bảo duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp FDI không những ổn định phát triển sản xuất mà còn mở rộng sản xuất kinh doanh trong đại dịch COVID-19; trong đó, không thể không nhắc đến, ngày 31/8 vừa qua, tại trụ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng, Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên đã trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng của doanh nghiệp này lên 4,65 tỷ USD.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng (LGDVH) trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố Hải Phòng tính đến thời điểm này.

Theo kế hoạch, LGDVH sẽ tăng sản lượng màn hình OLED từ 9,6-10 triệu sản phẩm/tháng lên từ 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến mỗi năm, doanh thu xuất khẩu của doanh nhiệp tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD, nộp ngân sách tăng thêm 25 triệu USD và thêm việc làm cho 10.000 lao động…

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố cảng, họ cũng tìm cách đi vững chãi cho riêng mình để vượt qua “bão” dịch.

Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư U&ME, anh Mai Quốc Hưng, cho biết là doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên mảng bất động sản công nghiệp cho thuê và phân phối các vật tư, thiết bị công nghiệp, đối tác của U&ME chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất.

Hầu hết doanh nghiệp này đang phải đối mặt nguy cơ gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng dây chuyền từ các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics…

Chính vì vậy Công ty U&ME càng “thấm” và thấu hiểu sự khó khăn cần vượt qua của chính mình và doanh nghiệp đối tác.

Theo Giám đốc Mai Quốc Hưng, xác định trong nguy luôn có cơ, không có lũ về thì làm sao có phù sa và từ tâm thế xác định là “sống chung với lũ“, với đại dịch nên U&ME đã tập trung vào một số giải pháp cụ thể nhằm đưa doanh nghiệp vượt bão, phát triển; trong đó, U&Me thực hiện tối ưu các chi phí, xây dựng lại quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh trong và sau dịch.

U&ME đặc biệt quan tâm phủ kín vaccine, tổ chức test COVID-19, tuân thủ nguyên tắc 5K, áp dụng phương án “3 tại chỗ” cho tất cả lao động để có thể đảm bảo duy trì ổn định, an toàn các hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng đó, U&ME liên tục thông qua họp online định kỳ nhằm động viên tinh thần “không ai cô đơn mùa dịch“. Đồng thời, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số để tăng cơ hội tìm kiếm khách hàng, duy trì giao tiếp với khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh, mở rộng thị trường, tiếp cận thêm các kênh đầu tư.

Cần một điểm tựa

Thời điểm này, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất trên cả nước không phải áp dụng giãn cách xã hội. Thành quả này đến từ sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao, phản ứng nhanh trong việc phòng, chống dịch COVID-19 của cả hệ thống chính trị thành phố.

Giữ vững “Vành đai xanh an toàn” nên trong 9 tháng của năm 2021, tăng trưởng kinh tế thành phố Hải Phòng vẫn đạt mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác.

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện cho bếp gas của Công ty TNHH Paloma Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP tăng 12,28% so với cùng kỳ. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, chỉ tiêu thu hút FDI đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

9 tháng, thu hút FDI tại Hải Phòng đạt trên 2.849 triệu USD, tăng 325% so với cùng kỳ, đạt 113,97% kế hoạch năm.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang từng nhấn mạnh việc trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng thêm vốn của doanh nghiệp là minh chứng sinh động, thuyết phục khẳng định về một thành phố Hải Phòng phát triển bứt phá, một điểm đến đầu tư tốt, đặc biệt là trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Tuy nhiên, để cộng đồng doanh nghiệp có thêm một điểm tựa, yên tâm trụ vững phát triển và có thêm nhiều nhà đầu tư mới chọn Hải Phòng làm “bến đỗ“, ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng.

Bên cạnh đó, đổi mới quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư theo hướng minh bạch và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư; thường xuyên tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp; xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới nhanh, gọn trên nền tảng chuyển đổi số.

Đối với phát triển kinh tế chung của thành phố Hải Phòng, thành phố đề nghị Chính phủ nhanh chóng phê duyệt Quy hoạch chung cho Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kèm theo đó là phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, Quốc hội phê duyệt cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng phát triển kinh tế nhằm thực hiện đúng và nhanh Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thêm nữa, để phục hồi nhanh sản xuất và đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng, Chính phủ quyết liệt hơn trong chỉ đạo thông suốt chính sách từ Trung ương đến địa phương; thông toàn tuyến vận tải hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ; có quy trình kiểm soát tốt dịch bệnh trên tinh thần cảnh giác cao độ và khoanh vùng nhỏ theo diện có ca mắc F0 để tránh thiệt hại thêm cho doanh nghiệp.

Các địa phương, ngành liên quan tăng cường tập huấn đến từng cơ sở, nhà máy sản xuất, cụm dân cư về cách phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19; áp dụng triệt để nguyên tắc “5K” cộng phủ kín vaccine.

Có như vậy doanh nghiệp mới có được luồng sinh khí mới, chủ động sáng tạo để vượt qua mọi thách thức khó khăn, hồi phục trong trạng thái bình thường mới./.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp Hải Phòng “vượt bão dịch,” thích ứng tình hình mới
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác