Doanh nghiệp du lịch thành phố với công tác quảng bá, xúc tiến: Vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn

Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018 diễn ra đầu tháng 4 vừa qua đánh dấu sự tích cực hơn của các doanh nghiệp du lịch thành phố trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Số lượng hợp đồng được ký kết tăng gấp 9 lần so với năm 2017. Tuy nhiên, con số này vẫn rất nhỏ so với kết quả chung của hội chợ.

Khách hàng nước ngoài nghe giới thiệu về sản phẩm du lịch của các DN Hải Phòng tại Hội chợ VITM Hà Nội 2018.

4 ngày ký kết 185 hợp đồng

Tại Hội chợ VITM Hà Nội 2018, Hải Phòng có 1 gian hàng triển lãm (diện tích gần 40 m2), với sự tham gia của 8 doanh nghiệp (DN) (trong đó có 6 DN lưu trú và 2 DN lữ hành). Ông Tiển Chí Kiên, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Liên doanh du lịch quốc tế Hải Phòng (một trong 8 đơn vị tham gia hội chợ), cho biết, trong khoảng 3 năm gần đây, Sở Du lịch thành phố có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các gian hàng triễn lãm quy mô, đẹp mắt và tích cực vận động các DN tham gia triển lãm. Các DN du lịch thành phố cũng đầu tư mạnh mẽ hơn cho hoạt động xúc tiến, quảng bá tại hội chợ. Công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp. Các DN chủ động xây dựng chương trình khuyến mại, giảm giá chào bán “tua” tại hội chợ, đồng thời có nhiều hình thức tặng quà, tặng phiếu sử dụng dịch vụ thu hút khách.

Theo thống kê của Sở Du lịch, qua 4 ngày diễn ra hội chợ (từ 29-3 đến 1-4), số khách hàng đặt tua tại gian hàng của thành phố là 185 hợp đồng, tăng vượt bậc so với năm 2017 (20 hợp đồng). Các doanh nghiệp du lịch thành phố cũng tham gia hơn 500 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đối tác tại hội chợ.

Tuy nhiên, nếu so với lợi thế và bề dày lịch sử phát triển du lịch của thành phố, kết quả này còn khá khiêm tốn. Hội chợ VITM Hà Nội 2018 thu hút khoảng 70 nghìn lượt người đến tham quan, ký kết hợp đồng và mua, bán sản phẩm du lịch, trong đó 29 nghìn tua du lịch nội địa và quốc tế được bán ra. Trong khi các gian hàng của các DN du lịch Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… được đầu tư trang trí bắt mắt với nhiều chương trình, trò chơi cuốn hút khách tham gia, gian hàng chung của Hải Phòng còn khá đơn điệu. Các DN Hải Phòng chủ yếu giới thiệu sản phẩm thông qua các tờ rơi, tặng phiếu giảm giá… nên chưa tạo ấn tượng mạnh đối với khách. Do đó, trong suốt thời gian diễn ra hội chợ, lượng khách dừng lại các gian hàng của thành phố chưa đông. Đó cũng là tình trạng chung tại các hội chợ du lịch của thành phố trong những năm gần đây.

Động viên, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia

Thực tế, hiện trên địa bàn thành phố có 441 cơ sở lưu trú du lịch và 70 DN kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, số DN tham gia các chương trình hội chợ thời gian qua chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Các chương trình xúc tiến du lịch khác được tổ chức thời gian qua cũng chỉ có vài chục DN tham gia và đều là các gương mặt quen thuộc. Giám đốc Công ty TNHH du lịch An Biên Vũ Ngọc Minh cho rằng, hiệu quả đầu tư thấp và thiếu chính sách hỗ trợ của nhà nước là những lý do chính khiến các DN nhỏ và vừa ít tham gia các hội chợ. Tham gia hội chợ du lịch trong nước, các DN phải tính toán chi phí tổ chức giới thiệu, quảng cáo, xúc tiến, đi lại, ăn ở cho nhân viên… Tính sơ cũng khoảng vài chục triệu đồng nên các DN có vốn nhỏ ngại tham gia. Đó là chưa kể các hội chợ tổ chức ở nước ngoài thì chi phí đầu tư, đi lại, ăn ở cao gấp nhiều lần thì việc tham gia của DN càng “không tưởng”.

Theo Phó chủ tịch Hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch thành phố) Đặng Hồng Trung, thời gian gần đây công tác quảng bá, xúc tiến du lịch có những cải tiến, đổi mới về quy mô, cách thức, hình thức, nội dung và đạt được những kết quả nhất định. Song, chưa đạt hiệu quả mong muốn và chưa có sự tham gia tích cực của các DN du lịch, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ. Để động viên các DN tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch, thành phố nên có chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí cho mỗi DN tham gia các chương trình xúc tiến. Theo đó, cần hỗ trợ DN kinh phí tối đa mỗi năm 2 lần tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và 1 lần tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. Chẳng hạn, thành phố xem xét hỗ trợ 50% chi phí đi lại, của mỗi DN tham gia gian hàng chung của thành phố tại các hội chợ, triển lãm trong nước;  đối với triển lãm ở nước ngoài hỗ trợ 1 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông đối với 1 đơn vị tham gia; hỗ trợ lãi suất vay đầu tư trong lĩnh vực du lịch…

Cùng với đó, Sở Du lịch nên xây dựng gian hàng quảng bá các sản vật, đồ lưu niệm đặc trưng của Hải Phòng để giới thiệu tới du khách. Bổ sung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các chương trình bốc thăm trúng thưởng, chương trình hoạt náo nhằm thu hút khách tham quan gian hàng tại các hội chợ du lịch.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu, các DN không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Họ cần tự thân chủ động, tích cực hơn nữa trong việc xây dựng các chương trình khuyến mại, giảm giá… thu hút du khách bằng các sản phẩm độc đáo với giá cạnh tranh và chất lượng dịch vụ tốt.

Nguyễn Cường – Báo Hải Phòng 20/04/2018

Tin khác

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu thông báo tìm chủ sở hữu

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…

23/12/2024

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More