Print Thứ Hai, 10/02/2020 10:30 Gốc

Với nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa sụt giảm do ảnh hưởng của virus corona (2019-nCoV), các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông đang phải bù lỗ để duy trì hoạt động.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona (2019-nCoV) gây ra khiến kết quả sản xuất, doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết dịch bệnh virus corona đã làm giảm đáng kể nhu cầu đi lại của khách du lịch trong nước và quốc tế trong mạng bay của Vietnam Airlines.

Đường bay Trung Quốc chiếm 10% thị phần bay của Vietnam Airlines. Do đó, việc tạm dừng các chuyến bay của hãng đến/đi từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 du khách di chuyển mỗi tháng giữa hai quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng”, ông Thành cho hay.

Ông Thành cũng đưa ra kế hoạch theo giả định thị trường sẽ phục hồi vào tháng 7/2020, Vietnam Airines dự đoán trường hợp xấu nhất dịch bệnh do virus corona có thể gây ra cho hãng thiệt hại tài chính lên tới 196 triệu USD.

Vietnam Airlines sẽ tìm ra những biện pháp tiết giảm chi phí và tối đa hóa hiệu quả bằng cách điều chỉnh giảm tải hoạt động để đối phó với những tổn thất dự kiến, đạt được kết quả tài chính tích cực cho năm 2020”, vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói.

Cùng chung cảnh ngộ, sau khi các cơ quan Nhà nước khuyến cáo người dân hạn chế đến nơi công cộng, giảm tụ tập để tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona, các đơn vị vận tải cũng đang như ngồi trên đống lửa vì vắng khách.

Thừa nhận tác động của virus Corona đến tình hình kinh doanh vận tải hành khách tuyến Hải Phòng-Hà Nội là rất rõ, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng, cho biết: “Tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến 50%, còn nếu dịch bệnh kéo dài thì hậu quả chắc chắn là sẽ rất nghiêm trọng.

Trong trường hợp xấu nhất, ông Hải cho rằng doanh nghiệp sẽ tính tới phương án giảm tần suất hoạt động và cắt giảm nhân sự để bù lỗ.

Chung quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho hay các tour du lịch bị hủy bỏ, nhiều lễ hội ở các địa phương tạm dừng dẫn đến số lượng hành khách đi xe giảm khoảng 70% do người dân đã hạn chế di chuyển trong những ngày dịch bệnh.

Trong bối cảnh số lượng xe du lịch của các đơn vị vận tải không thể hoạt động nhưng vẫn phải duy trì, bảo dưỡng và trả lương cho các tài xế cũng khiến ngân sách nhiều công ty bị hao hụt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu”, ông Bằng nhìn nhận.

Vận tải đường biển cũng không ngoại lệ. Ngoài việc đã chủ động cắt tất cả các chuyến tàu có lịch trình vào Trung Quốc, các hãng tàu còn phải chấp nhận bù lỗ để đảm bảo chiến lược lâu dài về nguồn cung hàng.

Đại diện hãng tàu T.S Lines (Hải Phòng) thừa nhận mỗi tháng, thông thường hãng có khoảng 12-13 tàu ghé qua Trung Quốc lấy/trả hàng, nhưng con số này khi có dịch virus nCoV chỉ còn 7 tàu/tháng. Trong khi đó, lượng hàng cũng bị tụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến hãng tàu đối mặt với tình trạng thu không đủ chi. Các chi phí vận hành tàu, thuyền viên… gần như hãng phải tự bù lỗ. Tổng thiệt hại kinh tế gần một tháng qua có thể lên đến hàng triệu USD.

Theo ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, các tuyến vận tải chở hàng gỗ dăm từ Bình Định đến các cảng phía Nam Trung Quốc đều bị kéo dài thời gian dỡ hàng xuống cảng do việc kiểm tra của phía Trung Quốc kéo dài.

Theo phản ánh, thời gian phát sinh khiến sản lượng chuyên chở của các tàu vận tải giảm từ 10-15%, kéo theo sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn cũng bị giảm với tỷ lệ tương đương. Nếu thời gian trước, cảng khai thác 30/30 ngày, hiện tại số giờ làm việc của cảng chỉ còn 20 ngày. Tính trong tháng 1/2020, cảng thiếu hụt khoảng 100.000 tấn hàng so với kế hoạch đề tra”, ông Linh cho hay.

Giữa tâm dịch virus nCoV hiện nay, hãng tàu buộc phải chấp nhận bù lỗ để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, tránh bị thiệt hại kép.

Nếu các hãng cố tình cho tàu hoạt động, chỉ một thuyền viên nhiễm nCoV, tàu sẽ bị cơ quan nước bạn giữ lại chờ phun khử trùng, cách ly, kiểm soát dịch bệnh trong tình cảnh hàng hóa không dỡ xuống được, chi phí lưu tàu tính từng ngày. Chi phí phải bỏ ra còn nhiều gấp bội”, đại diện hãng tàu T.S Lines thừa nhận./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp giao thông lao đao bởi tác động của virus nCoV
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác