Hai “ông lớn” xăng dầu là Petrolimex và PVOil cùng cho rằng, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay đang có nhiều bất cập, không nên tiếp tục duy trì quỹ này mà để cho thị trường tự vận hành.
Nên mạnh dạn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Kể từ kỳ điều hành ngày 23.10 năm ngoái đến nay (6 tháng), cơ quan điều hành giá xăng dầu là Liên Bộ Công Thương-Tài chính liên tục không chi sử dụng, cũng không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Hệ lụy khiến giá xăng dầu biến động mạnh, có kỳ điều chỉnh, giá xăng vượt mức 25.000 đồng/lít (kỳ điều chỉnh ngày 17.4), trong khi số dư quỹ này hiện nay lên tới hơn 7.000 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho Lao Động biết, sở dĩ nhà chức trách không “động” đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu là vì “bê bối” trong việc quản lý và sử dụng quỹ này được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá và công khai toàn diện. Do đó, nhà điều hành sẽ hạn chế tác động vào việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
“Thực tế thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gần như không cần trích, chi sử dụng, nhưng thị trường không gặp vấn đề gì, vẫn diễn ra bình thường. Trong khi duy trì quỹ, doanh nghiệp rất khổ do phải làm bảng kê lượng xuất bán, báo cáo, kiểm kê rồi thanh, kiểm tra.
Như với Petrolimex, một năm thực hiện 11 triệu m3/tấn, số lượng rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch”, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay.
Theo ông, cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, do thời gian qua có thể thấy doanh nghiệp không được hưởng lợi gì. Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm, rất khổ.
Trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn để ổn định vĩ mô thì không để quỹ ở doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải giữ quỹ. Sai phạm vừa rồi của các đầu mối như Xuyên Việt Oil, Hải Hà là do quản lý quỹ, nhưng khi thực hiện giữ quỹ thì thủ tục phải đơn giản.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) bày tỏ việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng khiến cho mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp đau đầu tính toán xem quỹ sử dụng thế nào. Bởi giá xăng dầu hiện nay phụ thuộc vào giá thị trường, nhưng việc hình thành quỹ là từ nguồn lực của người dân đóng góp.
“Từ trước đến nay, Nhà nước xây dựng quỹ bình ổn với thiện chí bình ổn cho người dân, nhưng giờ người dân cũng không cần thì sao chúng ta vẫn cố làm?“, ông Dương nói.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam cũng đồng tình với việc khi sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thời gian qua cũng chính vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phát huy được tính minh bạch và chưa điều tiết được thị trường xăng dầu, nhiều công ty đầu mối chiếm dụng sai mục đích, cho nên ông đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
“Để điều tiết giá xăng dầu phục vụ an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, hiện Nhà nước đã có công cụ chính là điều tiết thuế, phí trong giá nhập khẩu xăng dầu, do vậy, không cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu“, ông Phương nói.
Nếu không bỏ quỹ, cần quản lý thế nào?
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho rằng, quỹ là bình ổn thị trường, song để tồn gần 7.000 tỉ đồng, không được đưa ra sử dụng thì cần đặt câu hỏi về quản lý, vận hành.
“Tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu nhưng chưa hướng đến người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, nhẽ ra phải trích Quỹ bình ổn để chặn đà tăng hoặc những biến động trái chiều của giá xăng dầu, nhưng cơ quan điều hành không làm điều đó.
Tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát”, ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh trong trường hợp duy trì Quỹ bình ổn thì cần thiết lập cơ chế hình thành quỹ nộp vào Nhà nước như một khoản thuế và thay đổi cách thức sử dụng.
“Quỹ này Nhà nước nên tập trung vào dự trữ xăng dầu quốc gia và khi cần bình ổn giá thì bán hàng dự trữ quốc gia ra thị trường.
Việc sử dụng quỹ như vậy để thay cho cách làm hiện nay sẽ khiến nhiều doanh nghiệp càng vướng vào lao lý vì thực hiện chi/trích lập quỹ bình ổn không thể kịp thời“, ông Bảo nói.
Cường Ngô