Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:01

Thành phố Cảng đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn chính là nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng thiếu lao động diễn ra phổ biến tại nhiều doanh nghiệp. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục khó khăn này, Hải Phòng có thể giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Kỳ 1:  Đôn đáo tìm lao động


Vắng người lao động đến sàn giao dịch việc làm để tìm kiếm thông tin tuyển dụng.

Mong mỏi cần người

Phiên giao dịch việc làm thứ 2 trong tháng 7-2018 của Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) diễn ra khá ảm đạm. Tại sàn giao dịch việc làm, hơn 20 nhà tuyển dụng, trong đó nhiều doanh nghiệp FDI có mặt từ sớm để “ngóng” người lao động trong khi số lượng người lao động đến tìm việc “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Với vẻ mặt sốt ruột, lo âu, chị Vũ Thị Thanh Nhàn, nhân viên Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Takahata Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng) cho biết: “Hiện, công ty chúng tôi cần tuyển gấp hơn 100 lao động, với mức lương cơ bản trên 5 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, người lao động được hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn 24/24 và nhiều chế độ phúc lợi khác. Tuy nhiên, gần hết ngày, chúng tôi mới nhận được hơn chục hồ sơ đăng ký dự tuyển”.

 “Không riêng công ty tôi, việc tuyển lao động phổ thông tại nhiều công ty tại Khu công nghiệp Đình Vũ rất khó khăn. Điều kiện làm việc tốt, mức thu nhập cũng hấp dẫn, song hơn 1 tháng nay, công ty không tuyển đủ 4 lao động phổ thông còn thiếu”, chị Đinh Thị Hải (nhân viên Phòng Nhân sự Công ty TNHH Masan Nutri-Science, Khu công nghiệp Đình Vũ) than thở.

Khó tuyển lao động phổ thông đang là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố. Đơn cử như Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên). Nhiều tháng qua, công ty chuyên về lĩnh vực may mặc, 100% vốn đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) này liên tục đăng tin tuyển dụng trên website với số lượng lớn hơn 20.000 lao động. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ có khoảng 50 hồ sơ dự tuyển, quá ít so với yêu cầu sản xuất.

 “Cạnh tranh” thu hút lao động

Hiện, nhiều doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ cao để “chạy đua” thu hút lao động. Ví dụ, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam  cam kết người lao động vào làm việc tại công ty được hưởng các khoản phụ cấp cơ bản, trợ cấp con nhỏ, lương tháng 13. Ngoài ra, người chưa có tay nghề may được thưởng “nóng” 500 nghìn đồng, người vượt qua vòng kiểm tra tay nghề được nhận ngay 2 triệu đồng…

Ngoài sàn giao dịch việc làm, nhiều công ty đăng tải thông tin tuyển dụng lao động trên các trang website, phát tờ rơi tại khu dân cư với nhiều điều khoản có lợi với người lao động. Như Công ty TNHH Pantra Vina (Khu công nghiệp Đình Vũ), ngoài việc nới rộng giới hạn độ tuổi từ 18-42 tuổi, trình độ học vấn từ THCS trở lên, công nhân được tuyển dụng vào còn hưởng thêm các khoản tiền phụ cấp: chuyên cần, đi lại, thâm niên, đời sống, năng suất cao. Đồng thời, công ty cam kết hỗ trợ 1 bữa ăn và thưởng ca đêm đến 50% lương cơ bản…

Theo anh Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Phòng  Nhân sự Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng, (Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương), theo kế hoạch, mỗi tuần công ty cần tuyển 500 công nhân nữ, ở các vị trí sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử… Ngoài các chế độ đãi ngộ cơ bản, công ty hỗ trợ bữa ăn miễn phí, hỗ trợ ký túc xá tiêu chuẩn 3 sao cho người ở xa, khấu trừ 50% thuế thu nhập cá nhân… Trước đây, công ty yêu cầu lao động nữ tốt nghiệp THPT trở lên. Nay, chỉ cần tốt nghiệp THCS và đủ 18 tuổi trở lên. Để tuyển đủ số lượng công nhân, công ty mở rộng thêm các chi nhánh tuyển dụng nhân sự tại Hải Dương, Quảng Ninh… đến làm việc tại Hải Phòng. Tuy nhiên, công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), 6 tháng đầu năm 2018, có 572 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng trong 16 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là hơn 34.500 lao động (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, lao động phổ thông (không yêu cầu trình độ) 28.574 người (chiếm 82,7%) tổng số lao động cần tuyển dụng. Số lượng lao động phổ thông đạt sơ tuyển tại trung tâm 1.192 người, mới đáp ứng 4,2% nhu cầu tuyển dụng. Con số này phần nào minh chứng cho “cơn khát” lao động phổ thông khá trầm trọng của nhiều doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn thành phố. Điều này đòi hỏi thành phố, ngành chức năng, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề sớm có giải pháp định hướng, đào tạo kịp thời nhằm bổ sung nguồn lao động.

Tại Hải Phòng, lũy kế đến 31-12-2017, các KCN, khu kinh tế thu hút được 251 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 11,382 tỷ USD. Các nhà đầu tư FDI tại Hải Phòng đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, bước đầu thu hút được dự án của một số tập đoàn, công ty lớn, thuộc nhóm 500 công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới như: Chevron, General Electric (GE), Idemitsu, Bridgestone, LG và các tập đoàn khác có quy mô lớn và công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Kỳ 2: Đồng bộ giải pháp tạo nguồn, nâng cao chất lượng lao động

 “Cầu lớn hơn cung” là nguyên nhân tạo nên “cơn sốt” lao động phổ thông tại thành phố Cảng. Để có dồi dào nguồn lao động, cần nhiều giải pháp tích cực, sáng tạo trong công tác hướng nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm.

Khơi nguồn lao động

Hiện, qua khảo sát các doanh nghiệp sử dụng lao động với số lượng lớn cho thấy, nhu cầu lao động tại đơn vị không giảm, mà còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Theo lộ trình phát triển đến năm 2020, Công ty TNHH Regina Miracle Internationnal Việt Nam cần tuyển dụng 40.000 lao động, trong khi số lao động hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 60% yêu cầu; Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng hiện có hơn 2.000 lao động đang làm việc, nhưng số lượng lao động cần tuyển gấp 5 lần hiện tại…

Thực tế, số lượng lao động phổ thông hiện tại khó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. “Những năm gần đây, số người trong độ tuổi lao động tại thành phố ổn định với hơn 1,2 triệu người. Trung bình mỗi năm, thành phố có khoảng 16-18 nghìn người vào độ tuổi lao động. Trong đó, phần lớn số này tiếp tục học tập, chỉ khoảng 1/3 lựa chọn đi làm ngay. Bên cạnh đó, tại các tỉnh lân cận đều xuất hiện các khu công nghiệp lớn, khiến việc thu hút lực lượng lao động phổ thông từ tỉnh ngoài đến làm việc tại Hải Phòng khó khăn hơn trước”, bà Phạm Thị Yến, Trưởng Phòng Tư vấn và Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) phân tích.

Trước thực tế “thừa thầy, thiếu thợ”, nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố tăng cường tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp và đào tạo nghề, nhưng kết quả chưa mấy khả quan. Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Thủy Nguyên), năm học vừa qua, nhà trường phối hợp nhiều đơn vị tuyển dụng tổ chức các buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp tới học sinh khối 12. Trong đó, khoảng 30% số học sinh lớp 12 đăng ký học nghề, lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ này tăng từ 5-7% so với năm học trước. Song kết quả này còn thấp và chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng Phòng Việc làm- An toàn lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), so với các tỉnh như: Đồng Nai, Quảng Ninh…, Hải Phòng có tỷ lệ lao động nhập cư thấp. Do đó, các trung tâm giới thiệu việc làm cần tăng cường tuyên truyền về thị trường lao động tới lao động phổ thông ngoại tỉnh để thu hút đến Hải Phòng làm việc. Bà Đặng Thị Mai, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Trong thời gian tới, trung tâm từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; tăng cường phối hợp các trường phổ thông tổ chức ngày hội việc làm, quảng cáo thông tin việc làm bằng tờ rơi, phướn tại các tổ dân phố, khu dân cư… nhằm giới thiệu việc làm khoảng 1.300 lao động phổ thông trong 6 tháng cuối năm 2018.

Trường nghề- doanh nghiệp liên kết đào tạo

Do vậy, cùng với số lượng, chất lượng nguồn nhân lực sẽ dần trở thành yếu tố then chốt để có thể tuyển dụng đối với việc tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI. Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vòng đời sản phẩm rút ngắn, công nghệ sản xuất thay đổi nhanh. Phương pháp đào tạo nghề phải thay đổi kịp thời theo xu thế mới. Theo ông Nguyễn Hữu Cường, cơ sở đào tạo nghề chỉ đào tạo “những gì doanh nghiệp cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì doanh nghiệp sẽ cần”. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, một trong những giải pháp hợp lý nhất, tiết kiệm nhất là phát triển hợp tác toàn diện giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo lao động. Doanh nghiệp thường xuyên đầu tư trang bị máy móc mới, quy trình công nghệ và có đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm. Khi đó, các trường không phải tốn quá nhiều chi phí cho đầu tư máy móc thiết bị, sinh viên được học tập và lao động trong môi trường công nghiệp thực sự; từ đó sản phẩm đào tạo sẽ phù hợp thị trường lao động, sát thực tiễn hơn. “Để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường lao động, Trường cao đẳng Bách nghệ mở thêm một số ngành, nghề mới mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao; thay đổi phương pháp đào tạo, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để thực hành trên thiết bị tự động hóa, robot…, giúp học viên thành thạo tay nghề, có thể làm việc ngay trong nhiều doanh nghiệp. Nhà trường cam kết 95% số lượng học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”, anh Nguyễn Tiến Nghĩa, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – việc làm, Trường cao đẳng Bách nghệ chia sẻ.

Thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhóm giải pháp về tạo nguồn lao động, từ khâu đào tạo nghề đến công tác tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm chính, là cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu giải quyết việc làm cho 52.000 lượt lao động/mỗi năm, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4% theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND do thành phố đề ra. Đồng thời, thể hiện nỗ lực của thành phố đồng hành doanh nghiệp FDI để các đơn vị yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố.

Ngày 12-7-2018, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND về Chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2018-2020, với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn lao động lâu dài, bền vững. Theo đó, thành phố tăng cường chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra nhiều việc làm đáp ứng nhu cầu về việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao chất lượng lao động góp phần tạo việc làm bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tăng nhanh lao động trong ngành dịch vụ, công nghệ cao, giảm dần lao động có trình độ thấp, lao động phổ thông; nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động thành phố trên thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế.

 Bài và ảnh: Tuyết Mai – Báo Hải Phòng 01/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng: “Khát”… công nhân
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác